Thi tuyển sinh 2015:

ĐH Quốc gia Hà Nội chuẩn bị 4.000 câu hỏi cho ngân hàng đề thi

(Dân trí) - Để chuẩn bị cho phương án tuyển sinh thí điểm đánh giá năng lực trong năm tới, ĐH Quốc gia Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng khoảng 3.000 - 4.000 câu hỏi cho ngân hàng đề thi.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2640/Bat-cap-cua-viec-nhan-he-so-diem-uu-tien.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Bất cập của việc nhân hệ số điểm ưu tiên</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/event-2638/Diem-chuan-DHCD-2014.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;Điểm chuẩn ĐH-CĐ 2014</b></a>

Thực hiện một kỳ thi quốc gia vừa xét tốt nghiệp phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã đưa ba phương án thi theo môn thi, bài thi với những mức độ đổi mới khác nhau để tham khảo ý kiến dư luận. Điểm quan trọng nhất trong kỳ thi quốc gia là cách tổ chức thi, coi thi, chấm thi và sử dụng kết quả thi.

Trong góp ý về đổi mới này, nhiều ý kiến lo lắng về đề thi cho kỳ thi quốc gia bởi đề thi sẽ quyết định tất cả chất lượng của kỳ thi và là cơ sở để các trường đại học tuyển chọn thí sinh giỏi. Được biết, năm 2014, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã nghiên cứu Đề án chuẩn bị triển khai thực hiện đổi mới tuyển sinh tại ĐHQGHN với cách đánh giá năng lực học sinh. Vậy, cách đánh giá này như thế nào?

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo - Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới tuyển sinh của ĐHQGHN về vấn đề này.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Có 2 bài thi đánh giá năng lực!

Năm 2014, ĐHQGHN đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện đề án đổi mới tuyển sinh đại học giai đoạn 2014-2017, trong đó định hướng quan trọng nhất là chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực tổng hợp để chọn người vào học bậc đại học. Vậy, phương thức bài thi đánh giá năng lực này như thế nào, thưa ông?

Theo đề án này, ĐHQGHN từng bước hướng đến một quy trình tuyển sinh chuẩn bao gồm các nội dung: một bài thi đánh giá năng lực chung+đánh giá hồ sơ học tập bậc trung học+ một bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt để vào các ngành hoạc nhóm ngành cụ thể.

Bài thi đánh giá năng lực chung được xây dựng theo mô hình đề thi trắc nghiệm bao gồm phần bắt buộc và phần tự chọn với tổng số 140 câu hỏi , thời gian làm bài là 195 phút, được thực hiện trên máy tính. Tổng điểm tối đa là 140 điểm.

Phần bắt buộc bao gồm hai hợp phần, phần 1 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức toán học và phần 2 gồm 50 câu hỏi cho kiến thức Ngữ văn. Phần tự chọn bao gồm 40 câu và thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 hợp phần: kiến thức khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc kiến thức khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Từ năm 2014 tới 2016, các ứng viên tham gia dự thi đánh giá năng lực sẽ bắt buộc làm hai hợp phần bắt buộc và một hợp phần tự chọn ( 2+1). Từ năm 2017, các ứng viên sẽ phải làm cả 4 phần của bài thi 180 cầu với thời gian làm bài 215 phút.

Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN là sự tích hợp các nội dung kiểm tra đánh giá trên cơ sở khoa học về đánh giá năng lực, đó không phải sự tổng hợp một cách cơ học kiến thức của các môn, đồng thời những kiến thức cơ bản cũng không nằm ngoài chuẩn kiến thức kỹ năng của bậc phổ thông, nhưng tập trung đánh giá các năng lực cốt lõi như năng lực nhận thức, năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo, năng lực thẩm mỹ và khả năng tư duy. Bài thi sẽ bao gồm 20% số câu ở cấp độ dễ, 60% số câu cấp độ trung bình và và 20% ở cấp độ khó. Với cấu trúc đề thi như vậy, về cơ bản, theo nghiên cứu đánh giá của ĐHQGHN là phù hợp với hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay.

