Dịch Covid-19 phức tạp: Bộ GD-ĐT đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh

M . Hà

(Dân trí) - Tại Hội nghị trực tuyến về giáo dục diễn ra sáng 28/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ GD-ĐT đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh trước tình hình Covid-19 đang phức tạp.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, trước tình hình dịch Covid-19, ngành giáo dục chuyển đổi trạng thái hoạt động, thích ứng với tình hình dịch có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong thời gian này, ngành giáo dục đề xuất Thủ tướng cho phép tiêm vắc xin cho học sinh.

Đồng tình với ý kiến đề xuất này của Bộ GD-ĐT, đại diện tỉnh Gia Lai cũng đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh, để các em tiếp cận với việc tiêm phòng nhằm đảm bảo an toàn khi đến trường. 

Dịch Covid-19 phức tạp: Bộ GD-ĐT đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh - 1

Dịch Covid-19 phức tạp: Bộ GD-ĐT đề nghị tiêm vắc xin cho học sinh.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm học tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT, trước hết là để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài. Tăng cường hội nhập quốc tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về GD-ĐT…

Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiến hành những giải pháp bảo đảm đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng.

Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình GDPT 2018.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá, năm học 2020-2021 là năm đầy khó khăn, thách thức khi đại dịch Coivd-19 bùng phát tại hầu hết các địa phương trong cả nước.

Những tháng cuối năm, nhiều tỉnh thuộc khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề của lũ lụt, thiên tai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục và đào tạo.

Do vậy, Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Do vậy, năm học 2020-2021 đã kết thúc tốt đẹp.

Trước đó, Ngành Giáo dục TPHCM trình UBND thành phố về nội dung nghiên cứu và có kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho học sinh.

Cụ thể, theo dự thảo Chỉ thị nhiệm vụ năm học 2021-2022 trình lên UBND thành phố, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, sẽ phối hợp với Sở Y tế xây dựng các phương án, biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19  một cách hiệu quả. 

Trong đó, Sở đề nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho đội ngũ nhà giáo,  nghiên cứu và có kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh ngay khi được phép. 

Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, số học sinh bậc THCS - THPT (tương đương độ tuổi 11-18) năm học 2021-2022 tại TPHCM có khoảng 687.000 học sinh. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm