Điểm thi không phải là giá trị của con!
(Dân trí) - Vui khi con thi đỗ, rầu khi con trượt, đó là tình trạng cảm xúc chung của đa số các bậc cha mẹ khi biết điểm thi của con. Vô hình trung, bố mẹ đang gắn giá trị của con với điểm số. Và đó cũng chính là ngọn nguồn của áp lực với con trẻ.
Mỗi lần đi thi là mỗi lần con lo sợ, vì nếu con không đạt kết quả cao như mong đợi của bố mẹ thì nặng là bị mắng chửi, nhẹ là bị chì chiết. Thành ra, khi đạt kết quả cao, trẻ cũng chỉ thở phào là sẽ “thoát nạn” ca thán của bố mẹ, cái thở phào ấy lấn át cả niềm vui mà lẽ ra trẻ được hưởng khi mình thi cử đỗ đạt.
Mới đây trên Facebook, tôi thấy có những ông bố bà mẹ chia sẻ cảm giác vui lâng lâng và tự hào khi con thi đỗ vào lớp 6 trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM). Được biết, kỳ khảo sát năng lực vào lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa năm nay có sự “đua tranh” của gần 3.900 học sinh giỏi để giành 525 chỉ tiêu. Nếu xét tình trạng bố mẹ “vui khi con thi đỗ, rầu khi con thi trượt” thì sẽ có 525 gia đình mừng vui trong khi hơn 3.300 gia đình buồn rầu.
Xét rộng ra, với kỳ thi THPT quốc gia thì sẽ có hàng trăm ngàn gia đình não lòng vì con không đủ điểm xét tuyển nguyện vọng đại học hay sao?
Từ khi con bắt đầu cắp cặp đi học là bố mẹ đã mong muốn con đạt điểm cao trong các kỳ thi. Hết cuộc thi này đến cuộc thi khác trong 12 năm học phổ thông và (ít nhất) thêm 4 năm đại học nữa, cảm xúc của bố mẹ với con cứ trồi sụt theo điểm các kỳ thi.
Làm như vậy chính là bố mẹ đang gắn giá trị của con với điểm số. Bố mẹ nói rằng “tự hào” khi con đạt điểm cao, thế chẳng hóa ra bố mẹ sẽ “mất mặt” khi con đạt điểm thấp ư?
Gắn giá trị của con với điểm số là một niềm tin tiêu cực mà chúng ta tiếp nhận một cách vô thức từ thế hệ này sang thế hệ khác và không dừng lại tự hỏi mình xem điều đó có hợp lý không.
Nữ giáo viên, tác giả, diễn giả truyền động lực người Mỹ Louise L. Hay (sinh năm 1926) khẳng định rằng, điểm số và những bài kiểm tra chỉ đánh giá được kiến thức của chúng ta trong một thời điểm nhất định nào đó. Giá trị của chúng ta không phải do điểm số và những bài kiểm tra quyết định.
Trên thực tế, điểm thi của con phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà học lực chỉ là một trong số đó. Mà xét riêng học lực thì cũng là do tố chất từng người.
Bố mẹ mong con điểm cao nhiều khi là do quá kỳ vọng về con, đặt ra mong đợi cao hơn so với thực lực của con. Đến khi con không đạt kết quả như bố mẹ mong muốn thì con sẽ cho rằng mình đã thất bại. Theo chuyên gia tâm lý người Mỹ, Tiến sỹ Gary Chapman, những kiểu “thất bại” này của con trẻ xảy ra khi các bậc cha mẹ đề ra những mục tiêu không thực tế. Những mục tiêu về năng lực nếu không đạt được sẽ dễ tạo ra sự nản lòng.
Sự kỳ vọng quá mức của bố mẹ khiến điểm thi trở thành nỗi ám ảnh với con trẻ. (Ảnh minh họa)
Thay vì “đau tim” chờ điểm thi của con, bố mẹ có thể suy nghĩ theo một hướng khác để giúp giải tỏa áp lực cho cả bố mẹ và con: Khi con hoàn thành bài thi là đã xong việc, và điểm số chỉ là kết quả của riêng bài thi đó, không phải là thước đo giá trị của con. Giả sử khi biết điểm thi của con thấp hơn so với mong đợi, bố mẹ có trách móc con cũng không giúp giải quyết được gì. Điều có thể làm sau khi đã biết điểm thi không phải là ngồi đó ca thán con đã không nỗ lực, mà bố mẹ cần thảo luận với con về lựa chọn tiếp theo cho phù hợp với điểm thi đó.
Con đi thi không đạt điểm như mong đợi, thì người buồn nhất chính là con, dù bố mẹ có không nói ra những lời than thở, trách móc. Còn nếu bố mẹ càng nhiếc móc thì con càng thấy thêm áy náy và bị áp lực về một “sự đã rồi”.
Nguyên Chi
(Email: minhthuong@dantri.com.vn)