Đổ bạc triệu vào IELTS vẫn không "chắc cửa" đại học, phụ huynh chuyển hướng

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Điểm IELTS 7.0-7.5 vẫn có thể trượt đại học tốp đầu khi số lượng thí sinh dự tuyển bằng chứng chỉ này tăng phi mã trong 3 năm trở lại đây. Nhiều phụ huynh đã tính phương án khác.

7.5 IELTS vẫn trượt xét tuyển sớm: Không nên bỏ trứng vào một giỏ

Chị Phan Thị Thúy Hà (Thanh Trì, Hà Nội) vừa có một trải nghiệm đáng nhớ với việc vào đại học của con gái lớn. Con chị đã trượt cả hai nguyện vọng yêu thích chỉ vì dồn sức cho xét tuyển bằng IELTS.

Với học bạ 3 năm THPT đều xếp loại giỏi, IELTS 7.5, con gái chị Hà nộp hồ sơ vào Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Luật Hà Nội. Chị yên tâm với hồ sơ như thế thì con không thể trượt. Nhưng kết quả con đỗ duy nhất ngành luật - vốn là ngành mà con chỉ đăng ký dự phòng.

Vượt qua cú sốc, chị Hà nhận ra với cuộc đua IELTS hiện tại, 7.5 là mức điểm không an toàn nếu muốn vào các trường đại học tốp đầu. Tuy nhiên, mức điểm cao hơn nằm ngoài sức học của con chị.

Con gái thứ hai năm nay vào lớp 10, chị Hà thay đổi "chiến thuật". Không dồn tiền đầu tư cho IELTS nữa, chị cho con học song song tiếng Anh, tiếng Trung và ôn thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đổ bạc triệu vào IELTS vẫn không chắc cửa đại học, phụ huynh chuyển hướng - 1

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo lời chị Hà, con chị ban đầu áp lực với việc cùng lúc chinh phục các mục tiêu khác nhau. Nhưng hiện tại con thấy thoải mái vì lịch học được sắp xếp khoa học. 

Chị Hà chia mục tiêu của con ra 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung cho chứng chỉ tiếng Trung HSK 4 (lớp 10). Giai đoạn 2 ưu tiên cho tiếng Anh để đạt IELST 7.0 (lớp 11). Giai đoạn 3 dồn sức cho bài thi đánh giá năng lực (lớp 12).

"Phụ huynh chúng tôi dặn nhau rằng không nên bỏ trứng vào một giỏ. 3 năm tới, các con chưa biết sẽ thi đại học như thế nào. Vì thế hiện tại có thể chuẩn bị được gì thì cố gắng chuẩn bị cho đủ", chị Hà chia sẻ.

Phụ huynh tìm kiếm lựa chọn tốt chi phí thấp

Chị Hà Thị Thanh Giang (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho con học tiếng Trung gần hai năm nay. 6 tháng trước, con chị Loan đã thi được HSK 4, đang tiếp tục ôn luyện để đạt HSK 5. Hiện cháu học lớp 12.

Chị Giang cho biết, có hai lý do khiến chị cho con học tiếng Trung thay vì tiếng Anh: một là chị đang làm việc cho doanh nghiệp Trung Quốc, hai là chi phí rẻ. Tài chính là yếu tố hàng đầu mà chị Loan đặt ra khi quyết định con đường học tập của con cái.

"Chi phí cho học tập ngày càng đắt đỏ, đặc biệt ở đô thị lớn. Do đó, không thể cứ lao vào cuộc đua học hành, cuộc đua vào trường tốp ngành hot với mong muốn con có một tương lai tốt đẹp mà không xét đến hiện tại.

Đổ bạc triệu vào IELTS vẫn không chắc cửa đại học, phụ huynh chuyển hướng - 2

Tiết học tiếng Anh của học sinh tiểu học tại Mèo Vạc, Hà Giang (Ảnh: Trường Marie Curie).

Gia đình tôi luôn cố gắng tìm kiếm lựa chọn tốt với chi phí thấp. Có nhiều trường không phải số 1, ngành học không phải xu thế nhưng là những ngành nghề mà thị trường luôn cần, đồng thời thu nhập rất tốt nếu có chuyên môn.

Bên cạnh đó, nếu con có nhu cầu du học, du học Trung Quốc là một hướng đi không tồi với nhiều trường học lọt tốp của thế giới, chi phí rẻ hơn du học Mỹ, Úc, Anh và gần nhà, đi lại không đắt đỏ. Các con cũng rất ủng hộ quan điểm của mẹ và dành thời gian học tiếng Trung", chị Giang chia sẻ.

Con chị Giang dự định sẽ nộp hồ sơ xét tuyển sớm vào Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Thương Mại và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Cháu học 1 kèm 1 với gia sư, học phí là 250 ngàn đồng/buổi. 

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Loan (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết xu thế học thêm tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn bên cạnh tiếng Anh đang khá phổ biến. Ở cơ quan của chị Loan, các gia đình đều cho con học song song hai ngoại ngữ khi vào lớp 10 để mở rộng cơ hội xét tuyển đại học. 

"Một số nhà chỉ học tiếng Anh ở trường, còn ưu tiên cho tiếng Trung, tiếng Nhật. Chi phí thấp là lý do chính mà chúng tôi chọn. Có giá trị như tiếng Anh khi quy đổi điểm thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ và dự xét tuyển sớm ở nhiều trường đại học nhưng tổng số tiền đầu tư thì thấp hơn nhiều.

Với cách xét tuyển đại học mở, cha mẹ nào cũng cố gắng tìm một đường đi phù hợp với tài chính gia đình, không để con thua kém bạn bè", chị Loan bày tỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm