Định hướng nghề nghiệp thời 4.0: “Đừng lấy kiến thức, hiểu biết của người lớn áp đặt cho con”
(Dân trí) - Trong khoảng 5 đến 10 năm tới những loại công việc nào sẽ biến mất, các công việc mới sẽ xuất hiện chủ yếu trong các lĩnh vực nào? Xu hướng thay đổi nghề nghiệp hiện tại là cơ hội hay thách thức? Nếu con em mình có suy nghĩ “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”, bố mẹ nên chia sẻ gì với con?
Các câu hỏi trên được các nhà giáo dục, các chuyên gia uy tín cùng hơn 200 phụ huynh và học sinh chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo Phát động cuộc thi định hướng nghề nghiệp Cool Contest 2018-2019 với chủ đề "Nghề nghiệp trong tương lai sẽ thay đổi như thế nào và chúng ta cần làm gì để chuẩn bị cho sự thay đổi đó?". Hội thảo do Trường Phổ thông song ngữ liên cấp WellSpring (Hà Nội) phối hợp với Đại học Fulbright Việt Nam, Đại học RMIT và Microsoft Việt Nam tổ chức ngày 13/10.
Công nghệ sẽ thay đổi công việc trong tương lai thế nào?
Bà Trần Yên Định, Giám đốc Khối Giáo dục, Microsoft Việt Nam khẳng định, chúng ta đang sống trong thế giới biến đối không ngừng và sự tác động của nền tảng công nghệ thông tin làm cho sự thay đổi thế giới nhanh hơn bao giờ hết.
Các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) mang đến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong lực lượng lao động ở tất cả mọi lĩnh vực. Chẳng hạn, trong ngành Y tế, việc phẫu thuật hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào các bác sĩ giỏi nhưng trong tương lai sẽ được thay thế bởi các robot mang tính chính xác, hiệu quả, nhanh chóng và thẩm mỹ hơn. Ô tô có người lái được thay thế bởi ô tô lái tự động.
Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị Kinh tế thế giới, với cuộc CMCN 4.0, 65% công việc trong tương lai dành cho thế hệ Z (sinh giai đoạn 1995-2012) vẫn chưa xuất hiện. Những công việc hôm nay chúng ta cần 50% kiến thức về mặt công nghệ thì trong tương lai sẽ tăng lên 77%.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, ông Ngô Quang Vịnh - Chuyên gia Giáo dục và Y tế Ngân hàng phát triển châu Á - ADB nhấn mạnh, trong lịch sử đã diễn ra, các cuộc CMCN lấy đi công việc cũ nhưng lại tạo ra công việc mới. Thống kê cho thấy, số lượng công việc mới tạo ra nhiều hơn số lượng công việc cũ bị thay thế.
“Rất khó nói trong 5 - 10 - 20 - 50 năm tới những công việc nào được sinh ra. Tôi chỉ có thể nói, các công việc mang tính chất chân tay, lặp đi lặp lại sẽ dần dần biến mất/ bị thay thế bởi blockchain, trí tuệ nhân tạo. Những công việc mang tính nặng về nhận thức, tương tác, giao tiếp, tư duy phản biện và sáng tạo sẽ luôn luôn được sinh ra mới, ông Vịnh nói.
Chuyên gia này dẫn số liệu trong 30 năm trở lại đây, 1 nửa số công việc mới ở Mỹ sinh ra là chưa từng có trước đó. Lĩnh vực nghề nghiệp thay đổi nhanh đến nỗi chúng ta chưa kịp nhận ra thì nó đã bước sang chu kì mới.
Chuẩn bị hành trang gì cho trẻ?
Bà Trần Yên Định cũng cho biết thêm, xu hướng thay đổi công việc ở Việt Nam sẽ hòa nhịp với thế giới. Do đó, Việt Nam phải chuẩn bị được lực lượng lao động sẵn sàng, bởi nếu không các ngành công nghệ mới sẽ không tiếp cận được nhân lực của chúng ta. Sự chuẩn bị đó phải bắt đầu từ khi các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Và kỹ năng giáo dục thế kỉ 21 đang hướng đến: tư duy logic, tư duy phản biện, sự sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và khả năng giao tiếp chắc chắn là những kỹ năng mà người lao động trong tương lai cần.
Từ góc độ nhà quản lý giáo dục, bà Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Điều hành, Tổng Hiệu trưởng Trường Phổ thông song ngữ liên cấp WellSpring cho rằng: “Nói về ngành nghề trong tương lai dường như không có gì chắc chắn, tất cả chỉ là phỏng đoán. Và trường học, đặc biệt là bậc phổ thông có vai trò quan trọng nhất trong việc tạo trải nghiệm mới, chuẩn bị cho tương lai và sự lựa chọn nghề nghiệp của các em sau này”.