Kỳ thi đánh giá năng lực chung sẽ được tiến hành nhiều đợt trong năm ( từ 2 đến 4 đợi), tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở các vùng miền tham gia, giảm áp lực cho cả thí sinh và cho xã hội. Kết quả thi đánh giá năng lực có giá trị sử dụng trong 2 năm để đăng ký dự tuyển vào học tại ĐHQGHN.

Vậy bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt thực hiện như thế nào thưa ông?

Bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt là bài thi nhằm đánh giá năng lực để lựa chọn các em sau khi đã có kết quả bài thi đánh giá năng lực chung để vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc đại học nếu các ngành đào tạo xét thấy có nhu cầu. Ví dụ những em thi vào khối các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ như Toán học, Cơ học, Công nghệ thông tin... có thể lựa chọn môn thi chuyên biệt là toán học; các em chọn các ngành về hóa học, sinh học có thể thi môn chuyên biệt là hóa học; các em lựa chọn vào học KHXHNV có thể chọn môn thi là văn học... Các môn thi chuyên biệt này do hội đồng Khoa học và Đào tạo của các đơn vị xem xét, quyết định cho từng ngành/nhóm ngành/lĩnh vực.

Dựa trên những căn cứ và điều kiện nào để ĐH QGHN triển khai phương thức tuyển sinh mới nói trên, liệu có phù hợp với điều kiện giáo dục hiện nay của Việt Nam?

Trước hết, phải nói tới cơ sở khoa học của phương thức tuyển sinh này. Từ lâu, các nhà nghiên cứu về tâm trắc học đã quan tâm xem làm thế nào đo được năng lực, đặc biệt là năng lực tư duy của con người. Các nhà nghiên cứu đã dựa trên các lý thuyết về trí thông minh phát triển bộ công cụ đo nó ngay từ đầu thế kỷ XX.

Người ta đã thiết kế được một dạng trắc nghiệm đo trí thông minh (Intelligence Quotien, viết tắt IQ). Về sau các nhà tâm lý học phát triển thêm nhiều lý thuyết về trí thông minh làm nền tảng cho nhiều loại công cụ đo khác như chỉ số sáng tạo, trí thông minh xã hội, chỉ số xúc cảm, chỉ số đam mê ...

Phương pháp thiết kế các dạng trắc nghiệm này là cơ sở khoa học quan trọng về tâm trắc học để các nhà nghiên cứu về đánh giá giáo dục phát triển các bộ công cụ đánh giá năng lực trong học tập. Các bộ công cụ đánh giá như SAT, ACT, GMAT, GRE,v.v. đều là những bài thi được thiết kế và chuẩn hóa dựa trên các lý thuyết tâm trắc học cũng như lý thuyết khảo thí hiện đại. Đó cũng chính là cơ sở khoa học để thiết kế bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐHQGHN.


Thứ hai, phương thức tuyển sinh đánh giá năng lực của ĐHQGHN được tiếp thu học hỏi từ kinh nghiệm và thông lệ của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam. ĐHQGHN chọn bài thi đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, nhưng có tiếp thu và chọn lọc cho phù hợp với thực tế Việt Nam.

Năm 2002, ĐHQGHN đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Xây dựng quy trình phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng nhân tài trong lĩnh vực KHTN-CN, lãnh đạo quản lý và kinh doanh”. Thông qua Đề tài này, ĐHQGHN đã nghiên cứu và tìm hiểu được những năng lực cốt lõi của các ứng viên dự tuyển ĐH, SĐH, tạo cơ sở vững chắc về mặt khoa học cho phương án tuyển sinh mới.

