ĐHQG Hà Nội ra mắt "Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Làm ra được cái mới, ấy là sáng tạo. Thế nhưng sáng tạo ấy có thương mại hóa được không, được người khác chấp nhận để có chi phí không, đấy chính là tư duy khởi nghiệp".

Trên đây là chia sẻ của GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, tại lễ ra mắt "Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội", ngày 18/12.

Theo GS Lê Quân, khởi nghiệp có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất nhưng nó là tế bào để nhân rộng, khi gặp điều kiện, môi trường sẽ tạo giá trị và gia tăng nhanh.

Khi nói đến khởi nghiệp là nói đến giá trị gia tăng. Khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo, tri thức, khoa học công nghệ, vì chỉ có đổi mới, sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng.

ĐHQG Hà Nội ra mắt Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - 1

GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Vân Hà).

Cũng theo Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, chúng ta có thể nghiên cứu ra nhiều thứ nhưng bán được không, thương mại hóa được không mới quan trọng.

"Làm ra được cái mới, ấy là sáng tạo. Thế nhưng sáng tạo ấy có thương mại hóa được không, được người khác chấp nhận để có chi phí không, đấy chính là tư duy khởi nghiệp.

Tư duy khởi nghiệp là làm gì cũng cần hiệu quả, chỉ như thế mới tồn tại. Có những nhà khoa học tôi gặp hàng mươi, 15 năm nay vẫn loay hoay suốt với nghiên cứu của mình.

Họ nghiên cứu ra nhiều cái hay, cái tốt nhưng cái tốt ấy không bán được, điều đó rất khó khăn", GS Lê Quân cho hay.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho rằng, làm ra một chiếc máy bay không quá khó nhưng để đưa nó vào kinh doanh mới khó. Có thể chiết xuất được một loại vitamin nhưng liệu có thể cạnh tranh, bán được trên thị trường hay không mới quan trọng.

Cùng một sản phẩm nhưng cách thức tiếp cận thị trường vô cùng quan trọng. Vậy nên nhà khoa học phải chọn sản phẩm nào gần hơn với doanh nghiệp, gần hơn với thị trường. Muốn vậy, nhà khoa học phải tiếp xúc với doanh nhân, với thị trường.

"ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tiến hành đầu tư, sàng lọc hỗ trợ tài chính, pháp lý cho các dự án khởi nghiệp thành công.

Chúng tôi đã dành khá nhiều nguồn lực cho nghiên cứu ứng dụng nhưng sau khi nghiên cứu, ai sẽ thương mại hóa và thương mại hóa như thế nào?

Chẳng hạn năm ngoái có những đề tài mất mấy tỷ đồng nhưng các thầy chưa trả lời được câu hỏi "nghiên cứu ra để làm gì"?

Các nhà khoa học chỉ mới nghiên cứu ra rồi để đấy, rất lãng phí cả về công sức và cả ngân sách. Do đó cần kết nối, bắt đầu từ việc đặt hàng của doanh nghiệp trước khi nghiên cứu", GS Lê Quân khẳng định.

ĐHQG Hà Nội ra mắt Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - 2

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm (phải), Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp trao quyết định cho ông Trần Phi Long, Giám đốc Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Vân Hà).

Được biết, Vườn ươm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo ĐH Quốc gia Hà Nội được thành lập theo mô hình doanh nghiệp trực thuộc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (CSK), với sứ mệnh hỗ trợ các nhà khoa học, sinh viên trong và ngoài ĐHQGHN khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Vườn ươm cung cấp các dịch vụ đa dạng nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại ĐH Quốc gia Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Một số hoạt động chính của Vườn ươm gồm: Ươm tạo công nghệ, Ươm tạo doanh nghiệp, Kết nối các nguồn lực và cung cấp các dịch vụ khác. Ngoài ra, Vườn ươm còn hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước để tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển khởi nghiệp.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Phi Long, Giám đốc Vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (Vườn ươm), cho biết đây sẽ là cầu nối giữa tri thức, công nghệ và thực tiễn kinh doanh, giúp các ý tưởng sáng tạo của nhà khoa học, sinh viên được hiện thực hóa sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao.

Đơn vị này cam kết hỗ trợ toàn diện, từ ươm tạo công nghệ, phát triển doanh nghiệp, đến việc kết nối nguồn lực và cơ hội thị trường.

PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, cho hay không chỉ là nơi hội tụ tri thức, CSK còn là nền tảng để tri thức được chuyển giao vào thực tiễn.

Đây là cầu nối quan trọng giữa các nhà khoa học, sinh viên và các doanh nghiệp; đồng thời không ngừng mở rộng các hoạt động kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực; góp phần định hình một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước để phục vụ sự phát triển bền vững.