Độc đáo "không gian văn hóa truyền thống" của một trường học mầm non
(Dân trí) - Từ các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày hay những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, các thầy cô giáo đã tạo nên không gian văn hóa vô cùng độc đáo ngay tại lớp học.
Đây là ý tưởng sáng tạo của các giáo viên Trường mầm non xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Trong năm học mới này, các lớp học đã được trang trí bằng những "không gian văn hóa" mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Theo thầy Trịnh Hồng Quân, Hiệu trưởng Trường mầm non Thành Sơn, ý tưởng này xuất phát từ việc xây dựng không gian học tập trong năm học mới cho học sinh.
"Bắt đầu năm học mới các trường học sẽ tiến hành trang trí, thiết kế các không gian, góc học tập để các em học sinh có được môi trường học tập hiệu quả. Vì hầu hết các em học sinh ở đây là người dân tộc Thái, mà nét văn hóa vùng bản địa cũng rất đặc sắc, vì vậy tôi nghĩ đến việc đưa vào lớp học để tạo không gian mới mẻ cho các em", thầy Quân chia sẻ.
Theo đó, để các em học sinh cảm thấy sự gần gũi, đồng thời được trau dồi những hiểu biết về nét đẹp văn hóa truyền thống, mỗi phòng học tại của nhà được thiết kế một góc mô hình "không gian văn hóa" với những chủ đề riêng.
Với chủ đề gia đình thì sẽ có những chiếc gùi mây, giỏ tre, làn, nhà sàn… hay như chủ đề thời trang sẽ là những chiếc khăn, gối dệt thổ cẩm, đến các trang phục truyền thống. Thậm chí, những nét đẹp văn hóa như điệu khua luống truyền thống của người Thái, cồng chiêng cũng được tái hiện hết sức chân thực.
Theo thầy Quân, để triển khai ý tưởng này thì 20 cán bộ, giáo viên của trường cùng phụ huynh học sinh đã tự tay thiết kế và trang trí gần một tháng trước ngày khai giảng năm học mới.
"Các đồ vật sẽ được mô phỏng lại một cách chân thực nhất, không chỉ để trưng bày mà còn để giáo viên giới thiệu trực tiếp cho học sinh trong các buổi học. Việc thiết kế các đồ vật không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng nhiệt tình hưởng ứng. Có những đồ vật như khăn, quần áo thì chúng tôi liên hệ với phụ huynh để xin rồi trưng bày. Thậm chí, những đồ vật như giỏ tre, mẹt, cồng chiêng… thì giáo viên phải học cách làm từ phụ huynh", thầy Quân cho biết thêm.
Trường mầm non xã Thành Sơn là một trong những trường học vùng cao của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay toàn trường có 136 học sinh, trong đó số học sinh đồng bào dân tộc Thái chiếm 95%, còn lại là các em học sinh đồng bào dân tộc Mường. Ngoài điểm chính tại bản Báng, nhà trường còn có 4 điểm lẻ. Do ở vùng cao nên điều kiện cơ sở vật chất ở đây đang còn nhiều khó khăn.
Cũng theo thầy Quân, việc xây dựng mô hình không gian văn hóa này vừa thiết thực lại không mất nhiều chi phí. Sau khi hoàn thiện, mô hình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và yêu thích của phụ huynh học sinh. Nhiều phụ huynh còn rất hào hứng khi được chung tay xây dựng không gian học tập cho con em mình.
Ông Lò Văn Quýnh, bản Nông Công, xã Thành Sơn, cho biết: "Chúng tôi ở đây còn nhiều khó khăn nên điều kiện để con em đi học thiếu thốn. Nghe thầy giáo nói làm mô hình cho các cháu tôi rất thích. Vì đó là những vật dụng rất sẵn có ở địa phương, từ tre, luồng, thổ cẩm. Thế mà khi làm xong trông cũng đẹp lắm, chúng tôi vui lắm".