Điểm chuẩn "khó thở" của những ngành học có một không hai tại Việt Nam

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong vô vàn các ngành học được đào tạo tại các trường đại học, có những ngành học cực hiếm, chỉ một nơi đào tạo. Những ngành học hiếm này đều có mức điểm chuẩn ở mức cao.

Đại học Kinh tế TPHCM là trường đầu tiên trong cả nước đào tạo chuyên sâu bậc đại học ngành ArtTech (công nghệ nghệ thuật) với 70 chỉ tiêu bắt đầu từ năm 2024.

Điểm chuẩn khó thở của những ngành học có một không hai tại Việt Nam - 1

Thí sinh tìm hiểu về ngành nghề tại chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2024 (Ảnh: Hoài Nam).

Vừa mới ra mắt, ngành học này đã có mức điểm chuẩn trúng tuyển thuộc nhóm cao của trường.

Cụ thể, điểm chuẩn theo phương thức đánh giá năng lực là 900 trên khung 1.200 điểm; theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT có điểm chuẩn 26,23, thí sinh phải đạt gần 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.

ArtTech là ngành kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ nhằm tạo ra các trải nghiệm nghệ thuật tương tác gồm nghệ thuật số, thiết kế đa phương tiện, thực tế ảo (VR), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR), NFT, Robot Art, Virtual Human, Interactive Art, Real time Graphics, Generative Art,...

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở 2 lĩnh vực công nghệ và thiết kế như nghệ sĩ hoạt hình, nghệ sĩ hình ảnh, chuyên gia thiết kế, chuyên gia thiết kế thông tin, nghệ sĩ kỹ thuật số, chuyên gia sáng tạo, chuyên gia thiết kế đồ họa, chuyên gia thiết kế sự kiện, chuyên gia thiết kế bối cảnh,…

Năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức mở ngành thiết kế và phát triển game. Đây là đại học chính quy đầu tiên tại Việt Nam mở ngành về game.

Điểm chuẩn theo phương thức điểm tốt nghiệp THPT năm nay của trường dao động từ 18 đến 26,4. Trong đó, ngành thiết kế và phát triển game có điểm chuẩn mức cao với 24,97 điểm.

Đây là chương trình có tính chuyên sâu, xây dựng để đào tạo các chuyên gia thiết kế và phát triển trong ngành công nghiệp game.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm tại các vị trí như chuyên gia thiết kế kịch bản game, chuyên gia phát triển game, phát triển và phân phối game trong và ngoài…

Bên cạnh đó, sinh viên còn có thể tham gia các vị trí công việc như chuyên viên kiểm thử game, chuyên viên triển khai, vận hành, bảo trì các hệ thống game, chuyên viên thiết kế, phát triển, kiểm thử phần mềm, chuyên viên quản lý về lĩnh vực thông tin truyền thông…

Điểm chuẩn khó thở của những ngành học có một không hai tại Việt Nam - 2

Ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc có điểm chuẩn dao động từ 24 đến 26,86 tùy tổ hợp (Ảnh: Hoài Nam).

Ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc vừa được mở tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) năm nay cũng là ngành lần đầu tiên được đào tạo ở Việt Nam.  

Vừa mới mở, ngành này đã lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh với mức điểm chuẩn cao, có khối phải gần 9 điểm/môn mới trúng tuyển.

Ở tổ hợp D14 điểm chuẩn của ngành này lên đến 26,96; tổ hợp D01 điểm chuẩn 26,3; tổ hợp DD2 và DH5 điểm chuẩn 24.

Theo học chương trình này, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng để có thể giao tiếp bằng tiếng Hàn Quốc, am hiểu về văn hóa, lịch sử và con người Hàn Quốc, về xu hướng kinh doanh thương mại Hàn Quốc cũng như các kiến thức về quản lý, quản trị hiện đại…

Ngoài kiến thức nền về chuyên sâu, cử nhân kinh doanh Thương mại Hàn Quốc cũng được trang bị các kỹ năng làm việc, thích ứng tốt với công việc liên quan đến quản trị kinh doanh, kinh doanh trong môi trường quốc tế.

Quản lý hoạt động bay là ngành học hiếm tại Việt Nam. Đến nay, cả nước ngành học này chỉ được đào tạo đại học chính quy duy nhất tại Học viện Hàng không Việt Nam.

Đây cũng là ngành có điểm chuẩn theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT cao nhất vào trường năm nay với 25,5 điểm ở chương trình chuẩn và 26 điểm ở chương trình học bằng tiếng Anh.

Theo thông tin từ phía nhà trường, đây là ngành có tỷ lệ người học sau khi tốt nghiệp làm việc đúng chuyên ngành rất cao, trên 95%.

Điểm chuẩn khó thở của những ngành học có một không hai tại Việt Nam - 3

Quản lý hoạt động bay là ngành có điểm chuẩn cao nhất tại Học viện Hàng không Việt Nam (Ảnh: Hoài Nam).

Khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhận vị trí kiểm soát viên không lưu - trực tiếp tham gia công tác điều hành bay tại các cơ sở điều hành bay gồm kiểm soát tại sân, trung tâm kiểm soát tiếp cận, trung tâm kiểm soát đường dài.

Hoặc trở thành chuyên viên ban không lưu, chuyên viên ban an toàn chất lượng và an ninh, chuyên viên phòng không lưu tại các công ty quản lý bay khu vực, nhân viên thuộc trung tâm quản lý luồng không lưu;

Nhân viên thông báo tin tức hàng không, nhân viên thiết kế phương thức bay tại trung tâm thông báo tin tức hàng không; nhân viên hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn hàng không…