Đỗ điểm cao vào đại học mà không dám nhập học ngay
(Dân trí) - Thi đỗ vào ngành Văn hóa du lịch, ĐH Sư phạm Đà Nẵng với 24 điểm (dư 10 điểm so với điểm chuẩn), thế nhưng Phan Thị Thu Thảo - cô học trò quê ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) lại đang tính bảo lưu điểm để học sau vì gia cảnh quá khó khăn.
Đi làm công nhân kiếm tiền giúp đỡ gia đình
Chúng tôi gặp em Phan Thị Thu Thảo khi em đang cùng mẹ chăm sóc cha nằm viện tại bệnh viện đa khoa Đà Nẵng). Từ hơn 7 năm nay, cha em - bệnh nhân Phan Văn Anh (SN 1971, trú tại tổ 2, thôn Điện An, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) gần như ở hẳn trong bệnh viện Đà Nẵng để chạy thận mỗi tuần 3 lần.
Thảo kể: “Năm ngoái em thi đậu Cao đẳng, nhưng em không đi học mà xin một chân đi làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh, để vừa kiếm thêm tiền phụ ba má, vừa ôn thi đại học. Em đi làm công nhân được hơn 3 tháng, bữa nào tăng ca kiếm thêm tiền được thì em đều ráng tăng ca. Một tháng em làm tăng ca hết 15 ngày. Nếu không tăng ca thì lương thấp lắm.
Sau khi đọc bài viết này, nhiều độc giả ngỏ ý muốn xin số điện thoại của em Phan Thị Thu Thảo để chia sẻ, động viên em. Đáp ứng yêu cầu của độc giả, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của em Thu Thảo: số điện thoại của em Thảo: 01214 627 355 (hoặc số ĐT của chị Trần Thị Tuấn - mẹ Thảo: 01689 473 304). Địa chỉ: Tổ 2, thôn Điện An, xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. |
Chị Trần Thị Tuấn - mẹ Thảo, nghe con mình trò chuyện với chúng tôi mà nước mắt vắn dài, kể: “Từ khi chị gái Thảo đi lấy chồng, mọi việc trong ngoài ở nhà, những hôm hai vợ chồng ở viện, là bé Thảo vừa ôn thi vừa lo hết từ nấu nướng tới làm ruộng. Hôm nó biết tin thi được 24 điểm, nó ôm tôi nói Má ơi, con đậu đại học là má rớt rồi. Nghe con nói mà tôi đau lòng. Nhà người có con người ta thi đậu đại học, vinh dự như rứa, vui mừng biết bao nhiêu. Mà nhà tôi thì…”.
“Phải học đại học, có chữ mới có tương lai”
Cha Thảo phát bệnh từ năm 2006, mẹ em cũng bắt đầu những chuỗi ngày nuôi chồng nằm viện. Chị gái của Thảo năm đó đang học lớp 12 phải bỏ học giữa chừng để ở nhà thay cha mẹ lo cho các em.
Mẹ Thảo nói: “Hồi đó nghèo nhưng ráng làm lụng, xoay sở cũng đủ ăn. Nhưng từ ngày cha Thảo nằm viện, 7 năm nay cứ chạy ra chạy vô bệnh viện Đà Nẵng lo chạy thận. Nhà có chi đem bán được cũng bán hết trơn rồi. Có mấy con bò nuôi cũng phải bán cho người ta, rồi mượn bà con chòm xóm nợ cùng để lo toan. Người nghèo đâu có được đau cái bệnh ni răng trời lại bắt chồng tôi đau…”.
Trong nhà hiện giờ, ngoài chị gái Thảo đã đi lấy chồng, còn bố mẹ Thảo với 4 con đều đang tuổi ăn học, lại thêm ông nội già yếu. Cuộc sống của cả nhà 7 người chỉ trông vào mấy sào ruộng ở quê, mà như mẹ Thảo tính: “Một năm làm ruộng giỏi hung kiếm được mười mấy triệu đồng. Còn thì tranh thủ được khi mô là tôi xin đi làm thuê kiếm thêm. Mà cứ thiếu trước hụt sau”.
Nhà khó như vậy, chúng tôi hỏi Thảo: “Được biết là em đi làm một tháng thu nhập dành dụm gửi ba má lo thêm cho gia đình cũng đỡ được phần nào. Sao em lại bỏ làm để ôn thi đại học?” Cô học trò đầy nghị lực chia sẻ suy nghĩ: “Trước mắt đi làm có thể đỡ đần cho ba má được phần mô. Nhưng chỉ học chừng đó rồi đi bán sức lao động là chính thì em thấy bấp bênh, không có tương lai. Em nghĩ là phải học đại học, có chữ mới có tương lai. Học xong ra trường kiếm được côn việc ổn định hơn, vững vàng hơn để tự lo cho mình và lo cho gia đình. Nghĩ vậy mà em quyết tâm thi đậu đại học, bây giờ đậu rồi, em có thể bảo lưu kết quả, chừng nào dành dụm được em sẽ đi học. Em mong được đi học sớm chừng nào hay chừng đó để học xong ra trường sớm hơn, phụ lo cho gia đình với ba má được sớm hơn”.
Khánh Hiền