ĐH Hùng Vương TPHCM chấm dứt hợp đồng với 25 cán bộ, giảng viên còn lại
(Dân trí) - Ông Đặng Thành Tâm, nguyên Chủ tịch HĐQT trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã ký tiếp 25 quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với tất cả cán bộ, nhân viên, giảng viên còn lại của trường trong ngày 14/3. Đây là những người đã gửi đơn khiếu nại rằng thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật.
Theo 25 quyết định trên, tất cả cán bộ giảng viên này sẽ thôi việc từ ngày 4/4/2016. Các quyền lợi khi thôi việc gồm: tiền lương nhà trường thanh toán đến ngày 3/4; các chế độ bảo hiểm nhà trường đóng hết tháng 4/2016; trợ cấp thôi việc (thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được tính từ tháng bắt đầu làm việc của cán bộ, giảng viên đến ngày 31/12/2008), mức bình quân sáu tháng trước khi nghỉ và trợ cấp thôi việc được hưởng (tùy người).
Đồng thời, quyết định này cũng yêu cầu cán bộ, giảng viên “có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc và các hồ sơ, tài liệu liên quan cho người được chủ tịch HĐQT chỉ định; đồng thời giải quyết dứt điểm công nợ (nếu có) với các đơn vị liên quan và bàn giao các trang thiết bị, công cụ làm việc đã được cấp phát”.
Trong thời gian 7 ngày kể từ ngày thôi việc, cán bộ, giảng viên này sẽ được nhận trợ cấp. Tuy nhiên, trong số này nhiều người hưởng trợ cấp thôi việc là 0 đồng.
Trước đó Dân trí đã thông tin, 26 cán bộ, giảng viên của trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã gửi đơn khiếu nại, kêu cứu khắp nơi để nhờ can thiệp vì bị trường đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Ngoài 25 giảng viên, cán bộ vừa nhận quyết định chấm dứt hợp đồng thì trường hợp ông Trịnh Vũ Dũng - chủ tịch công đoàn cơ sở, trưởng ban trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề bị cho thôi việc từ ngày 2/3 theo diện người cao tuổi. Ông Dũng cũng là người không tự nguyện đăng ký thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo chủ trương của ông Đặng Thành Tâm.
Theo 26 các cán bộ, giảng viên này thì ông Đặng Thành Tâm không còn là Chủ tịch HĐQT trường ĐH Hùng Vương TPHCM kể từ ngày 15/6/2015 đồng thời không có tư cách pháp lý để thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với họ. Họ cũng không đồng thuận việc lãnh đạo trường lấy lí do trường không tuyển sinh được và gặp khó khăn nên đưa chủ trương thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. “Chúng tôi đã từng đề nghị chia sẻ khó khăn với trường bằng cách không nhận lương và tự bỏ tiền ra đóng bảo hiểm cho đến khi nào trường được tuyển sinh trở lại nhưng họ vẫn nhất quyết yêu cầu thỏa thuận chấm dứt hợp đồng”, nhóm cán bộ, giảng viên này bức xúc cho biết.
Các cán bộ, giảng viên này cũng cho biết họ cũng yêu cầu ông Đặng Thành Tâm trực tiếp đối thoại người lao động để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn của trường nhưng ông Tâm không gặp. Sau khi ra thông báo sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với những người này vào ngày 17/2 thì chưa tròn một tháng ông Tâm ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng.
Bà Tạ Thị Kiều An, phó hiệu trưởng thường trực trường và đại diện trường trong một buổi trả lời báo chí
Trước đó TS Tạ Thị Kiều An, Phó Hiệu trưởng Thường trực trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho biết, việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, giảng viên thực hiện theo chủ trương của chủ tịch HĐQT và làm đúng quy trình, có báo cáo cơ quan chức năng. Đồng thời, theo bà An trong sẽ tái ký hợp đồng với đội ngũ cán bộ nòng cốt khoảng 30 người để đảm bảo hoạt động của trường nhưng cụ thể như thế nào thì chưa thể công bố được.
Ngoài ra, trước ý kiến của giảng viên cho rằng ông Đặng Thành Tâm không có thẩm quyền ký quyết định chấm dứt hợp đồng, ông Bùi Trúc Lam, trợ lý HĐQT trường ĐH Hùng Vương TPHCM cho rằng ông Tâm vẫn là người có thẩm quyền cao nhất.
Khi sự việc xảy ra và nhận được báo cáo của cán bộ giảng viên, TS Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM đã tổ chức buổi họp với HĐQT, Ban giám hiệu và Chủ tịch Công đoàn trường ĐH Hùng Vương TPHCM. Buổi làm việc này còn có đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, Đảng Ủy khối Các trường ĐH, CĐ, Trung cấp chuyên nghiệp tại TPHCM.
Theo ông Hà Hữu Phúc, hiện nay trường còn đào tạo 50 sinh viên, do đó đề nghị HĐQT, ban giám hiệu và các khoa, phòng ban trong trường phải đặt lợi ích của người học và người lao động lên trên hết. HĐQT, BGH cần công khai các chủ trương, chính sách của nhà trường đối với người lao động.
Ông Phúc cũng đề nghị Chủ tịch HĐQT trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với người lao động, ban giám hiệu, công đoàn để chia sẻ những khó khăn của nhà trường. HĐQT và ban giám hiệu thực hiện nghiêm túc công văn 4280 ngày 21/8/2015 của Bộ GD-ĐT, đảm bảo cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giảng viên cơ hữu và giải quyết mâu thuẫn nội bộ, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong hoạt động đào tạo cũng như trong sử dụng người lao động.
Lê Phương