ĐH Quốc gia TPHCM: Kiến nghị giữ nguyên tên gọi “Đại học quốc gia”
(Dân trí) - Chiều ngày 4/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM). Phía ĐHQG TPHCM có những đề xuất đến Quốc hội trong đó kiến nghị giữ nguyên tên gọi “Đại học Quốc gia”.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM kiến nghị nên giữ nguyên tên gọi “Đại học quốc gia”, vì tên gọi này đã trở thành thương hiệu mà nó đã có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội, từng bước được biết đến rộng rãi trên thế giới. Đồng thời, điều này cũng sẽ góp phần ổn định và phát triển đại học quốc gia trong thời gian tới, tránh gây ra sự xáo trộn và phức tạp không cần thiết.
Ngoài ra, ĐHQG TPHCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho ĐH này hoàn thành dự án xây dựng, trong đó là hoàn thành giải phóng mặt bằng trước năm 2020.
Trao đổi tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định rằng “chưa có chủ trương nào và Quốc hội cũng chưa ai đề xuất bỏ mô hình “Đại học Quốc gia” hay hạ thấp vị trí ĐH Quốc gia. Quốc hội đang bàn làm sao để phát triển sự nghiệp giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH. Và vị thế của giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng trước đây như thế nào vẫn giữ như thế thậm chí là làm sao để nâng cao thêm”.
Bên cạnh đó, bà Ngân cho rằng đất nước chúng ta đã bước sang một giai đoạn phát triển mới từ một nước có thu nhập bình quân đầu người thấp sang thu nhập trung bình, nhưng vẫn ở ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Quá trình đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới đã mang lại thời cơ cho phát triển, nhưng cũng đồng thời xuất hiện nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, vấn đề được đặt ra hàng đầu là chất lượng nguồn nhân lực phải làm sao để góp phần xây dựng đất nước hội nhập được. Nghị quyết Trung ương 6 có nêu rằng “nhân lực chúng ta có đủ điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế, không phải biết tiếng Anh, tiếng Pháp là đủ mà môi trường quốc tế ở đây chính là nguồn nhân lực có thể am hiểu luật của khu vực và quốc tế chứ không chỉ làm mỗi việc phiên dịch”.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh trong quản lý hệ thống giáo dục đại học, thì việc xây dựng các trọng điểm, những hạt nhân phát triển luôn được nhà nước quan tâm. Ngay từ thời gian đầu của công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đánh giá tầm quan trọng của giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo và phát triển nhân tài, Đảng và nhà nước ta đã có tầm nhìn chiến lược khi quyết định tập trung xây dựng các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, hình thành 2 đại học quốc gia.
Mô hình ĐH Quốc gia được xem là lá cờ đầu của hệ thống giáo dục đại học - một sứ mạng về tiên phong đổi mới vì chất lượng của giáo dục đại học, có tác động trực tiếp và sâu sắc đến sự chuyển biến về kinh tế - xã hội của đất nước.
Riêng đó, bà đánh giá cao ĐH Quốc gia TPHCM hơn 20 năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là đơn vị đầu tiên chủ động tiên phong đổi mới đào tạo, nơi đầu tiên trong cả nước mở hệ cử nhân và kỹ sư tài năng. Với việc áp dụng phương thức đào tạo mới, cùng thực hiện tốt việc kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục, kiểm định các chương trình ở tất cả các trường thành viên theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua trường đã có 18.827 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, trong nước và các hội nghị,… Những thành tựu trên đã khẳng định vai trò đầu tàu, nòng cốt của ĐH Quốc gia TPHCM trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Đặc biệt, năm 2018, ĐH Quốc gia TPHCM cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội đã trở thành hai đại học đầu tiên của Việt Nam đứng vào top 1.000 đại học xuất sắc nhất thế giới do Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds World University Rankings - Anh) công bố.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị: “ĐH Quốc gia TPHCM tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng đội ngũ thầy cô giáo tích cực học tập; những thế hệ sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, có tinh thần trách nhiệm cao, chủ động sáng tạo trong giảng dạy, trong học tập để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học của chúng ta. Nơi đây phải là nơi đào tạo ra các thế hệ sinh viên là những người trí thức trẻ tài năng, tâm huyết, có kiến thức, sáng tạo, có kỹ năng nghề nghiệp để lập nghiệp, có đạo đức lý tưởng, sẵn sàng xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế”.
Lê Phương