Điểm môn toán tăng từ khi thi trắc nghiệm

Toán được xem là môn "sát thủ" trong kỳ thi THPT quốc gia khi còn hình thức tự luận nhưng khi chuyển sang thi trắc nghiệm, điểm môn này đã "dễ thở" hơn nhiều.

Có lẽ do chỉ mới triển khai đại trà thi trắc nghiệm gần như tất cả các môn thi (trừ môn văn) của kỳ thi THPT quốc gia trong 3 năm qua nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra đánh giá toàn diện về hình thức thi này. Về mặt kỹ thuật qua các dữ liệu điểm thi trong 3 năm, có thể thấy hình thức thi trắc nghiệm nói chung, trong đó có môn toán, đã có những tác động rõ rệt.

Điểm liệt, điểm 0 giảm mạnh

Ở những năm thi THPT quốc gia đầu tiên - khi môn toán còn thi dưới hình thức tự luận, đây chính là môn "sát thủ" đối với thí sinh. Năm 2015, trong tổng số 37.000 bài thi bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống), môn toán có đến 20.667 bài, chiếm 56%. Năm 2016, trong 19.000 bài thi bị điểm liệt thì môn toán có 14.000 bài, chiếm 74%.

Khi đã "trắc nghiệm hóa" gần như toàn bộ các môn thi, số bài thi bị điểm liệt năm 2017 đã giảm mạnh. Theo số liệu điểm thi do Bộ GD-ĐT công bố sau kỳ thi 2017, với 9 môn thi của 5 bài thi, tổng số bài thi bị điểm liệt chỉ còn 6.817, trong đó môn toán chỉ chiếm 23%. Như vậy, dù số môn thi có tăng thêm 1 môn (giáo dục công dân) nhưng số lượng bài thi bị điểm liệt giảm mạnh so với những năm trước đó. Năm 2019, tổng số bài thi bị điểm liệt tiếp tục giảm, chỉ còn 3.100 bài. Ngoại trừ môn văn (môn thi tự luận còn lại duy nhất) có số bài thi bị điểm liệt tăng lên, tất cả các môn thi còn lại đều có số bài thi bị điểm liệt giảm so với năm 2018, trong đó môn toán còn 345 bài (chỉ chiếm 11%), thậm chí còn đứng sau môn ngoại ngữ và lịch sử về số bài thi bị điểm liệt.

Điểm môn toán tăng từ khi thi trắc nghiệm - 1

Thí sinh bước vào môn thi toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 bằng hình thức trắc nghiệm. (Ảnh: Hoàng Triều)

 

Năm 2015, điểm trung bình môn toán chỉ đạt 4,45 (số thí sinh có điểm thi dưới 5 điểm là 39%); năm 2016 tăng lên 5,02. Khi chuyển sang thi trắc nghiệm năm 2017, điểm trung bình môn toán tăng lên 5,19. Đến năm 2018, do đề thi các môn khó nên điểm trung bình môn toán của thí sinh giảm còn 4,86. Năm 2019, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nơi ra đề cho kỳ thi THPT quốc gia, đã điều chỉnh mức độ khó nên điểm trung bình môn toán được nâng lên 5,64.

Tuy nhiên, số lượng thí sinh có điểm thi dưới 5 điểm diễn biến khác. Nếu như năm 2015 (thi tự luận), số thí sinh có điểm thi môn toán dưới 5 chỉ chiếm 39% thì con số này vào năm 2016 (vẫn thi tự luận) vọt lên 63% thì đến năm 2017 (thi trắc nghiệm) là 49% thí sinh, năm 2018 (thi trắc nghiệm) là 49,5% và năm 2019 (vẫn thi trắc nghiệm) giảm còn 34%.

Ngược lại, số thí sinh đạt điểm 10 các môn thi ở các năm cũng dao động rất nhiều, cho thấy đề thi còn rất "phập phù". Rõ ràng mức độ đồng đều, độ khó của đề thi là một vấn đề chưa được giải quyết suốt nhiều năm qua.

Có phải do "ăn may?"

Một số ý kiến cho rằng thi trắc nghiệm môn toán tạo điều kiện cho gian lận tiêu cực trong thi cử như vụ việc năm 2018 nhưng thật sự, dù hình thức thi là tự luận hay trắc nghiệm đều có thể xảy ra những tiêu cực, sai sót nếu không tuân thủ đúng các quy chế, quy định thi cử. Còn nhớ năm 2016, một thí sinh ở tỉnh Nghệ An đạt điểm 10 môn lý (thi trắc nghiệm) nhưng lại bị 0 điểm môn toán (thi tự luận). Đến nay, trường hợp này không thể truy cứu nguyên nhân vì mọi việc từ coi thi, chấm thi đều đúng quy trình. Với điểm 3 môn khối A vênh nhau đến mức kỳ lạ, mọi việc cũng chìm xuồng theo lời khai của thí sinh thừa nhận đã ngủ gục, không làm bài thi môn toán; còn môn lý thì "khoanh bừa và ăn may".

Những quy định về làm tròn điểm cho các môn trắc nghiệm (nhất là môn trắc nghiệm có 50 câu) khi xét tốt nghiệp và khi xét tuyển ĐH, CĐ may mắn đã được Bộ GD-ĐT kịp thời điều chỉnh nên đã hợp lý hơn từ năm 2017 đến nay.

Môn toán được thừa nhận là môn bắt buộc cho tất cả thí sinh từ năm 2015. Trước đó, khi thi tuyển sinh ĐH, CĐ 3 chung, thí sinh khối C (ước khoảng 70.000 thí sinh hằng năm) không thi môn toán. Thí sinh thi theo bài thi nhưng các trường ĐH, CĐ xét tuyển theo tổ hợp các môn thi. Có đến xấp xỉ 90% thí sinh đã đăng ký xét tuyển theo 5 tổ hợp môn thi truyền thống: khối A (toán, lý, hóa), khối A1 (toán, lý, ngoại ngữ), khối B (toán, sinh, hóa), khối C (văn, sử, địa) và khối D (toán, văn, ngoại ngữ), có nghĩa là hầu hết thí sinh có dùng điểm môn toán để xét tuyển vào các trường ĐH.

Trong số hơn 200 trường ĐH chỉ có khoảng 10 trường tự tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển một phần chỉ tiêu của trường, thường được gọi dưới tên là kỳ thi đánh giá năng lực. Và trong đề thi đánh giá năng lực của các trường, những kiến thức toán lồng ghép trong đề thi đều dưới hình thức trắc nghiệm.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về hình thức thi tự luận hay thi trắc nghiệm nhưng thực sự thi trắc nghiệm đã là một xu thế. Vấn đề còn lại là đề thi, trong đó có môn toán hoặc kiến thức môn toán, phải đánh giá được khả năng tư duy, suy luận logic của thí sinh chứ không phải do ăn may. 

Tùy ngành, kiểm tra kiến thức toán

Thi đại trà cho các kỳ thi quy mô lớn như kỳ thi THPT quốc gia có thể thi trắc nghiệm nhưng thi tuyển vào ngành toán (vật lý và các ngành đòi hỏi có kiến thức toán) nên có kiểm tra thêm môn toán, điều này phải do chính các trường ĐH tổ chức để tuyển đúng thí sinh có năng lực theo yêu cầu cao của ngành học nhưng rất tiếc hiện nay, không phải là trường nào cũng làm được.

TS Nguyễn Đức Nghĩa

Theo Người Lao Động