Điều động cán bộ giáo dục ở Hưng Yên: Những câu chuyện lạ!
(Dân trí) - Gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng Hiệu trưởng vẫn bị điều động công tác; Người được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn lại từ chối xin ở lại cơ sở; Điều động giáo viên đồng thời bổ nhiệm làm quản lý…Những câu chuyện lạ trong điều động cán bộ ở Hưng Yên.
Trong khi các trường tiểu học, THCS ở thành phố Hưng Yên đang thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015 thì bất ngờ Ban Thường vụ Thành ủy lại ra thông báo điều động và bổ nhiệm cán bộ làm cho nhiều giáo viên, học sinh, thậm chí là phụ huynh hoang mang, lo lắng. Đáng nói ở chỗ, trước khi thềm năm học mới thì Thành ủy Hưng Yên cũng đã thực hiện việc điều động và bổ nhiệm cán bộ. Việc làm “khó hiểu của” Thành ủy Hưng Yên đã tạo nên hàng loạt câu chuyện dở khóc, dở cười.
Hàng loạt câu chuyện lạ!
Để tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện điều động và bổ nhiệm cán bộ làm công tác giáo dục ở thành phố Hưng Yên, phóng viên Dân trí đã về trực tiếp cơ sở để nắm bắt vấn đề.
Cô Đào Thị Minh Hằng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Châu cho hay: Tôi đã công tác tại trường hơn 20 năm và hết năm học này sẽ nhận quyết định nghỉ hưu. Nay nhận được thông báo điều chuyển về công tác tại trường tiểu học Minh Khai, bản thân tôi thấy có một số khó khăn. Chẳng hạn như, thời gian công tác tại trường mới còn quá ít chưa đủ thời gian để tiếp cận và tìm hiểu phong tục tập quán của địa phương cũng như tâm tư tình của các bộ, giáo viên nhà trường nên việc lãnh đạo, chỉ đạo công việc sẽ bị hạn chế và không hiệu quả. Bên cạnh đó, khi biết tôi nhận được giấy thông báo điều chuyển thì các bộ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh có tâm lý, tư tưởng không ổn định, gây dư luận xôn xao vì thời gian công tác còn lại của tôi còn quá ít.
“Tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền xem xét giúp đỡ kéo dài thời gian để tiếp tục được làm hiệu trưởng tại Trường tiểu học Quảng Châu. Đây không chỉ là nguyện vọng của tôi mà là của cán bộ giáo viên nhà trường, phụ huynh học sinh. Trước khi nghỉ hưu tôi muốn được yên tâm công tác với khoảng thời gian còn lại tại ngôi trường mà đã gắn bó hơn 20 năm” - cô Hằng bày tỏ nguyện vọng.
Vào tháng 7/2014, Ban thường vụ Thành ủy Hưng Yên đã điều động Phó Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Châu về công tác ở Trường THCS Lê Lợi. Sau đó đơn vị này lại điều động, đồng thời bổ nhiệm một giáo viên chưa từng làm công tác quản lý ở Trường THCS Trung Nghĩa về làm Phó Hiệu trưởng thay thế.
Tuy nhiên, ngày 29/10, Ban thường vụ Thành ủy tiếp tục điều động và bổ nhiệm Hiệu trưởng nhà trường lên làm công tác quản lý ở Phòng giáo dục đào tạo Thành phố. Khi tiếp nhận thông báo điều động này Hiệu trưởng lại bày tỏ nguyện vọng muốn được ở lại cơ sở.
Tâm tư với Dân trí, cô Quách Thúy Quỳnh - Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Châu chia sẻ: “Nhà trường chúng tôi đang rất ổn định và phát triển về mọi mặt, có nhiều thành tích được Đảng và Chính quyền các cấp ghi nhận, nhưng một lúc lại điều chuyển, thay thế toàn bộ nhân sự Ban giám hiệu tạo nên tâm lý, tư tưởng không ổn định cho cả đội ngũ giáo viên, Hội cha mẹ học sinh, học sinh của trường và bản thân tôi”.
Trước câu hỏi của chúng tôi: Nhiều người mong muốn được đề bạt lên làm quản lý ở Phòng GD-ĐT, vậy tại sao chị lại từ chối?
“Một phần tôi muốn ở lại để tiếp tục phát triển nhà trường, phần khác sức khỏe của tôi không đảm bảo để công tác ở Phòng GD-ĐT” - cô Quỳnh tâm tư.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thông báo năm 2012 quy hoạch cán bộ phòng giai đoạn 2010-2015, cô Quỳnh không có trong danh sách quy hoạch. Việc rà soát bổ sung danh sách quy hoạch của Thành ủy Hưng Yên trong năm 2014 có tên cô Quỳnh nhưng đương sự lại không nhận được thông báo.
Vào tháng 1/12/2014, cô Nguyễn Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Châu sẽ về nghỉ hưu theo chế độ. Nhà trường cũng đã có kế hoạch bỏ phiếu tín nhiệm sau đó ngày 19/10/2014 làm tờ trình Đề cử cô Lê Quỳnh Hoa - Hiệu phó nhà trường, người có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực chuyên môn lên làm Hiệu trưởng trường tiểu học Hồng Châu lên Ban Thường vụ Thành ủy TP Hưng Yên. Tuy nhiên, ngày 24/10, Thành ủy Hưng Yên lại có thông báo bổ nhiệm lại và điều động đồng chí Trần Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ giữ chức vụ Hiệu trưởng trường tiểu học Hồng Châu.
Điều đáng nói ở chỗ, cô Kim Dung chưa được điều động đi đã có thông báo thực hiện quy trình bổ nhiệm Hiệu trưởng mới được ấn định là cô N.T.T.M. - Hiệu phó Trường tiểu học Nguyễn Huệ mà không lấy ý kiến thăm dò, tín nhiệm hai Hiệu phó để làm cơ sở, nghiên cứu, bổ nhiệm.
Trên nguôn tin của người dân và đối chiếu hồ sơ còn cho thấy, trong đợt bổ nhiệm và điều động cán bộ trước thềm năm học mới còn có tình trạng Hiệu trưởng chưa làm hết một nhiệm kì đã luân chuyển sang trường khác, có Hiệu trưởng công tác quá hai nhiệm kì nhưng lại không bị điều động, luân chuyển…
“Quá hai nhiệm kì phải luân chuyển”
Đó là quan điểm của ông Hoàng Hưng, Trưởng ban tổ chức Thành ủy Thành phố Hưng Yên khi trao đổi với PV Dân trí chiều 10/11. Theo ông Hưng, việc bổ nhiệm và điều động cán bộ vào thời điểm giữa học kì thi I của năm học là căn cứ Điều lệ trường tiểu học và THCS của Bộ GD-ĐT.
Điều lệ quy định, mỗi trường có hiệu trưởng và một số phó hiệu trưởng. Nhiệm vụ của hiệu trưởng là 5 năm và thời gian đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng không quá 2 nhiệm kỳ ở một trường. Sau 5 năm hiệu trưởng có thể được đánh giá để bổ nhiệm hoặc công nhận lại. Việc bổ nhiệm và điều động cán bộ thường được thực hiện đầu năm hoặc cuối năm học. Tuy nhiên, thực tế ở thành phố Hưng Yên thì có một số đồng chí sẽ hết niên hạn nhiệm kì công tác của mình vào ngày 1/11/2014 nên bắt buộc phải thực hiện, không còn cách nào khác.
Trước câu hỏi của phóng viên, tại điều 16 Quyết định số 445 của Tỉnh ủy Hưng Yên về Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử có đề cập: Việc điều động và luân chuyển cán bộ phải căn cứ yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị, quy hoạch cán bộ nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo nên sự dồng bộ trong đội ngũ cán bộ; đồng thời đảm vảo sự ổn định và phát triển đội ngũ cán bộ. Với việc cán bộ chỉ còn 1 năm công tác sẽ nghỉ hưu thì việc luân chuyển này có hợp lý?
Giải đáp câu hỏi trên, ông Hưng cho biết: Một số đồng chí chỉ còn thời gian công tác ngắn thì cũng đã được cân nhắc bổ nhiệm và tiếp tục công tác tại trường cho đến lúc nghỉ hưu. Trường hợp đồng chí Đào Thị Minh Hằng, hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Châu hơi đặc biệt một chút. Đồng chí Hằng giữ chức hiệu trưởng từ 15/3/2004 sau được bổ nhiệm chức vụ này từ 1/11/2009. Đồng chí Hằng sinh 7/10/1960, đến 1/11/2015 sẽ được nghỉ hưu theo quy định.
Như vậy thời điểm đồng chí Hằng được bổ nhiệm lại để đến lúc nghỉ hưu tròn 1 năm. Chúng tôi có hơi băn khoăn, thời gian công tác còn không nhiều. Chúng tôi có tham mưu với ban thường vụ và thường trực thành ủy nên kéo dài cho đồng chí Hằng công tác tại trường này. Nhưng thường trực và ban thường vụ thành ủy yêu cầu riêng trường hợp đồng chí Hằng ở trường đã quá 10 năm theo quy định không thể cho kéo dài được, phải điều động đi nơi khác, tại trường có hiệu trưởng công tác quá 10 năm.
