Doanh nghiệp không nên phàn nàn việc phải "đào tạo lại"
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, hệ thống trường đại học và trường nghề chỉ trang bị kiến thức cốt lõi, khả năng tự học, khả năng thích ứng. Doanh nghiệp không nên phàn nàn phải "đào tạo lại".
Ngày 18/6, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 08 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020".
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại và hạn chế của việc triển khai Đề án; trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, giải pháp cho việc xây dựng Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam; đại biểu Ban Tuyên giáo trung ương, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương; lãnh đạo UBND, Hội khuyến học các tỉnh/thành phố; đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội.
Hơn 300.000 người được xóa mù chữ
Đề án "Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2012 - 2020" được triển khai từ năm 2013 với 4 mục tiêu chính, đó là xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; kết quả học tập nâng cao trình độ Tin học, Ngoại ngữ; kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề lao động có hiệu quả hơn và hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay: Qua 8 năm triển khai, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 tuổi là 97,85%; 94,92% cán bộ, công chức từ Trung ương đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định.
Bên cạnh đó, số lao động nông thôn, công nhân lao động được học nghề ngày một nhiều; tỷ lệ học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ 64,6%. Việc học tập cho người lớn đã được chú trọng, trình độ dân trí được nâng lên.
Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh dạy học từ xa, dạy học trực tuyến, dạy cung ứng các chương trình học tập suốt đời và tổ chức các chương trình giáo dục trên kênh truyền thông.
Số lượt người tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, các lớp phổ cập ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, nghề ngắn hạn tại các Trung tâm học tập cộng đồng hằng năm. Việc học tập cho người lớn đã được chú trọng, trình độ dân trí được nâng lên.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ và cần phải được nhìn nhận nghiêm túc, từ cách tiếp cận vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn xây dựng xã hội học tập của giai đoạn 2012-2020 để xác định mục tiêu cụ thể, thiết thực.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị cấp ủy chính quyền địa phương, người sử dụng lao động quan tâm hơn nữa đến hoạt động đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân, người lao động. Đồng thời, xây dựng và ban hành đề án mới để tiếp tục hình thành và phát triển xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong công nhân.
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, thời gian tới, để thực hiện hiệu quả hơn cần có sự bắt tay của trường đại học và doanh nghiệp, trong việc mở khóa đào tạo, để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, nguồn nhân lực của chính doanh nghiệp.
Theo TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương, khi ban hành đề án xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2030 nếu không đặt nặng trong bối cảnh chuyển đổi số, mà tiếp tục như giai đoạn trước là tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thì rất vất vả mới có thể thành công và theo kịp sự phát triển của thời đại mới.
Ông cho rằng, xã hội học tập tới đây phải hướng tới mục tiêu tạo ra các công dân số với đầy đủ năng lực, kỹ năng số; huy động trí tuệ và sự đóng góp từ nguồn xã hội hóa để phát triển chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo.
Phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, xây dựng xã hội học tập là một chủ trương, một công việc rất lớn, rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó Bộ GD-ĐT có vai trò nòng cốt.
Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" sau 8 năm triển khai đã đạt được kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Những kết quả đó cho thấy chủ trương lớn, được ban hành kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã đi vào thực tiễn. Thời gian tới, công việc này cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn; điều chỉnh phương pháp; thay đổi từ nhận thức đến hành động.
"Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Trách nhiệm của chúng ta là phát triển một xã hội hiếu học, một xã hội biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thỏa mãn mọi nhu cầu học tập. Trước khi xây dựng một xã hội học tập thì cần phải xây dựng được mỗi con người, mỗi cá nhân học tập suốt đời", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, công việc của Bộ GDĐT và các bộ ngành, trên cương vị quản lý nhà nước và hoạt động tổ chức xã hội, thực chất là làm 2 công việc quan trọng. Đó là thúc đẩy, khuyến khích, gia tăng nhu cầu học tập và bằng mọi cách thỏa mãn tất cả nhu cầu học tập đó. Hai việc này nếu được đẩy mạnh, chúng ta sẽ có một xã hội học tập năng động.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề cập đến những công việc trọng tâm trong thời gian tới, trong đó có một số trọng tâm.
Cụ thể, chúng ta cần xác định thật rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến công cuộc phát triển xã hội học tập. Trong các khâu cần đẩy mạnh, tác động, dẫn dắt thì thành tố quan trọng nhất là của mỗi người. Mỗi người cần nhận thức được nhu cầu học tập để tự phát triển bản thân. Những cá nhân đó phải được hỗ trợ, thúc đẩy, ghi nhận trong phát triển học tập. Vai trò của cá nhân trong phát triển xã hội học tập là vô cùng quan trọng.
Tiếp đến, các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò nòng cốt trong phát triển xã hội học tập. Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nếu không có sự vào cuộc, tham dự, nhìn nhận đúng vai trò của doanh nghiệp thì xã hội học tập sẽ thiếu đi một động lực vô cùng quan trọng.
Trường học không trang bị tất cả những thứ như doanh nghiệp muốn
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, tri thức ngày càng rộng lớn, kỹ năng cần ngày càng phong phú, nghề nghiệp mới sinh ra mỗi ngày. Nếu chỉ trông chờ vào đào tạo 3-4 năm trong trường đại học hay thời gian ngắn trong trường nghề và nghĩ rằng người học ra trường phải làm được ngay, làm đúng nghề, quan điểm đó cần được điều chỉnh.
"Hệ thống trường đại học và các trường nghề cũng hướng đến trang bị kiến thức căn bản, cốt lõi, khả năng tự học, khả năng thích ứng, nhưng không có những chương trình trang bị tất cả các thứ như doanh nghiệp mong muốn. Do đó, doanh nghiệp phải tham dự đào tạo cùng, đào tạo tiếp, chứ không nên phàn nàn là "đào tạo lại". Đây là một nhận thức và thấy rằng mình cần tham dự cùng các trường đào tạo nhân lực mang tính cá biệt cho nhu cầu riêng của đơn vị, doanh nghiệp", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Theo ông, sức sống của một doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đầu tư cho việc học của nhân viên như thế nào. Trong các thành tố, ta xác định vai trò của hệ thống các cơ quan, đoàn thể, cơ sở giáo dục đào tạo là nòng cốt; của doanh nghiệp là cùng tham gia.