ĐH Luật TPHCM sắp tuyển sinh chuyên ngành Anh văn pháp lý
(Dân trí) - Đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc đào tạo đội ngũ có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh trong môi trường pháp lý, ĐH Luật TPHCM đã xây dựng đề án, tờ trình và chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý.
Dự kiến chương trình này bắt đầu tuyển sinh, đào tạo từ năm 2013.
Theo Dự thảo thì chương trình này có thời gian đào tạo 4 năm với 140 tín chỉ. Trong đó, có 47 tín chỉ thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương và 93 tín chỉ thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp.
Với các học phần được thiết kế trong chương trình đào tạo, sinh viên (SV) tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý có ưu thế khi muốn học chuyên sâu về kiến thức pháp luật sẽ được học theo hình thức văn bằng 2 hệ chính quy, thời gian đào tạo tối đa là 2 năm và được miễn thi đầu vào. Hơn nữa, khi trường được tuyển sinh và đào tạo ngành này thì SV tốt nghiệp ngành Luật sẽ có thuận lợi khi muốn học tiếp văn bằng 2 hệ chính quy ngôn ngữ Anh trong 2 năm nhằm phục vụ tốt cho công tác tư vấn đầu tư, kinh doanh, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế… trực tiếp với đối tác nước ngoài.
PGS.TS Mai Hồng Qùy - hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết, dự thảo này nhà trường đã có từ 2 năm trước. Tuy nhiên, nhà trường cần thông qua một hội đồng khoa học, khảo sát thực tế, tiếp nhận những ý kiến phản hồi, đóng góp, trao đổi từ phía các nhà sư phạm, nhà nghiên cứu giáo dục, đơn vị sử dụng lao động… về những vấn đề chuyên môn trong chương trình đào tạo ngành mới này nên đến nay mới công bố. “Nhu cầu là có thật. Chúng tôi làm là làm bài bản. Tạo ra một sản phẩm có ích cho xã hội”, PGS.TS Mai Hồng Quỳ khẳng định.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết: “Đoàn luật sư TPHCM hoàn toàn ủng hộ chương trình đào tạo này vì mang tính cấp thiết”.
PGS.TS Mai Văn Thìn - đại diện Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM nhấn mạnh: “Việc mở ngành đào tạo Anh văn pháp lý là một ý tưởng táo bạo, đột phá và chắc chắn nhận được sự ủng hộ của Bộ. Tuy nhiên, trường cần khảo sát thật kỹ và có luận cứ khoa học”.
Được biết, ĐH Luật TPHCM quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ cho sinh viên tốt nghiệp khá cao nhưng sau khi ra trường, 80% sinh viên lại đi học thêm Anh văn ở các trường khác như ĐH KHXH&NV, ĐH Sư phạm TPHCM… Thống kê, 97% sinh viên luật ra trường đều có việc làm. Thế nhưng, khi thăm dò các doanh nghiệp, hãng luật thì người sử dụng đánh giá cao về kiến thức nhưng lại không hài lòng về kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng Anh văn kém. Nhiều công ty phải đào tạo lại từ đầu cho các tân chuyên gia pháp lý này…
Ông Vũ Xuân Phong - phó giám đốc Trung tâm Trọng tài Quốc tế VIAC cho rằng, hiện xã hội rất cần những người không chỉ có trình độ hiểu biết luật tốt mà kèm theo đó là những chuyên gia về ngôn ngữ Anh văn pháp lý. Ông Phong cho biết, hiện có khoảng 100.000 người tốt nghiệp luật nhưng số lượng người tham gia vào các vụ việc tranh chấp quốc tế rất ít. Xu hướng của thời kỳ hội nhập là cần những chuyên gia pháp lý và có trình độ Anh văn pháp lý nhất định thì mới tự tin “vươn mình” ra biển lớn được.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, nhiều luật sư tiếng Anh, tiếng Pháp giỏi nhưng không có chuyên sâu về thuật ngữ Anh văn pháp lý. Nhiều vụ án, tìm người phiên dịch rất khó vì không am hiểu về thuật ngữ chuyên ngành. Những phiên dịch không hiểu thuật ngữ pháp lý, vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan rất nhiều.
Công Quang