Dịch tiếp tục căng thẳng, cô trò Hà Nội gian nan kiểm tra học kỳ trực tuyến
(Dân trí) - Dịch Covid-19 tiếp tục căng thẳng, cô trò nhiều trường học ở Hà Nội gian nan bắt tay kiểm tra học kỳ 2 trực tuyến để đóng hồ sơ, học bạ.
Cô trò đều gian nan
Ngày 31/8, anh Dũng (quận Thanh Xuân) dậy sớm chuẩn bị cho con gái kiểm tra học kỳ II trực tuyến. Trong hai ngày, 31/7-1/8, con gái anh kiểm tra 4 môn còn lại của chương trình lớp 4. Các môn khác đã được nhà trường cho kiểm tra trước đó khi dịch chưa bùng phát.
4 môn học của lớp con gái anh kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm hoặc kết hợp trắc nghiệm cùng tự luận. Bài kiểm tra trắc nghiệm, học sinh thực hiện trên máy tính.
Bài tự luận, học sinh viết trực tiếp ra vở, phụ huynh ký, chụp ảnh nộp cho cô giáo qua zalo ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài. Ai chưa có điều kiện kiểm tra, có thể thực hiện vào dịp khác.
Theo cô giáo chủ nhiệm lớp con anh Dũng, ban đầu nhà trường dự tính lớp chia ca với số lượng 10 em/ca nhưng do sĩ số lớp quá đông nên quyết định cho cả lớp kiểm tra cùng lần và tăng số lượng giám thị.
Trước khi bóc đề và làm bài, cô giáo yêu cầu học sinh ngồi ngay ngắn, không quay ngang dọc. Đồng thời, cô cho học sinh thấy toàn cảnh máy chủ đang quan sát toàn bộ học sinh trên màn hình cùng các thành viên Ban Giám hiệu giám sát buổi thi.
"Ngay sau khi có lịch kiểm tra khoảng một tuần trước đó, cô trò cùng "đánh vật" ôn luyện lại kiến thức vì gần 3 tháng nghỉ hè sớm để tránh dịch, kiến thức học sinh rơi rụng khá nhiều.
Trước ngày kiểm tra, cô chủ nhiệm cho các con ôn tập khoảng 1 tuần, có buổi kiểm tra thử cho từng môn. Do chưa quen nên con khá căng thẳng, sợ máy rớt mạng đột ngột, sợ sụt pin, thậm chí sợ các bạn giở tài liệu…", anh Dũng nói thêm.
Cũng sáng 1/8, chị Thu Hương (quận Hoàng Mai) phải hỗ trợ con trai lớp 2 kiểm tra trực tuyến. Cả gia đình lo lắng vì sau gần 3 tháng nghỉ hè, con rơi rớt gần hết kiến thức nhà trường bất ngờ thông báo lịch kiểm tra học kỳ trực tuyến và chỉ cho học sinh làm bài thử 1 lần.
Sau 30 phút vào "phòng thi", cô giáo vẫn chưa thể chiếu đề vì lớp như chợ vỡ. Học sinh nhỏ tuổi, giáo viên cho phép phụ huynh ở cùng con để hỗ trợ kỹ thuật nhưng không được xuất hiện trong khuôn hình hỗ trợ bài làm.
Sau khi cô chiếu đề, vẫn có phụ huynh cố gắng đọc đề, chỉ bài trong khi mic đang bật khiến nhiều học sinh khác mất tập trung.
Mặc dù đã nhắc từ trước nhưng do luống cuống quá, thay vì chỉ ghi đáp án vào tờ giấy kiểm tra, con chị ngồi chép lại đề bài rồi mới làm nên chưa làm xong màn hình đã chiếu sang bài khác.
Được biết, lớp con chị kiểm tra 2 môn Toán và Tiếng việt, trong đó, Toán gồm khoảng 20 câu trắc nghiệm; Tiếng Việt kiểm tra đọc thành tiếng, viết chính tả và 1 bài đọc hiểu để trả lời các câu hỏi.
Tuy kiến thức ở mức cơ bản nhưng khi làm bài học sinh được yêu cầu ngồi một mình nên có nhiều em thao tác chọn đáp án trên máy khó khăn. Đặc biệt, khi kiểm tra, lớp gần 50 học sinh, tất cả đều mở micro thu nhiều tạp âm, các em khó tập trung.