“Bây giờ không phải là lúc chúng ta nói về học nội dung gì, thay đổi môn học thế nào mà quan trọng hơn là phương pháp học tập, mục tiêu và trải nghiệm của học sinh có được trong học tập thế nào để mang đến những kỹ năng mới. Bởi lẽ, thế giới nghề nghiệp tương lai chắc chắn sẽ không dừng lại ở kiến thức hôm nay học sinh được học, mà các em phải được trang bị kiến thức liên tục tự học hỏi, tự tìm hiểu, học lại. Kỹ năng đó mới là quan trọng nhất”, bà Lê Tuệ Minh nêu quan điểm.
Bà Bùi Việt Lâm - Giám đốc Truyền thông ĐH Fulbright Việt Nam kể câu chuyện đến thăm học sinh ở gần 30 trường THPT trên cả nước: “Khi tôi đặt câu hỏi rằng, các em hình dung vào năm 2030 (khi các em 30 tuổi), các em đứng ở đâu, làm gì? Chỉ còn nửa năm nữa sẽ bước vào đại học các em đã biết rõ mình thích gì, sở trường gì? Hầu hết các em không có câu trả lời rõ ràng”.
Bà Lâm cho rằng, nhiều nhà trường hiện nay chưa trang bị đầy đủ tri thức, kỹ năng để học sinh tự định hướng bản thân, lựa chọn học ngành nghề đúng thiên hướng, sở thích, đam mê của mình.
Vậy bố mẹ, nhà trường, các con cần chuẩn bị hành trang thế nào cho tương lai nghề nghiệp bất định đó?
“Việc định hướng nghề nghiệp tương lai phải do chính học sinh quyết định. Phụ huynh, nhà trường chỉ đóng vai trò hỗ trợ, đồng hành, khích lệ”, ông Đặng Quốc Cường - Chuyên gia tư vấn Ngành và việc làm ĐH RMIT nhấn mạnh.
Bố mẹ, nhà trường đừng áp đặt
Bà Phí Mai Chi - Điều hành Dự án phi lợi nhuận Giáo dục hướng nghiệp Ikigai cho rằng, khi bố mẹ làm hướng nghiệp cho con không nên quá lo lắng mà hãy trao trách nhiệm đó cho con tự quyết định.
Nếu con có suy nghĩ “Nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề” thì bố mẹ cũng đừng mắng con. Bởi lẽ, một đứa trẻ khi biết bản thân nó là ai, muốn gì thì nó sẽ tìm hiểu, quyết định theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp của mình. Trên con đường đó, nó được mở ra các cơ hội nghề nghiệp khác.
“Khi con có nền tảng, con sẽ tiếp tục tự mở ra các nghề mới, trưởng thành và cứng cáp. Nói nghề chọn người nhưng thực ra phải phù hợp với bản thân, chứ không phải con không được rèn giũa, không cố gắng mà tự nghề mới đến. Nghề đến - nghề sẽ lại đi nếu các con không rèn giũa, cố gắng hàng ngày với tinh thần muốn học hỏi, muốn làm việc nghiêm túc”, bà Mai Chi chia sẻ.
Bà Lê Tuệ Minh cho rằng, khái niệm “hướng nghiệp” được đông đảo phụ huynh, học sinh dùng nên hiểu là tìm hiểu về thế giới công việc, về lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau (chứ không phải là hướng đến chọn một nghề, một ngành cụ thể nào đó như cách nghĩ truyền thống của số đông bấy lâu).
Nên hướng nghiệp từ khi các em bắt đầu có sự quan tâm đến việc này, từ trung học cơ sở. Tất cả các quyết định không thể dựa trên sự áp đặt, kể cả đó là bố mẹ, thầy cô hay bất kỳ chuyên gia nào. Quan trọng nhất, các em chính là người quyết định, tìm hiểu đầy đủ thông tin để có quyết định chính xác nhất. Bởi lẽ, tất cả các lĩnh vực công nghiệp phụ huynh đã biết trước đây sắp tới sẽ hoàn toàn khác, công việc, kỹ năng mới, đừng để định kiến làm rào cản cho sự lựa chọn.
“Đừng lấy kiến thức, hiểu biết của mình áp đặt cho các con. Bởi thế giới tương lai rất khác với thế giới chúng ta đã và đang sống hiện nay”, bà Minh nhắn gửi.
Lệ Thu