Trẻ mầm non, tiểu học bị đẩy vào "lò luyện" IELTS
(Dân trí) - Chứng chỉ tiếng Anh IELTS tại Việt Nam ngày càng "méo mó". Sự cần thiết của chứng chỉ tiếng Anh trong xét tuyển đầu cấp và xu hướng "cuồng" IELTS của người Việt là những vấn đề khơi lên tranh luận...
Tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS
24 học sinh vừa học hết lớp 5 được tuyển thẳng vào lớp 6, Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An) vì sở hữu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế quy đổi theo IELTS từ 5.5 trở lên.
Cùng trong danh sách tuyển thẳng có 11 em khác đạt điểm IELTS 5.0 cần thêm một số điều kiện về điểm học tập đi cùng.
Để giành 1 suất tuyển thẳng, có tới 115 thí sinh nộp hồ sơ và đa số có những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế mà nhiều sinh viên đại học lao vào ôn luyện để đảm bảo điều kiện cần khi tốt nghiệp cử nhân.
Đấy mới chỉ là ở một tỉnh Bắc Trung Bộ còn nhiều khó khăn. Còn tại các thành phố lớn, ngày càng nhiều cơ sở giáo dục sử dụng chứng chỉ tiếng Anh IELTS (hoặc tương đương) coi đây là "tấm vé thông hành" để xét tuyển đầu cấp tiểu học, THCS hay tính điểm 10 môn xét tuyển.
Sự "đặc quyền" của chứng chỉ tiếng Anh khiến không ít gia đình xây dựng chiến lược săn IELTS, đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho con ôn luyện từ nhỏ. Nhiều khóa luyện thi được các trung tâm tiếng Anh mở ra dành cho trẻ mẫu giáo, tiểu học.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện những bài phân tích thẳng thắn về vấn đề này và nhận nhiều bình luận trái chiều.
Nhiều chuyên gia, nhà giáo dục phân tích nêu thực trạng về cuộc đua IELTS đang ngày càng "méo mó" bởi nhiều người chưa hẳn đã hiểu hết về ý nghĩa chứng chỉ tiếng Anh này. Sâu xa hơn, các ý kiến đưa ra, muốn phát triển đất nước phải ưu tiên khoa học, kỹ thuật, công nghệ chứ không chỉ chạy theo chứng chỉ ngoại ngữ.
Quan điểm nêu thực tế, thậm chí một tiến sĩ đi học ở nước ngoài cũng chỉ cần đạt tới IELTS 6.5 cơ bản là đủ. Không hiểu sao ở Việt Nam đua nhau cho học sinh bậc phổ thông luyện tới 7.0-8.0 để làm gì?
Nhiều bài luận mẫu IELTS mà các em học thuộc lòng để đi thi, đến tiến sĩ học nước ngoài đọc mà còn thấy "choáng" vì cách hành văn dùng từ thuật ngữ quá cao siêu và đẳng cấp của sĩ tử Việt.
Trong khi đó, các em sẽ không thể và không bao giờ viết nổi một bài báo, một luận văn khoa học nào bằng tiếng Anh cả. Bởi vì đơn giản các em ấy chỉ được luyện thi như "gà" mà thôi.
Cách luyện thi buộc con trẻ phải nhồi nhét các dạng đề quen thuộc, mẹo làm bài... học thuộc lòng như một cái máy để đem đi thi.
2 năm trước, dân tình từng kịch liệt tranh cãi với phát ngôn của một học sinh trường chuyên nổi tiếng trong chương trình hùng biện cho rằng: "Ông chủ của bạn sẽ thích IELTS hơn điểm 10 toán, lý, hóa, sinh".
Nội dung thuyết trình của thí sinh này nhận về hàng loạt ý kiến trái chiều, trong đó hầu hết đều cho rằng đừng "thần thánh hóa" IELTS hay bất cứ chứng chỉ tiếng Anh nào.
Bởi ngôn ngữ là quan trọng và cần thiết, tuy nhiên không thể thay thế các môn học nền tảng, các kiến thức chuyên ngành.
Tiếng Anh cần nhưng… chưa đủ
Một trong những bài phân tích nhận gần 2 triệu lượt tương tác, tranh luận đến từ thầy giáo Đặng Minh Tuấn (giảng viên khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) - người được mời làm giám khảo của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế cho học sinh (Regeneron ISEF 2023).
