ĐH Thủ đô Hà Nội: Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng POHE

POHE (Profession - Oriented Higher Education) là chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng với mục tiêu nâng cao năng lực nghề nghiệp của người học bằng cách xây dựng các chương trình đào tạo lấy nhu cầu của thị trường lao động làm trung tâm.

Để hiểu rõ thêm về chương trình đào tạo POHE, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Đào Trường Thành, Phó trưởng khoa Kinh tế và Đô thị - Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Xin chào ông Đào Trường Thành, POHE là chương trình giáo dục Đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, ông có thể cho biết ưu điểm vượt trội của loại hình đào tạo này?

Về cơ bản, điểm nổi trội nhất theo chương trình giáo dục này là sự gắn kết giữa chương trình đào tạo và thị trường lao động, nói một cách đơn giản hơn là người học sẽ thực sự được đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đào tạo theo những gì mà thị trường cần và công việc yêu cầu để từ đó người học sau khi sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc được ngay trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.

Người học sẽ không chỉ có kiến thức mà còn có những kỹ năng làm việc và được thực hành công việc thường xuyên, liên tục ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Thạc sĩ Đào Trường Thành, Phó trưởng khoa Kinh tế và Đô thị - Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Thạc sĩ Đào Trường Thành, Phó trưởng khoa Kinh tế và Đô thị - Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Như vậy có thể thấy, sinh viên được đào tạo theo mô hình này sẽ có kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc tốt hơn? Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, thực trạng của nền giáo dục nước ta là “thừa thầy, thiếu thợ”, sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng ra khó khăn trong tìm việc làm. Sinh viên ra trường có kiến thức nhưng thiếu kĩ năng, đặc biệt là các kĩ năng cần thiết để làm việc. Đào tạo theo POHE sẽ giải quyết được vấn đề này. Chương trình đào tạo theo POHE sẽ giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành cho người học. Bên cạnh đó, điểm cốt lõi của POHE là sự gắn kết với thị trường lao động, người học sẽ được thực hành thường xuyên, không chỉ tại các nhà trường mà còn được thực hành, làm việc thực tế tại các doanh nghiệp hay đơn vị sử dụng lao động nói chung, như vậy người học không chỉ có kiến thức chuyên môn tốt mà có có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc.

Được biết trường ĐH Thủ đô Hà Nội đang phát triển trở thành trường ĐH đa ngành, vậy việc áp dụng chương trình đào tạo POHE tại đây diễn ra như thế nào?

Như mọi người đã biết, trường ĐH Thủ đô Hà Nội tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, được nâng cấp thành Trường ĐH Thủ đô Hà Nội từ năm 2015. ĐH Thủ đô Hà Nội là trường đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND thành phố Hà Nội. Chúng tôi đang phát triển theo định hướng đào tạo chất lượng cao, đa ngành, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển Thủ đô nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung.

Hiện tại, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã phát triển và đào tạo 2 chương trình đào tạo theo POHE. Dự kiến các mã ngành đào tạo trình độ đại học mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép như Quản trị kinh doanh, Luật, Logistics hay các mã ngành đang chờ phê duyệt như Tài chính ngân hàng, Kinh tế công nghiệp, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, nhà trường cũng sẽ đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE). Các bước chuẩn bị cho các chương trình trên để thực hiện đào tạo theo POHE về cơ bản đã hoàn thiện.

Ông có thể nói cụ thể hơn về chương trình đào tạo mới của nhà trường đối với khối ngành Kinh tế và Luật?

Đối với cả hai khối ngành Kinh tế và Luật, để triển khai đào tạo theo chuẩn chương trình POHE, ngay từ bước đầu chúng tôi đã tổ chức xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện hội nhập, nhu cầu lao động của thị trường hiện nay, thông qua các cuộc khảo sát và sự tham gia của các chuyên gia, đặc biệt chú trọng đến khu vực doanh nghiệp.

Theo đó, chương trình đào tạo chú trọng đến việc phát triển và hình thành các năng lực, kỹ năng nghề nghiệp, thời lượng lý thuyết giảm, tăng thời lượng thực hành và thực tế tại các đơn vị sử dụng lao động về sau.


Thầy trò trường ĐH Thủ đô Hà Nội trong lễ ra trường diễn ra sáng ngày 4/7/2017.

Thầy trò trường ĐH Thủ đô Hà Nội trong lễ ra trường diễn ra sáng ngày 4/7/2017.

Theo ông, để triển khai hiệu quả chương trình đào tạo trình độ đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và khoa Kinh tế & Đô thị xác định đâu là nội dung trọng tâm cần thực hiện?

ĐH Thủ đô Hà Nội đã xác định việc xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo theo định hướng POHE là mục tiêu phát triển các ngành đào tạo của nhà trường, đảm bảo chất lượng đào tạo và hội nhập với chuẩn mực chung của quốc tế.

Về phía khoa Kinh tế & Đô thị, chúng tôi đã tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ giảng viên các kĩ năng để xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn POHE, quy trình thực hiện chương trình để đào tạo sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức, tốt nghiệp với đầy đủ các môn học đã hoàn thành theo chương trình đào tạo mà phải đáp ứng các kĩ năng cần thiết của thị trường lao động đòi hỏi, có thể làm việc ngay.

Trong quá trình triển khai POHE, chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm là việc xây dựng chương trình đào tạo phải đi vào thực chất, xuất phát từ nhu cầu và đòi hỏi của nghề nghiệp, công việc. Bên cạnh đó là việc đổi mới thường xuyên chương trình đào tạo, chương trình đào tạo không cứng nhắc, cố định từ năm này qua năm khác mà phải thường xuyên được chỉnh sửa, cập nhật, đổi mới để phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh việc xây dựng chương trình đào tạo, để nâng cao tính thực tiễn và ứng dụng của chương trình, trường ĐH Thủ đô Hà Nội có các hoạt động bổ trợ nào cho sinh viên?

Ngoài việc tăng cường hợp tác, trao đổi với các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực mà sinh viên ra trường sẽ làm việc để tăng cường các hoạt động thăm quan, thực tế, thực tập tại doanh nghiệp, tổ chức đó, trường ĐH Thủ đô Hà Nội tổ chức thành lập các câu lạc bộ “Khởi nghiệp” với khối ngành kinh tế, câu lạc bộ “Tôi yêu luật” với ngành luật. Đây là môi trường thực hành nghề nghiệp do Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tự tổ chức, điều hành, thu hút được đông đảo sinh viên tham gia, cũng là nơi sinh viên nhận được sự quan tâm của xã hội thông qua các nhà tài trợ, các chuyên gia cố vấn. Các vấn đề về chuyên môn và thực tiễn đã được giải đáp thông qua hoạt động của các câu lạc bộ này, đây vừa là nơi thực hành nghề nghiệp, vừa là động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm