Điều chỉnh lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020

(Dân trí) - Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa đưa ra thông báo điều chỉnh lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) năm 2020.

Trước đó, ngày 14/2/2020, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã thông báo lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2002. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thường trực Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định điều chỉnh lịch xét như sau:

Ngày 30/6 là hạn cuối cùng ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2020 tại cơ sở giáo dục đại học không thành lập Hội đồng GS cơ sở cần nộp hồ sơ và đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS,PGS tại cơ sở khác có ngành ứng viên đăng ký và ứng viên gửi bản đăng ký xét tiểu chuẩn chức danh lên trang Thông tin điện tử của Hội đồng GSNN.

Từ ngày 5/7 - 5/8, các Hội đồng GS cơ sở xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2020.

Ngày 20/8, hạn cuối cùng các Hội đồng GS cơ sở nộp cho Văn phòng HDDGSNN báo cáo kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2020 theo quy định.

Ngày 7/9, hạn cuối cùng Văn phòng Hội đồng GSNN bàn giao hồ sơ cho Hội đồng ngành, liên ngành.

Từ 15/9 - 30/9, Các Hội đồng GS ngành, liên ngành xét công nhận chức danh GS,PGS 2020.

Ngày 20/10 - 25/10, Hội đồng GSNN họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2020.

Điều chỉnh lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2020 - 1

Các thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS); thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS thì tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư là giảng viên đã có trên 10 (mười) năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ mà trong 03 (ba) năm cuối có thời gian không quá 12 (mười hai) tháng đi thực tập, tu nghiệp nâng cao trình độ thì thời gian này không tính là gián đoạn của 03 (ba) năm cuối;

Hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 1/2 (một phần hai) số giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp. Đối với giảng viên thỉnh giảng phải thực hiện ít nhất 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy theo quy định.

Sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định.

Đặc biệt, hồ sơ điện tử của ứng viên phải công khai trên Trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học (nơi nhận hồ sơ của ứng viên) và Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở tổ chức tổng hợp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và báo cáo kết quả xét lên người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học. Sau khi công khai ít nhất 15 (mười lăm) ngày, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học báo cáo kết quả xét lên Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Giáo sư nhà nước; bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký và các Phó Chủ tịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiệm kỳ của Hội đồng Giáo sư nhà nước là 05 năm. Hội đồng Giáo sư nhà nước tổ chức hướng dẫn hoạt động của các Hội đồng Giáo sư cơ sở và các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.

Tổ chức thu nhận báo cáo của các cơ sở giáo dục đại học, phân loại hồ sơ của ứng viên do các cơ sở giáo dục đại học đề nghị theo ngành, chuyên ngành khoa học, công khai hồ sơ của ứng viên trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước và chuyển đến các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.

Xem xét và thông qua danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư do các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề xuất.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm