Doanh nghiệp “khát” nhân lực, SV tốt nghiệp vẫn không thể “chen chân”

(Dân trí) - Điều quan trọng nhất mà các diễn giả muốn gửi gắm trong buổi hội thảo hướng nghiệp “Trang bị hôm nay để thành công ngày mai” vừa qua là trước khi nghĩ đến lương bổng, các bạn sinh viên cần hiểu mình thực sự đam mê điều gì. Đó chính là chìa khóa thành công.

Vừa qua, tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) tại Châu Á - Thái Bình Dương cùng trường ĐH Hà Nội phối hợp tổ chức buổi hội thảo hướng nghiệp mang tên “Trang bị hôm nay để thành công ngày mai” (Se préparer aujourd’hui pour réussir demain) dành cho các sinh viên Pháp ngữ tại Hà Nội.

SV Pháp ngữ “rộng cửa” thực tập

Tại buổi hội thảo, ba vị khách mời là anh Hà Đức Mạnh (Tổng giám đốc Amica Travel), chị Phó Cẩm Hoa (Phó giám đốc hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam) và chị Nguyễn Bá Linh (ĐSQ Pháp tại Hà Nội) đã mang đến cái nhìn toàn cảnh về các chương trình học bổng thực tập, các cơ hội việc làm cho sinh viên Pháp ngữ tại Việt Nam, những nhu cầu lớn hiện tại của thị trường lao động.

Theo đó anh Hà Đức Mạnh cho hay nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp nói chung và của khối doanh nghiệp Pháp ngữ đang rất lớn. Lấy ví dụ công ty Amica Travel mà anh đang điều hành có 160 nhân viên, 80 % trong số đó sử dụng tiếng Pháp trong công việc.

Những doanh nghiệp này có khả năng và sẵn sàng trả mức lương cao cho nhiều vị trí, nhất là nhân sự cấp trung và cấp cao. Tuy nhiên, khi phỏng vấn 100 ứng viên thì chỉ chọn được 20 ứng viên tiềm năng.


Các vị khách mời chia sẻ về cơ hội và thách thức của SV Pháp ngữ hiện nay. Từ phải qua trái:  anh Hà Đức Mạnh (Tổng giám đốc Amica Travel), chị Phó Cẩm Hoa (Phó giám đốc hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam) và chị Nguyễn Bá Linh (ĐSQ Pháp tại Hà Nội)

Các vị khách mời chia sẻ về cơ hội và thách thức của SV Pháp ngữ hiện nay. Từ phải qua trái: anh Hà Đức Mạnh (Tổng giám đốc Amica Travel), chị Phó Cẩm Hoa (Phó giám đốc hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam) và chị Nguyễn Bá Linh (ĐSQ Pháp tại Hà Nội)

Tương tự như vậy, chị Phó Cẩm Hoa, Phó giám đốc Hệ Phát thanh Đối ngoại Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết hiện có rất nhiều cơ hội thực tập cho sinh viên. Tuy nhiên, khi phỏng vấn 7 ứng viên thì cơ quan chỉ có thể nhận được 4 ứng viên vào làm việc.

Lý do chung mà các diễn giả đưa ra là các sinh viên chưa thực sự chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn, rộng hơn là cho tương lai nghề nghiệp của chính họ. Chính điều cơ bản này dẫn tới việc không đáp ứng được những nhu cầu chính yếu nhất của nhà tuyển dụng.

Chính bởi vậy, theo ý kiến của các diễn giả, việc sinh viên chuẩn bị tốt cho sự nghiệp của họ là rất cần thiết và cần làm theo từng bước. Một trong những bước chuẩn bị không thể thiếu là tìm kiếm cơ hội học hỏi các kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc thông qua các chương trình thực tập.

Chỉ tính riêng các sinh viên khối Pháp ngữ, hiện đang có rất nhiều cơ hội thực tập cho các em, có thể kể đến học bổng thực tập của Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) hay của ĐSQ Pháp cho phép sinh viên được thực tập trong doanh nghiệp tại một nước nói tiếng Pháp.