“Riêng trường hợp đồng chí Hằng chúng tôi rất băn khoăn. Thường trực cũng đã cho ý kiến nhưng nếu dừng lại không điều động thì trường hợp khác sẽ tỳ vào và sẽ không đi” – Trưởng ban tổ chức Thành ủy Hưng Yên chia sẻ.
Liên quan đến việc cán bộ có nguyện vọng được ở lại cơ sở để phát triển chứ không muốn lên làm quản lý ở Phòng GD-ĐT ông Hưng giải thích: Theo yêu cầu của Phòng GD-ĐT rất cần đồng chí có trình độ đại học chính quy, trên 10 năm công tác bởi vì hiện trên phòng không có đồng chí Phó phòng nào học đại học chính quy. Qua rà soát thì đồng chí Quỳnh đáp ứng được nguyện vọng của Phòng GD-ĐT. Quy hoạch này do Phòng GD-ĐT đề xuất. Sau khi Ban thường vụ Thành ủy bỏ phiếu kín, công bố tại chỗ. Tiếp đó thành ủy có ra thông báo xác nhận quy hoạch. Văn phòng thành ủy có trách nhiệm gửi đến tận cơ sở để họ nắm được. Tuy nhiên khi đồng chí Quỳnh được mời lên thì lại đề xuất nguyện vọng muốn ở lại trường với lý do sức khỏe không đảm bảo.
“Tôi cũng băn khoăn về trường hợp của cô Quỳnh. Không yêu nghề, không tâm huyết với công tác phòng thì không nên bố trí lên. Nhưng các đồng chí thường trực nói cô Quỳnh có năng lực, am hiểu nghề, được nhiều người yêu mến kính trọng, lãnh đạo phòng cũng đề xuất” - ông Hưng nói.
Ông Hưng cũng thừa nhận, với việc Trường THCS Quảng Châu liền lúc hai đồng chí ở Ban giám hiệu di chuyển sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng. Để khắc phục việc này thì thường trực thường vụ đã đưa ra giải pháp tình thế đó là phải phải chọn người có năng lực cứng thay thế mới đáp ứng yêu cầu.
Trước luồng thông tin cho rằng, sau khi ra thông báo bổ nhiệm và điều động cán bộ thì Thành ủy mới làm công tác trao đổi, nói rõ mục đích…ông Hưng khẳng định: Cái này hơi thiếu chính xác. Các nhận sự được tham mưu và điều động đi các nơi bao giờ ban thường vụ cũng giao nhiệm vụ cho ban tổ chức và sau đó có mời các đồng chí lên trên thành ủy.
Thực chất đồng chí Bí thư, Phó bí thư cũng gặp riêng và đả thông tư tưởng. Nhưng một số đồng chí cũng rất băn khoăn, muốn ở lại hoặc muốn chọn sang trường trọng điểm.
Giải thích việc phải luân chuyển cán bộ từ nơi khác về những vị trí bị sẽ bị khuyết do cán bộ nghỉ hưu mà không tạo nguồn ở ngay trực tiếp ở cơ sở ông Hưng thông tin: Về việc tạo nguồn ở ngay cơ sở chúng tôi cũng đã có văn bản hướng dẫn nhưng ban giám hiệu và các nhân sự không đề nghị lên trên nên cũng khó để quy hoạch.
Đối với Trường tiểu học Nguyễn Huệ, đồng chí Trần Thị Kim Dung có chủ động tờ trình cho phép điều động bà đi đơn vị khác, đồng thời đề xuất cho bổ nhiệm Hiệu trưởng bằng nguồn tại chỗ. Với Trường tiểu học Hồng Châu thì nhà trường lại không chủ động làm động tác đó, khi Thành ủy có thông báo điều động thì nhà trường mới có đề nghị.
Về việc có người chưa hết nhiệm kì thì bị điều động còn người công tác quá hai nhiệm kì thì vẫn được ở lại, ông Hưng giải thích: Đồng chí Dương Văn Khởi trên 10 năm ở Trường THCS Hoàng Hanh và đồng chí Hà Huy Thiện - Hiệu trưởng THCS Tân Hưng trước thuộc huyện Tiên Lữ sau mở rộng địa giới, các trường được chuyển về thành phố. Chúng tôi tham mưu hai đồng chí nên luân chuyển cho nhau ở địa bàn gần khu dân cư. Không nên điều chuyển anh Khởi sang trường khác cách đó cả 10km, như vậy không thuận lợi. Hai đồng chí cũng chỉ còn công tác được một nhiệm kỳ nữa là nghỉ hưu…
Cũng theo ông Hưng, việc rà soát này sẽ tiếp tục được thực hiện. Đối với những cán bộ đã làm công tác quản lý ở một cơ sở quá hai nhiệm kì mà còn tuổi công tác thì sẽ phải điều động sang cơ sở khác để tuân thủ theo đúng quy định.
Nguyễn Hùng