Ông Tuấn nhận định, tiếng Anh là một ngoại ngữ, là công cụ để chuyển tải thông tin, giúp tiếp thu kiến thức tốt hơn. Nhưng nếu chỉ có tiếng Anh tốt mà kiến thức chuyên môn không vững cũng khó phát triển. Cùng một từ nhưng ngôn ngữ giao tiếp mang ý nghĩa khác còn trong học thuật lại khác.
Thực tế, không ít bậc cha mẹ đang chạy theo xu hướng "cuồng" tiếng Anh, coi là quan trọng nhất mà xem nhẹ việc dạy các môn học, kỹ năng khác. Ông Tuấn cho rằng quan điểm này hoàn toàn sai lầm.
Vị giám khảo cuộc thi về khoa học kỹ thuật danh giá và lâu đời nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông cho rằng quá trình phát triển của mỗi ngày chúng ta đều có chung tài sản 24 giờ, người thành công là người sử dụng quỹ thời gian ấy hiệu quả nhất.
Do vậy, với một đứa trẻ, nếu phụ huynh tập trung cho con ôn luyện tiếng Anh từ bé để thi đạt chứng chỉ IELTS (hoặc tương đương) với điểm số cao thì chắc chắn sẽ không còn nhiều thời gian cho các hoạt động phát triển thể chất, nghệ thuật, các môn học khoa học hay kỹ năng mềm khác…
Ông nhấn mạnh, cần nhận thức các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều là kiến thức nền tảng, chuyên môn là gốc rễ. Xây dựng nền tảng chắc mới có phát triển bền vững. Tiếng Anh là công cụ, phương tiện truyền tải, tiếp nhận kiến thức từ thế giới.
Đứng dưới góc độ xã hội, vị giảng viên Trường ĐH Giáo dục phân tích, học tiếng Anh tốt thật sự có ích, nhưng chỉ mang lại lợi ích cá nhân trước tiên. Những người giỏi tiếng Anh có thể làm nghề phiên dịch, dạy tiếng Anh và những việc tương tự.
Nhưng thực tế, mục đích của phụ huynh đang chạy theo IELTS phần nhiều vì lợi ích trong thi cử. Danh sách đơn vị sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ làm tiêu chí xét tuyển thẳng vào đại học và trung học ngày càng dài dẫn đến thực trạng chạy đua luyện thi IELTS như hiện nay. Không ít học sinh khi đã đạt chứng chỉ tiếng Anh sẽ có tư tưởng buông bỏ, học chỉ để đỗ tốt nghiệp.
Ông Tuấn cho rằng các trường có thể áp dụng tiêu chí ngoại ngữ làm điểm cộng, điểm ưu tiên nhưng nếu để tuyển thẳng mà bỏ qua các môn học khác thì nên cân nhắc lại. Nếu để số đông có nhận thức và hành động lệch lạc sẽ dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng cho đất nước.
Học sinh Việt có xuất sắc tiếng Anh đến mấy cũng chỉ bằng học sinh trung bình, khá của những nước sử dụng tiếng Anh bản địa. Vậy khi đó, nếu không có kiến thức chuyên môn, những học sinh này sẽ lấy gì để "thi đấu" với các bạn nước ngoài?
Tiếng Anh thật sự cần thiết và quan trọng, nhưng nó chỉ là một công cụ, không có quốc gia nào đặt việc học ngoại ngữ làm trọng tâm để phát triển khoa học cho đất nước.
"Để phát triển giáo dục và khoa học cho quốc gia, chúng ta cần bắt đầu từ các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh. Đây là nền tảng để xây dựng khoa học, đào tạo các kỹ sư, chuyên gia, nhà kinh tế cho đất nước và cho sự phát triển khoa học", ông Tuấn chia sẻ.
Thầy giáo này cho biết ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác ở châu Á đều có hệ thống thi cử căng thẳng các môn khoa học cơ bản để tuyển chọn nhân tài cho đất nước; nhưng tuyệt đối không bao giờ họ sử dụng tiếng Anh làm tiêu chí xét tuyển.
Ở Mỹ, học sinh thậm chí còn kém toán hơn học sinh Việt Nam nhiều. Chương trình toán của họ rất nhẹ nhàng, nhưng hàng năm, Mỹ lại "nhập" hàng ngàn nhân tài toán học từ trên thế giới để "đền bù" cho số học sinh kém toán đó. Đây là lý do tại sao nền khoa học Mỹ phát triển.