Được biết mới đây một thoả thuận hợp tác giữa Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF), phòng thương mại công nghiệp Pháp tại Việt Nam và Campuchia, phòng thương mại châu Âu đã được ký kết nhằm đưa khối doanh nghiệp và ĐH xích lại gần nhau hơn, giúp đôi bên hiểu rõ nhu cầu của nhau hơn.

Những giải pháp cụ thể sẽ được thảo luận tại Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH Pháp ngữ tại Châu Á - Thái Bình Dương (CONFRASIE) vào tháng 4 tới tại Bangkok (Thái Lan) trong đó có thể kể đến việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, việc trường ĐH có thể chủ động kết nối với doanh nghiệp để hiểu hơn những nhu cầu của thị trường, cập nhật chương trình đào tạo sao cho thích ứng với nhu cầu thực tế của thị trường lao động nhằm cung cấp cho thị trường những nhân lực chất lượng cao...


Những cơ hội thực tập tại một nước nói tiếng Pháp cho SV khối Pháp ngữ khá rộng mở...

Những cơ hội thực tập tại một nước nói tiếng Pháp cho SV khối Pháp ngữ khá rộng mở...

Doanh nghiệp “khát” nhân lực nhưng SV tốt nghiệp vẫn không thể “chen chân”

Mặc dù nhiều doanh nghiệp khẳng định “khát” nhân lực song thực tế cho thấy năm 2016, Việt Nam có khoảng 225.000 sinh viên thất nghiệp. Nghịch lý này được chính các diễn giả đưa ra mổ xẻ để các bạn SV khối Pháp ngữ có mặt trong hội thảo có thể tự đưa ra giải pháp cho học tập và quá trình tìm việc sau này.

Thực tế đáng ngại nhất là việc các SV chưa thực sự học tốt ở trường. Chưa nói đến kỹ năng mềm khác, ngay cả những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản hay điển hình là kỹ năng tiếng với đa số các em sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Cùng với đó là những lỗi rất cố hữu trong quá trình tìm việc của SV ra trường khiến nhà tuyển dụng khó có thể hài lòng như: gửi hồ sơ xin việc đại trà, gửi cho tất cả mọi nơi, không buồn điều chỉnh cho phù hợp với vị trí đang ứng tuyển, không tìm hiểu kỹ về lĩnh vực mình muốn làm việc cùng như về cơ quan mình đang ứng tuyển. Và thiếu sót quan trọng nhất mà các chuyên gia chỉ ra ở các em là việc không hiểu mình thực sự muốn gì, đam mê của mình là gì.


...tuy nhiên các SV cũng cần chủ động rèn luyện kiến thức cũng như các kĩ năng mềm phù hợp với xu thế mới.

...tuy nhiên các SV cũng cần chủ động rèn luyện kiến thức cũng như các kĩ năng mềm phù hợp với xu thế mới.

Trước thực tại này, các diễn giả cũng đưa ra lời khuyên, ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn SV khi ra trường cũng cần lưu ý tới những kỹ năng mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở các ứng viên.

Đó là ngoại ngữ (biết nhiều ngoại ngữ là một lợi thế), công nghệ thông tin (nhất là khi thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin khiến các ngành nghề đều tự chuyển mình để thích nghi và tồn tại nên các kiến thức về tin học, công nghệ, các phương tiện kỹ thuật số là không thể thiếu) và xử lí thông tin (việc kỹ năng tìm kiếm, phân tích và xử lý thông tin cũng là một kỹ năng quan trọng trong thời buổi “bội thực” thông tin như hiện nay).

Và điều quan trọng nhất mà các diễn giả muốn gửi gắm là trước khi nghĩ đến lương bổng, các bạn sinh viên cần hiểu mình thực sự đam mê điều gì. Đó là chìa khóa thành công.

Vì khi đam mê lĩnh vực gì, mỗi bạn sẽ thực sự muốn tìm tòi và cố gắng làm tốt trong lĩnh vực ấy. Thành công và thu nhập hấp dẫn sẽ tự đến khi tìm được đam mê của mình, như một câu ngạn ngữ Pháp có nói “Muốn thành công, trước tiên bạn phải trung thực với chính bản thân mình”.

L.T.T