Điểm mới trong kế hoạch tuyển sinh của các trường đại học lớn phía Bắc
(Dân trí) - Tới thời điểm này, một số trường đại học lớn tại khu vực phía Bắc đã có dự kiến kế hoạch tuyển sinh năm 2023, trong đó có những thay đổi so với năm trước.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Trường ĐH Thương mại cho biết năm 2023, nhà trường dự kiến vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển như năm trước, tuy nhiên sẽ bổ sung thêm một phương thức xét tuyển mới là sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Thương mại cũng dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT (có thể giảm khoảng 10%) và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển kết hợp. "Hiện nay chúng tôi vẫn đang tính toán các phương án. Kế hoạch cụ thể hơn có thể được cập nhật trong khoảng tháng 2 năm 2023", vị đại diện cho hay.
Học viện Ngân hàng cũng đã có một số phương hướng dự kiến cho mùa tuyển sinh năm 2023. Theo đại diện nhà trường, dự kiến năm 2023, Học viện nhìn chung sẽ giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2022 để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, nếu có điều chỉnh cũng không đáng kể. Về các chương trình đào tạo, học viện dự kiến tuyển sinh 4 chương trình mới.
"Hiện chúng tôi chưa ban hành thông tin cụ thể về các chương trình đào tạo mới sẽ tuyển sinh năm 2023. Dự kiến thời gian tới đây sẽ có thông tin chính thức", đại diện Học viện Ngân hàng nói.
Trước đó, nhiều trường đại học lớn tại miền Bắc cũng đã công bố một số điểm mới trong kế hoạch tuyển sinh năm 2023, trong đó có thông tin về những điều chỉnh trong các kỳ thi riêng.
Ngày 15/12, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố phương án tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh vào đại học năm 2023. Kỳ thi sẽ có 8 môn, thời gian thi một hoặc hai đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5, sau khi học sinh đã học xong Chương trình giáo dục phổ thông và trước khi học sinh thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thi trực tiếp, làm bài trên giấy tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi ở các cơ sở giáo dục đại học ở miền Trung, miền Nam. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, thời gian thi mỗi môn từ 60 đến 90 phút.
Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tuyển khoảng 20-30% chỉ tiêu từng ngành, năm 2023, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sử dụng 4 phương thức khác gồm xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.
Sáng 20/12, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố đề án tuyển sinh 2023, theo đó cơ bản giữ ổn định phương án tuyển sinh đại học chính quy như năm trước (tuyển sinh 60 mã ngành/chương trình với 6.200 chỉ tiêu đại học chính quy, sử dụng 4 phương thức xét tuyển).
Tuy nhiên, nhà trường đã có sự điều chỉnh về chỉ tiêu của từng phương thức xét tuyển so với năm trước (xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 35% xuống còn 25%, xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội tăng từ 2% lên 3%, tổng hai phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp tăng từ 63% lên 72%).
Ngày 23/12, ĐH Bách khoa Hà Nội có thông tin về những điều chỉnh trong cấu trúc, nội dung bài thi đánh giá tư duy, áp dụng từ năm 2023.
Cụ thể, bài thi sẽ diễn ra trong 150 phút, ít hơn 120 phút so với cấu trúc cũ. Trong đó, mỗi phần Tư duy Toán học và Tư duy Khoa học có thời gian làm bài 60 phút, phần Tư duy Đọc hiểu 30 phút. Toàn bộ câu hỏi được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, trong khi năm trước, bài thi kết hợp cả trắc nghiệm và tự luận.
Ngoài ra, thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như các năm trước, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 được tổ chức trên máy tính trong một buổi.
ĐH Bách khoa Hà Nội có thể tổ chức nhiều đợt, địa điểm thi khác nhau; không giới hạn đối tượng dự thi, số lần dự thi. Thí sinh được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong thời hạn 2 năm. Theo ĐH Bách khoa Hà Nội, những điều chỉnh này nhằm hướng tới nhiều lợi ích của thí sinh.
Với ĐH Quốc gia Hà Nội (bao gồm 9 trường đại học thành viên và 3 khoa/trường thành viên), theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, bài thi Đánh giá năng lực (viết tắt là HAS) của ĐH Quốc gia Hà Nội được thiết kế có tính toàn diện, ổn định, phân loại. Do đó, sẽ không có bất kỳ thay đổi gì về dạng thức, cấu trúc đề thi trong những năm qua và thời gian tới.
"Chúng tôi chỉ có những điều chỉnh về hành chính như giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài xử phạt thí sinh vi phạm quy chế thi, lệ phí đăng ký dự thi và thi. Căn cứ quy mô của kỳ thi, chúng tôi giới hạn thí sinh chỉ đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày", GS Thảo cho hay.
Theo ông, việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tiễn năm 2022 với hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được thi HSA.
Quy chế thi Đánh giá năng lực quy định thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy toàn bộ kết quả đăng ký dự thi, kết quả đã thi hoặc hồ sơ đăng ký các ca chưa thi. Ngoài ra, đơn vị tổ chức thi sẽ thông báo cho các bên liên quan biết mức độ vi phạm của thí sinh.
Theo đại diện Học viện Tài chính, nhiều khả năng đề án tuyển sinh năm 2023 của trường sẽ giữ ổn định như năm trước, không có nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên, trường vẫn cần chờ các hướng dẫn, quy định của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh năm nay mới đưa ra các kế hoạch cụ thể. Ngay khi có bản tóm tắt kế hoạch tuyển sinh 2023, Học viện Tài chính sẽ thông tin rộng rãi để thí sinh nắm rõ.
Tại một trường đại học lớn khác là Trường ĐH Ngoại thương, lãnh đạo nhà trường chia sẻ hiện chưa có đề án tuyển sinh năm 2023. "Khoảng sau Tết Nguyên Đán, chúng tôi sẽ có những thông tin ban đầu về kế hoạch tuyển sinh", lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương cho hay.
Với Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đại diện nhà trường cũng cho biết dự kiến vẫn tuyển sinh các ngành tương tự năm 2022, không có ngành mới. Nhà trường cũng sẽ chờ quy chế, hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT, sau đó mới ra quyết định cụ thể về kế hoạch tuyển sinh năm 2023.