"Nếu cả quốc gia chỉ tập trung vào việc học tiếng Anh, trường học nào, phụ huynh nào cũng chạy theo tiếng Anh mà bỏ qua các lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác, điều đó có thể gây hại và nguy hiểm cho quốc gia" - ông Đặng Minh Tuấn đặt vấn đề.
Cái giá của cuộc đua IELTS
Vừa kết thúc nhiệm vụ giám khảo cho Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học trở về nước, ông Tuấn cho biết không phải học sinh nào dự thi cũng đều giỏi tiếng Anh.
"IELTS món "trang sức" xa xỉ giáo dục
Anh Bùi Minh Đức - học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại ĐH Clark, Mỹ; dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản chia sẻ trên báo Dân trí rằng khi một trường học thông báo rằng họ sẽ rộng cửa tuyển thẳng cho học sinh với chứng chỉ IELTS, ẩn sau đó là thông điệp chúng tôi ưu tiên học sinh từ các gia đình có thu nhập tốt, có điều kiện cho con học IELTS.
"IELTS như một món "trang sức" giáo dục với nhiều học sinh từ các gia đình có thu nhập tốt trong khi với phần nhiều gia đình Việt Nam, đó vẫn là một chứng chỉ xa xỉ.
Giám khảo quan tâm nhiều hơn đến ý tưởng và quá trình thực hiện, phát triển sản phẩm. Kiến thức chuyên môn quan trọng hơn rất nhiều so với ngôn ngữ. Ngôn ngữ giống như gia vị đi kèm với bát phở để nó trở nên ngon hơn, hấp dẫn hơn.
Quay trở lại câu chuyện tại Việt Nam, nhiều học sinh mầm non, tiểu học đã được phụ huynh đưa vào quy trình "ấp" tiếng Anh để cho ra lò hàng loạt chứng chỉ IELTS ngay từ bậc tiểu học.
Cái giá phải trả cho một "tấm giấy thông hành" này rất lớn. Ngoài thời gian, công sức, tuổi thơ của trẻ như đã đề cập ở phần trên, còn có tác hại về kinh tế, sự đánh giá của nền giáo dục.
Để có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có giá trị trong vòng 2 năm, hầu hết các gia đình phải bỏ ra số tiền rất lớn, hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để cho con đi học, ôn luyện và thi. Như vậy, chúng ta đang bỏ ra vô số tiền chỉ để chạy theo một thước đo "đi mượn" của tổ chức nước ngoài.
Trong tương lai, nếu có thêm một vài chứng chỉ khác thịnh hành hơn, không phải là IELTS, chẳng lẽ, cả xã hội lại tiếp tục phải chạy theo.
Cùng với đó, thầy giáo Đặng Minh Tuấn trăn trở khi hệ thống giáo dục, đánh giá chất lượng giáo dục đang phải chạy theo một số tổ chức ở nước ngoài. Lấy thước đo, công cụ đánh giá của nước ngoài để tuyển sinh cho mình. Đây là câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà quản lý trong việc phát triển nội lực.
Tuổi nào có thể học IELTS?
Anh Luyện Quang Kiên (31 tuổi) - người đầu tiên ở Việt Nam đạt điểm IELTS 9.0 ở cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết - cho rằng IELTS có những chủ đề khá học thuật, yêu cầu một lượng kiến thức xã hội nhất định để đạt điểm tốt trong cả 4 phần thi. Vì thế, học sinh dưới lớp 8 thường còn nhiều hạn chế.
"Cũng có các trường hợp ngoại lệ, nhưng theo tôi, nhìn chung, học sinh dưới lớp 8 không phù hợp để ôn thi IELTS", anh Kiên bày tỏ.
TS Trần Minh Hoàng - tác giả bộ sách về "Làm chủ tiếng Anh từ gốc" - nêu quan điểm, xét trong bối cảnh của hệ thống giáo dục Việt Nam, thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu học IELTS là từ lớp 7-8, sớm hơn có thể là khi các em đang học lớp 6.
Tuy nhiên, ông Hoàng nhấn mạnh đây là thời gian học chứ không phải luyện thần tốc, cấp tốc như nhiều phụ huynh lầm tưởng. Các em cần khoảng 3-4 năm để rèn luyện tư duy bằng tiếng Anh, khả năng nói và viết sẽ được phát triển toàn diện.
Huyên Nguyễn