Gần đây nhất, năm 2011 - 2013, ĐHQGHN đã thực hiện Đề ánCơ sở khoa học, thực tiễn cho việc xây dựng hệ thống đánh giá năng lực để tuyển chọn nhân lực chất lượng cao, tài năng trong đào tạo, khoa học công nghệ, lãnh đạo, quản lý và kinh doanh”. Đề án đã tiến hành khảo sát, phân tích và nghiên cứu phương thức tuyển sinh trên thế giới, xây dựng các câu hỏi thi đánh giá năng lực chung cũng như xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hồ sơ tuyển sinh của ứng viên.

Kết quả của đề án đã xây dựng được 3000 câu hỏi nguồn và đạo tạo được khoảng 50 cán bộ chuyên viết câu hỏi cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực. Với sự chuẩn bị chu đáo như trên, ĐHQGHN đã bắt đầu thí điểm triển khai tuyển sinh vào các nhiều chương trình cao học theo phương thức đánh giá năng lực và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho tổ chức tuyển sinh theo phương thức mới.

Tuyển sinh 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng thí điểm bài thi đánh giá năng lực

Tuyển sinh 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng thí điểm bài thi đánh giá năng lực.

Phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại mới đổi mới được

Lộ trình triển khai công tác đổi mới tuyển sinh ĐHQGHN theo phương thức mới trên đã được thực hiện như thế nào, thưa ông ?

Năm 2014, thí điểm áp dụng bài thi đánh giá năng lực chung để tuyển chọn các em vào hệ chất lượng cao, tài năng, các chương trình tiên tiến, nhiệm vụ chiến lược (chuẩn quốc tế) ở ĐHQGHN sau khi đã trúng tuyển kỳ thi 3 chung vào các ngành của ĐHQGHN (và do vậy không áp dụng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt). Việc làm bài thi sẽ được thực hiện trên máy tính.

Năm 2015, thí điểm áp dụng phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực đối với các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Tuỳ theo chương trình đào tạo, việc phân loại các ứng viên có thể được thông qua đánh giá năng lực tiếng Anh và/hoặc phỏng vấn và/hoặc hồ sơ.

Bài thi đánh giá năng lực chung sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh đại học 3 chung. Vì vậy, các ứng viên dự tuyển vào các ngành đào tạo này, sau khi dự thi bài thi đánh giá năng lực chung, vẫn có cơ hội tham gia kỳ thi 3 chung để vào các ngành hoặc các đơn vị đào tạo khác. Các ngành đào tạo còn lại tuyển chọn các ứng viên theo đúng qui định kỳ thi 3 chung do Bộ GD-ĐT tổ chức. Trong trường hợp Bộ GD-ĐT quyết định bỏ kỳ thi 3 chung, tích hợp thi tốt nghiệp phổ thông với thi đại học thành một kỳ thi duy nhất ngay năm 2015 thì ĐHQGHN có thể sẽ dùng kết quả kỳ thi tích hợp như kết quả thi 3 chung và bài thi đánh giá năng lực vẫn được triển khai để chọn thí sinh vào các chương trình đặc biệt.

Năm 2016: Áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả các ngành đào tạo Đại học trước thời điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức 3 chung của Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp Bộ GD-ĐT triển khai kỳ thi tích hợp, ĐHQGHN có thể sẽ dùng kết quả kỳ thi tích hợp làm điều kiện sơ tuyển vào ĐHQG và tập trung hoàn thiện bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt để chọn ứng viên vào các ngành đào tạo cụ thể.

Đến nay, ĐHQGHN đã có nhiều đợt tập huấn cho cán bộ làm đề và đã tập huấn được trên 100 cán bộ viết câu hỏi thi đánh giá năng lực, xây dựng phần mềm để triển khai việc thi và chấm thi trên máy tính. Việc tổ chức thi và chấm trên máy tính sẽ đảm bảo tính khách quan và độ trung thực cao trong kỳ thi. Đặc biệt, ĐHQGHN sẽ hoàn thành xây dựng 4.000 câu hỏi nguồn, trong đó có 846 câu hỏi đã được thẩm định về nội dung và kỹ thuật, sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào các hệ đào tạo nói trên.