Bị sự cố: Được kiểm tra lại bằng đề dự phòng
Trong khi một số trường học đang rục rịch chuẩn bị khai giảng năm học mới vì đã hoàn thành kế hoạch năm học, nhiều trường phổ thông ở Hà Nội đang cấp tập kiểm tra học kỳ trực tuyến.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho biết, theo kế hoạch việc kiểm tra trực tuyến học kỳ II hoàn thành trước 10/8. Nhà trường triển khai ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh sau đó mới kiểm tra trực tuyến. Với những học sinh vì lý do nào đó không thể dự kiểm tra, phụ huynh báo cáo giáo viên chủ nhiệm, nhà trường sẽ bố trí kiểm tra vào thời điểm thích hợp.
Tại quận Hà Đông, theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận, các trường đang xây dựng kế hoạch, cho học sinh ôn tập để kiểm tra học kỳ II.
Theo đó, các khối lớp sẽ thực hiện theo tiến độ: khối tiểu học, học sinh lớp 5 đã được ôn tập và sẽ kiểm tra trước, sau đó đến khối 1-4; khối THCS hoàn thành trước 5/8.
Cô H., giáo viên một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân cho biết, bản thân cô cũng rất lo vì việc kiểm tra trực tuyến với học sinh trường công lập còn rất mới mẻ.
Học sinh còn nhỏ, sau 3 tháng nghỉ hè, nhiều em học tốt nhưng nghỉ lâu, kiến thức rơi rụng, lớp lại đông nên sợ việc kiểm tra có xảy ra sự cố.
Đặc biệt, việc đảm bảo khách quan trong quá trình kiểm tra rất quan trọng. Do vậy, ngoài nhắc nhở, nhà trường cũng tăng cường kiểm tra giám sát bằng các biện pháp.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm cho biết, nhà trường đưa ra nhiều quy định giám sát "phòng thi", không cho phụ huynh lại gần để nhắc nhở.
Ngoài ra, mỗi phòng bố trí khoảng 6-7 học sinh. Trước khi kiểm tra, học sinh được làm thử, tập dượt nhiều lần để thành thạo kỹ năng.
Chia sẻ với PV Dân trí chiều 2/8, Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho hay, hiện nay một số trường trên địa bàn đã hoàn thành kiểm tra học kỳ II, một số trường đang xây dựng kế hoạch, thăm dò ý kiến phụ huynh.
Theo đó, trong điều kiện dịch bệnh đang căng thẳng, các trường sẽ kiểm tra trực tuyến trên cơ sở làm sao thuận lợi nhất cho học sinh.
Chẳng hạn, khối 1-2 sẽ xếp thời khóa biểu kiểm tra buổi tối, có phụ huynh hỗ trợ máy móc, thiết bị. Tùy tình hình thực tế, trường nào có sĩ số đông, có thể chia nhỏ lớp; tăng lượng giáo viên giám sát để đảm bảo chất lượng.
Theo bà Thủy, giáo viên cũng có thể đối sánh kết quả kiểm tra với kết quả học trong cả năm để xem có bất thường không.
Ví dụ, một học sinh học tốt cả năm nhưng điểm quá kém vì trục trặc máy móc, hay em có năng lực trung bình nhưng kết quả kiểm tra quá cao, nhà trường có thể cho kiểm tra lại, không lấy điểm 1 bài kiểm tra để đánh giá cả quá trình.
"Trong quá trình kiểm tra, nếu học sinh nào trục trặc thiết bị hoặc học sinh còn về quê chưa trở lại thành phố vì đang giãn cách, nhà trường có thể cho em đó kiểm tra sau bằng đề dự phòng.
Đây là kỳ kiểm tra đặc biệt, nhiều khó khăn, vất vả cho giáo viên và học sinh nên chúng tôi rất mong muốn cha mẹ học sinh phối hợp chặt chẽ với nhà trường, tạo điều kiện tốt nhất về trang thiết bị, thời gian, không gian cho các con để có kết quả tốt nhất", bà Thủy nhấn mạnh".