Điểm thấp, thí sinh cân nhắc chọn nguyện vọng
Ngày 20/7, 120 cụm thi cả nước đã hoàn tất công bố điểm thi, nhìn chung mức điểm trung bình các môn dao động từ 4 đến 6, điểm tuyệt đối hiếm hoi.
Đề cập dự báo ngưỡng điểm xét tuyển năm nay như thế nào, đại diện nhiều trường đưa ra nhận xét khá thận trọng do chưa có dữ liệu toàn diện để phân tích tổ hợp xét tuyển vào các ngành. Ngược lại, một số trường xác nhận sẽ chọn ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định để xét đầu vào.
Chọn ngưỡng điểm chất lượng xét tuyển
TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, đánh giá: Nhìn chung phổ điểm năm nay không cao hơn năm ngoái. Hiện trường đã có phương án tuyển sinh gần 7.000 chỉ tiêu hệ ĐH hệ chính quy, tuy nhiên để có cứ liệu chính xác trường cần phân tích thêm số liệu từ phổ điểm tổ hợp xét tuyển các môn. Thay vì năm trước, trường chọn giải pháp an toàn bằng cách chọn mức điểm xét tuyển ngang điểm sàn, tuy nhiên sau đó điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn 2-3 điểm (từ 19 đến 20 điểm tùy ngành).
Mùa tuyển sinh năm nay, để đảm bảo an toàn, trường sẽ nhận hồ sơ xét tuyển bằng ngưỡng điểm chất lượng đầu vào Bộ GD&ĐT quy định, lấy từ cao đến thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Trường hợp nhiều thí sinh có mức điểm ngang nhau sẽ xét tiêu chí phụ. Trong đó, xét tuyển đợt 1, trường dành 80% chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 1 và 20% chỉ tiêu dành cho nguyện vọng 2. Trường hợp thí sinh rớt nguyện vọng 1 thì trường sẽ đưa vào xét tuyển cùng lúc với thí sinh đăng ký nguyện vọng 2.
Cần tham chiếu thêm dữ liệu
TS Trần Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng với mức điểm của 70 cụm thi ĐH cả nước vừa công bố, về cảm tính mức điểm năm nay không cao bằng năm ngoái khiến các trường băn khoăn đến chất lượng xét tuyển đầu vào. Tuy nhiên, vẫn chưa có số liệu thống kê, phân tích chung của cả nước nên chưa thể đánh giá toàn diện.
Theo TS Quang, mùa tuyển sinh năm nay ngoài tham chiếu điểm sàn năm trước, còn phụ thuộc vào số thí sinh nộp vào nhiều hay ít, điểm cao hay thấp để thí sinh tính toán phổ điểm xét tuyển có lợi nhất. Trong khi hai yếu tố, số thí sinh nộp vào các ngành/tổng chỉ tiêu nhiều hay ít và điểm ba môn xét tuyển cao hay thấp đến giờ cuối Bộ GD&ĐT (thí sinh có 12 ngày để nộp hồ sơ) mới mở dữ liệu chạy chương trình xét tuyển.
TS Quang phân tích năm trước các ngành “hot” vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên khá cao từ 23 đến 24 điểm. Ngược lại những ngành khoa học cơ bản, thí sinh ít lựa chọn nhưng điểm dao động từ 16 đến 17. Nói chung, thí sinh có điểm trung bình khá trở lên có thể tham khảo thêm thông tin nộp vào một số ngành của trường.
Ông Quang lưu ý: “Khi nộp vào ngành nào, trường nào thí sinh cần tham khảo điểm sàn năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh bao nhiêu, xét thấy điểm của mình cao hơn chút ít để đảm bảo sự an toàn. Ngoài ra, thí sinh cần tính toán chọn ngành dự phòng ở nguyện vọng 2 để có cơ hội trúng tuyển trong năm đầu tiên, dù ngành dự phòng không ưu tiên bằng nguyện vọng 1”.
Điều chỉnh mốc thời gian trong lịch tuyển sinh
Xét tuyển đợt 1: Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 14-8, thay vì ngày 12-8. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 19-8 (theo dấu bưu điện bằng thư chuyển phát nhanh).
Xét tuyển bổ sung đợt 1: Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 4-9. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 9-9-2016 (theo dấu bưu điện chuyển phát nhanh).
Xét tuyển bổ sung đợt 2: Trường công bố kết quả trúng tuyển trước ngày 23-9, thay vì ngày 31-8. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 28-9-2016 (theo dấu bưu điện thư chuyển phát nhanh).
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học tại trường đã trúng tuyển.
____________________________________
Theo ông Nghĩa, năm nay sẽ có nhiều trường triệu tập thí sinh đến nhập học ngay sau khi có kết quả để nắm chắc có bao nhiêu thí sinh nhập học. Do vậy thí sinh cần theo dõi thông tin mình có trúng tuyển hay không ở trên mạng để kịp nhập học. Đừng chờ đợi phải nhận được giấy báo trúng tuyển qua bưu điện. Cùng đó thí sinh có thể đến trường nhận giấy báo rồi nộp lại cho trường ngay trong thời gian nhập học.
TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM
Theo Phong Điền
Pháp luật TPHCM