Dự kiến trong năm 2015, ĐHQGHN sẽ đầu tư chuẩn bị thêm 3.000-4.000 câu hỏi nguồn, đồng thời có kế hoạch đào tạo thêm khoảng 70 cán bộ tham gia viết câu hỏi cho bài thi đánh giá năng lực chung và 60 cán bộ tham gia chuẩn bị đề thi đánh giá năng lực chuyên biệt, 30 cán bộ chuyên nghiệp phân tích các câu hỏi thi...

Thực hiện theo đề án này, ĐH QGHN có lường trước được những khó khăn khi thực hiện triển khai đại trà trong toàn ĐH QGHN và nếu được nhân rộng ra các trường đại học khác?

Tôi cho rằng tự chủ về tuyển sinh không có nghĩa là các trường đều tự tổ chức thi tuyển sinh cho mình. Nhiều trường khó khăn trong việc tổ chức thi có thể sử dụng công nghệ kiểm tra đánh giá của trường khác hoặc của tổ chức đánh giá chuyên nghiệp.

Kinh nghiệm cho thấy để công tác tổ chức tuyển sinh được thành công phải đảm bảo được những yếu tố quan trọng nhất như: bộ đề phải chuẩn và chất lượng tốt để đánh giá được chính xác năng lực của thí sinh, bài thi phải chọn lọc được thí sinh; hai là công tác tổ chức thi tuyển từ khi ra đề, làm bài đến công tác chấm thi, công bố kết quả đều phải được giám sát chặt chẽ, khách quan, được xã hội tin cậy; ba là phải phù hợp với hệ thống giáo dục hiện tại của Việt Nam, và điều quan trọng thứ tư (đối với đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực) là phải có cơ sở hạ tầng CNTT mạnh và hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đăng ký thi, làm bài thi và chấm trên máy.

ĐHQGHN có thuận lợi là đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như vậy. Xu thế chung của thế giới là việc tổ chức thi được giao cho những tổ chức, trung tâm lớn, có năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất và kinh nghiệm thực hiện. Trên cơ sở kết quả bài thi đánh giá năng lực chung của ĐHQGHN, các trường khác nhau có thể chọn những mức điểm chuẩn khác nhau của bài thi để tuyển sinh vào các ngành nghề khác nhau của trường mình. Như vậy kết quả đánh giá của ĐHQGHN có thể được chia sẻ rộng cho nhiều trường đại học khác nếu các trường có nhu cầu.

Như trên tôi đã nói, bài thi đánh giá năng lực chung là khâu rất quan trọng của đổi mới tuyển sinh. Nó đánh giá được một cách toàn diện các kiến thức, năng lực, kỹ năng của học sinh phổ thông và những gì học sinh cần có để vào học đại học.

Hiện nay, hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học đang được tổ chức riêng. Tuy nhiên hai kỳ thi này có những điểm giống nhau về bản chất. Bài thi đánh giá năng lực chung mà ĐHQGHN đang xây dựng có hệ phân giải, phân tầng cao, nó cũng phù hợp cho việc sử dụng trong trường hợp tích hợp hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học.

Kết quả bài thi này có thể vừa dùng để xét tốt nghiệp cho học sinh phổ thông, đồng thời cũng dùng để chọn người vào học bậc đại học. Một bộ đề thi có quy mô lớn, độ tin cậy cao và định hướng tổ chức thi và chấm thi trên máy tính trung thực và khách quan là điều kiện để có thể triển khai cho số rất đông học sinh trên phạm vi rộng.

Trong trường hợp áp dụng bài thi đánh giá năng lực chung cho kỳ thi tích hợp, các em học sinh phổ thông cần bắt buộc phải làm cả 4 hợp phần của bài thi và cả hợp phần về ngoại ngữ ( có cân nhắc yếu tố vùng miền). Điểm tối thiểu để xét tốt nghiệp sẽ được cân nhắc cho phù hợp.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm