Độc đáo ô tô thức tỉnh thần kinh của “nhà phát minh” nhí
(Dân trí) - Với ý tưởng “Ô tô thức tỉnh thần kinh”, “Xe du lịch ốc sên”, hai “nhà phát minh” nhí Hoàng Mỹ Quỳnh và Nguyễn Nhật Duyên đã rinh về giải nhất cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ 2011.
Ngày 20/8, 38 “nhà phát minh” tí hon đến từ 12 tỉnh, thành trên cả nước đã có cơ hội thuyết trình 30 ý tưởng của mình trong vòng chung kết “Ý tưởng trẻ thơ” lần thứ 4.
Cuộc thi đã tìm ra hai “nhà phát minh” nhí xuất sắc nhất với những ý tưởng sáng tạo hết sức độc đáo là Hoàng Mỹ Quỳnh (lớp 3A, trường Cẩm Quan 2, Hà Tĩnh) và Nguyễn Nhật Duyên (Lớp 5C, trường tiểu học số 1 TT Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định).
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT, Phó Giám đốc Chương trình Đảm bảo chất lượng Giáo dục trường học (SEQAP), khẳng định ý nghĩa của cuộc thi là mong muốn mang đến cho các em một sân chơi hấp dẫn, thú vị, bổ ích, một hoạt động ngoại khóa sinh động bên cạnh chương trình học của nhà trường.
Cô giáo Dương Nghiên Thường (tiểu học thị trấn Yên Viên, Gia Lâm) nhận xét cuộc thi đã khơi dậy đam mê sáng tạo, mở ra một chân trời khoa học cho các em học sinh.
Và thực tế đã cho thấy ở đâu giáo viên say sưa tìm tòi, học hỏi, ở đó phong trào học tập, nghiên cứu khoa học cũng phát triển mạnh. Điển hình như trường tiểu học Văn Sơn, Nghệ An. Giáo viên mỹ thuật dẫn dắt các bạn thí sinh nhí tham dự cuộc thi, cô Hoàng Thị Mai cũng từng nhận được giải thưởng tài năng sáng tạo nữ của Tổng liên đoàn Lao động VN.
4 năm liên tiếp dẫn dắt học sinh tham dự cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ, mỗi năm cô Mai lại có thêm niềm vui mới. Năm 2011, trường có tới 5 đại diện nhí tại chung kết và 2 trong số 5 em đã xuất sắc giành được giải nhì với ý tưởng “Bóng đèn chiếu sáng bằng khí cacbonic từ cây xanh”.
Em Nguyễn Thị Minh Tâm, chủ nhân của giải nhì cho biết: “Ở quê em hay mất điện nên em và bạn Phan Tuấn Bảo mới nghĩ ra ý tưởng này, ý tưởng rất khó nhưng em rất muốn biến nó thành hiện thực.”
Ba cô trò nhí còn lại đến từ Nghệ An là Linh Chi, Vân Giang, Thảo Sương cũng có một ý tưởng khiến người lớn phải ngạc nhiên: “Máy nội soi đáy nước” xuất phát từ lý do: “Khi xem trên thời sự thấy cơn lũ đã gây thiệt hại nặng nề, chúng em muốn làm chiếc máy mà khi lũ đến, máy này sẽ đi trên nước, thả camera xuống để tìm những vật bị chìm xuống nước”.
Cuộc thi cũng giúp các em học sinh tự tin hơn. Trước cuộc thi, Phạm Hoàng Long (Lớp 5D, trường Tiểu học Yên Viên, Gia Lâm, HN) có phần nhút nhát thì khi đến với cuộc thi Long đã mạnh hơn khi phát biểu trước đám đông.
Ý tưởng “Máy chế tạo vật liệu xây dựng” là cách Hoàng Long kể cho mọi người về ước mơ trở thành kĩ sư.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Giám đốc hệ Phát thanh có hình Đài tiếng nói Việt Nam, thành viên BGK nhận định: “Năm nay về đỉnh cao vẫn có thành công nhưng trên mặt bằng thì bình lặng hơn. Các tác phẩm đỉnh cao vẫn rất hay như giải nhất “Ô tô thức tỉnh thần kinh”.
Tôi đã qua 3 kì chấm cuộc thi, hiện nay là 4 kì, năm nào cũng gặp những cái được. Qua đó cho thấy các em quan tâm đến nhiều vấn đề mà chính chúng ta cũng không quan tâm đến được, thuyết trình cũng đâu ra đấy.
Đây vừa là cuộc chơi cho các em, vừa là gợi ý giúp các nhà khoa học có được những phát minh trong tương lai. Có những mô hình như truyện cổ tích, khó có khả năng hiện thực. Thế nhưng biết đâu có những truyện cổ tích lại thành hiện thực.
Cũng như cách đây hàng nghìn năm người ta đã nghĩ ra chiếc thảm bay, con ngựa gỗ mun. Nhưng biết đâu từ con ngựa gỗ mun đã bay được ấy, cái thảm bay được ấy chính là gợi ý cho các nhà khoa học sau này làm máy bay, tàu vũ trụ”.
Và nhà thơ kì vọng: “Tôi rất mong những cuộc thi như thế này sẽ là tiền đề để nhà trường, thầy cô giáo, phụ huynh tiếp tục tạo điều kiện cho các em phát triển chứ không phải chỉ để giành giải thưởng rồi xong việc. Phải khơi dậy trong các em tình yêu khoa học.
Cuộc thi cũng đặt ra một vấn đề là có rất nhiều cuộc chơi mà các bậc bố mẹ, thầy cô can thiệp quá sâu. Làm sao cho các em hồn nhiên, vừa phấn đấu thành tích nhưng cũng vừa có cơ hội thể hiện tài năng”.
Một số hình ảnh mô hình giàu ý tưởng tại lễ trao giải
Bài, ảnh: Phương Nhung