Đi ôn thi đại học có phải chấp hành nghĩa vụ quân sự?
(Dân trí) - ĐH Y dượcTP.HCM có tuyển sinh theo hình thức “3 chung”? Đi ôn thi đại học có phải chấp hành nghĩa vụ quân sự không? Có phải năm 2015 không thi đại học môn Hóa? Ngành Giáo dục học ra trường làm gì?
Cho em hỏi là năm nay ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh vẫn tuyển sinh chung theo đề thi của Bộ GD-ĐT phải không? (lbl.kingofwolf.0705@gmail.com)
ĐH Y Dược TPHCM vẫn tổ chức thi theo phương án "3 chung" chung đợt, chung đề và chung kết quả.
Năm 2014, ĐH Y dược TPHCM dự kiến không thay đổi chỉ tiêu năm 2014 với 1.610 chỉ tiêu. Trong đó, hệ đào tạo đại học là 1.510 chỉ tiêu và cao đẳng là 100 chỉ tiêu.
Cho em hỏi, em đi ôn thi đại học có phải chấp hành nghĩa vụ quân sự không? (levanchien1122@gmail.com)
Em vẫn phải thực hiện đúng Luật Nghĩa vụ quân sự. Bởi theo quy định, đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ là công dân có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ và học viên là hạ sĩ quan, binh sĩ đang học tập tại các trường quân đội, trường ngoài quân đội theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng.
Công dân đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức giáo dục chính quy tập trung gồm: Trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường năng khiếu, dự bị đại học; Trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề; Các đại học, trường cao đẳng, trường đại học… được tính từ ngày công dân đã làm xong thủ tục nhập học và đang học tập tại trường. Trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Đi ôn thi đại học vẫn phải thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.
Cháu đang học lớp 12 ở trường THPT Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm – Hà Nội. Ngày 27/12/2013 huyện Từ liêm có quyết định lên Quận Bắc Từ liêm. Vậy điểm ưu tiên theo khu vực của cháu như thế nào? (maicna73@icloud.com)
Cùng một Quận tách ra nên chỉ thay đổi địa danh chứ không thay đổi khu vực. Cháu vẫn được hưởng ưu tiên theo khu vực như cũ.
Em có nguyện vọng được học ĐH Sư phạm TPHCM, dạy môn Hóa. Nghe nói là sau năm 2015 sẽ có cải cách, sẽ không thi ĐH môn Hóa nữa. Các thầy cô của em bảo là đừng nên theo Sư phạm. Em thấy cũng đúng, nếu bỏ công ra học mà mấy năm sau thất nghiệp thì cũng buồn. Xin giúp em? (kyosad96@gmail.com)
Theo Ban tư vấn, để thành công, em nên thực hiện theo đúng nguyện vọng, sở thích của mình. Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, vai trò nhà giáo quyết định sự thành công của việc đổi mới này. Việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục bắt đầu từ việc đổi mới từ ngay trong các trường Sư phạm. Do đó, em nên cân nhắc kỹ và có lập trường vững vàng theo đuổi ước mơ của mình.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Giao tự chủ tuyển sinh cho các trường, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội. Thí sinh không phải thi theo khối, bắt buộc các môn. Các trường chủ động lựa chọn môn thi và kết hợp với các hình thức xét tuyển khác. Ví dụ, thí sinh giỏi toán thì chọn trường ưu tiên thi môn toán và xét tuyển… đây là hướng mở, hướng mới.
Không thể xảy ra hiện tượng học sinh chỉ học 1 môn bởi thi riêng yêu cầu học sinh có kiến thức tổng hợp vì khi trường kiểm tra năng lực toàn diện, học sinh phải có kiến thức chung mới làm được và không thể học lệch được. Các em phải học đều để có tư duy tất cả các môn.
Lãnh đạo Bộ cũng chia sẻ: Các bậc phụ huynh và các em thí sinh không nên quá lo lắng, hoàn toàn có thể yên tâm học và ôn thi bình thường. Năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục đại học, việc đổi mới tuyển sinh, Bộ GD-ĐT có lộ trình và giải pháp cụ thể, đặt mục tiêu đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Bộ vẫn tổ chức kỳ thi “3 chung” trong 3 năm tới; còn đối với các trường tự tổ chức thi riêng, phải có Đề án được Bộ kiểm duyệt chặt chẽ, kỹ càng trước khi được áp dụng sẽ được lấy ý kiến công khai, bản thân các em học sinh cũng được đóng góp ý kiến. Đổi mới thi cử phục vụ lớn nhất cho các em thí sinh, cho các trường và cho toàn xã hội. Nội dung thi, hình thức thi vẫn dựa hoàn toàn vào chương trình học phổ thông. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào năng lực đào tạo của nhà trường.
Em dự định sẽ thi lại ĐH ngành giáo dục học của trường ĐH KHXH& NV TP.HCM . Ở trang web trường có ghi cơ hội việc làm của ngành nhưng ghi chung chung quá em vẫn không hiểu công việc khi ra trường của ngành này là làm những công việc cụ thể nào. Xin cho em biết 1 số thông tin về công việc cụ thể của ngày giáo dục học? (thanhhang.6424@gmail.com)
Ngành Giáo dục học, sinh viên được trang bị kiến thức tổng quát của khối ngành khoa học xã hội và hành vi, khoa học nhân văn, kiến thức cơ sở ngành của khoa học giáo dục và khoa học tậm lý. Kiến thức chuyên ngành của khoa học tâm lý giáo dục… ra trường cử nhân ngành Giáo dục học có thể làm việc ở các cơ sở nghiên cứu.
Phương pháp giáo dục so sánh, phát triển chương trình giáo dục, phương pháp luận nghiên cứu khoa học giáo dục và phương pháp thống kê trong nghiên cứu khoa học; Lý luận dạy học hiện đại, công nghệ dạy học và đo lường đánh giá trong giáo dục.
Khi ra trường, em có thể làm về quản lý về giáo dục và đào tạo tại các Trường nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học hoặc các cơ sở giáo dục và đào tạo khác; Giáo dục học sinh tại các cơ sở giáo dục và đào tạo; Giảng dạy các môn thuộc khoa học giáo dục trong các trường đại học và cao đẳng; Tổ chức, tư vấn về đào tạo và phát triển chương trình đào tạo trong cơ sở giáo dục và chương trình huấn luyện trong các công ty hoặc xí nghiệp sản xuất; Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo.
Ban tư vấn tuyển sinh