Đi tìm thông tin giấy báo thi: Ám ảnh và khổ sở!

(Dân trí) - Không nhận được giấy báo dự thi, sĩ tử lo lắng gọi điện về Phòng tuyển sinh của các trường để xin được hỗ trợ. Tuy nhiên, gọi từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối nhưng lúc nào điện thoại cũng báo bận liên hồi, hoặc là im lìm như chưa từng tồn tại...

Những số điện thoại “ma ám”

Cách liên lạc duy nhất của thí sinh đối với các trường đó là dựa vào những số điện thoại đăng trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010”. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào các số máy cố định này thì để gặp được bộ phận có trách nhiệm trả lời gần như là quá khó.
 
Đi tìm thông tin giấy báo thi: Ám ảnh và khổ sở! - 1

Thí sinh khá vất vả để tìm thông tin về giấy báo thi. (Ảnh minh họa)

Trong vai thí sinh, chúng tôi thử liên lạc đến số điện thoại của trường ĐH X được ghi chú rất rõ trong cuốn “Những điều cần biết…” là số máy trực tuyển sinh. Nhưng hoá ra đó chỉ là số tổng đài của trường, sau một hồi lòng vòng gọi đi gọi lại ra 3, 4 số máy lẻ thì chúng tôi cũng đến được với phòng tuyển sinh.

Tuy nhiên, máy trực tuyển sinh luôn báo bận, cứ 15 phút, chúng tôi gọi một lần và lúc nào cũng như lúc nào... đều bận. Sau hơn 2 giờ đồng hồ “đánh vật”, cuối cùng số máy đó cũng đổ chuông, nhưng chuông cứ đổ... tha thiết cho đến tận khi tổng đài phải tự động báo lại là “không có người trả lời, xin vui lòng gọi lại sau” và máy tự động tút ngắn gác cuộc gọi của “quý khách” lại.

Còn khi liên lạc với số máy của phòng đào tạo trường ĐH H, tôi thấy có người nhấc máy, nhưng khi được đề cập đến hỗ trợ tuyển sinh thì người nhận điện thật thà trả lời: “Người trực bộ phận tuyển sinh đã đi ra ngoài, có gì em gọi lại sau nhé” và sau đó cúp máy.

Nản lòng, chúng tôi đành phải gọi đến số máy di động cho lãnh đạo nhà trường X và được thanh minh hết sức hợp tình, hợp lý: “Bộ phận tuyển sinh thì ít người làm mà sắp đến ngày thi biết bao nhiêu là công việc. Chạy ra chạy vào, chạy phòng này phòng nọ nên đôi lúc cũng không thể ngồi một chỗ để trực nghe máy. Thí sinh phải hết sức thông cảm với nhà trường…”.

Đối mặt với những số điện thoại như bị “ma ám” thì "quay cuồng" nhất vẫn là thí sinh vì không phải lúc nào họ cũng chạy thốc được đến trường để hỏi thông tin.

Đó là tình trạng của các trường “thiếu” nhân viên, tuy nhiên ngay cả đối với những trường “ưu ái” thí sinh đến mức cắt cử ra hẳn một đội ngũ trực chiến thì lại rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”.

Chị T, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tâm sự: “Mọi công việc khác đều được gác lại để tập trung hỗ trợ cho thí sinh. Tuy nhiên cắt cứ người trực điện thoại cả tuần nay mà chẳng thấy có cuộc gọi nào. Trước sự “đìu hiu” đó anh em mới ngồi lại để đánh giá nhìn nhận thì “tá hỏa” ra là số điện thoại đăng trong cuốn cẩm nang tuyển sinh giờ đây không còn giá trị do Phòng mới chuyển sang trụ sở mới”.

Chị T cũng cho biết, có lẽ do không liên lạc được nên thời gian gần đây cũng có một số thí sinh “phi” thẳng đến trường để được hỗ trợ và điều chỉnh sai sót luôn mà không cần đợi đến ngày làm thủ tục dự thi.

Giải pháp… “chữa cháy”

Theo quy định thì những thí sinh chưa nhận hoặc mất giấy báo thi thì vẫn được phép dự thi nhưng cần phải có những thông tin cơ bản như địa điểm thi, số báo danh, phòng thi…để còn đến báo cáo lại trong ngày đến làm thủ tục dự thi. Trước việc liên lạc bằng điện thoại không xong mà cũng không thể chạy ngay đến trường do nhà ở xa nên nhiều thí sinh đành phải nghĩ ra những giải pháp để chữa cháy.
Đi tìm thông tin giấy báo thi: Ám ảnh và khổ sở! - 2

Số trường hỗ trợ thí sinh tìm giấy báo thi trên mạng như ĐH Hà Nội là rất ít.

Một trong những giải pháp mà nhiều thí sinh lựa chọn đó là truy cập vào website của các trường để tìm kiếm thông tin liên quan đến giấy báo thi. Tuy nhiên không hẳn lúc nào sĩ tử cũng gặp may bởi số website các trường có hỗ trợ trong việc tra cứu này không nhiều.

L.T.H, một thí sinh đến từ Hưng Yên, chia sẻ: “Trường mình cần tìm thì không có thông tin, trường mình không cần thì lại “hoành tráng” nên đôi khi cũng bị ức chế. Bên cạnh đó, trong quá trình tìm kiếm mới thấy nhiều trường “thờ ơ” với việc chăm sóc website của mình. Thông tin thì không chịu cập nhật, thậm chí có những website đã bị “đánh sập” nhưng trường cũng chằng thèm quan tâm”.

Không bị thụ động như H, thí sinh T.V.X đến từ Thanh Hóa tiết lộ “bí quyết”: “Lắm lúc bực mình tìm không thấy phần hỗ trợ nên em lò dò vào mục cơ cấu tổ chức của các trường. Đôi khi gặp may thì sẽ thấy số điện thoại di động của Trưởng phòng đào tạo hoặc Ban giám hiệu nhà trường. Dựa vào số điện thoại đó cứ đánh liều gọi đến...”.

Cũng theo X thì gọi đến các số di động này thường được hướng dẫn rất nhiệt tình, thậm chí còn được cung cấp luôn cả số di động của người phụ trách tuyển sinh.

Chia sẻ về sự vất vả của sĩ tử, trưởng phòng đại học ĐH B bộc bạch: “Nếu như các đơn vị liên quan làm đúng, đừng có làm thất lạc giấy báo thi thì sĩ tử chẳng bao giờ có cảnh phải khổ sở như thế này”

Nguyễn Hùng

Dòng sự kiện: Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2010