ĐH Hoa Sen sẽ áp dụng chương trình thách thức

(Dân trí) - Ngày 5/10, trong buổi khai giảng, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen (TPHCM) cho biết sang học kỳ 2 của năm học 2007-2008, trường sẽ công bố và tổ chức đào tạo một số môn học có tính chất thách thức.

Môn học thách thức sẽ khó hơn so với môn học thông thường, đòi hỏi sinh viên phải đầu tư nhiều nỗ lực và thời gian tự học. Tùy theo từng khoa mà tính thách thức của từng môn học sẽ khác nhau. Ví dụ, trong chương trình thách thức, cũng là môn Lịch sử văn hóa với cùng một kiến thức nhưng với chương trình thách thức thì thời gian lên lớp của giảng viên ít hơn, mức độ bài tập cho sinh viên khó hơn. Kết quả cuối cùng phải đạt hơn sinh viên học môn bình thường.

Môn học thách thức cũng được đánh mã số như môn học bình thường. Sinh viên khi đã chọn chương trình thách thức thì phải tích lũy đủ số tín chỉ của môn học thách thức thì mới tốt nghiệp. Sinh viên không được bỏ giữa chừng. Sinh viên được đánh giá trên tiêu chuẩn mà họ lựa chọn. Nếu thi dưới điểm 5 thì sinh viên đó coi như thi rớt.  

Sinh viên có thể chọn học môn thách thức hoặc môn bình thường. Trong thời gian đầu, các môn Toán và tiếng Anh có thể được chọn làm môn thách thức. Với chương trình thách thức, mọi sinh viên đều có quyền đăng kí và tìm hiểu sâu hơn môn học mà mình yêu thích. Ngay từ cuối năm 1 hoặc năm 2, nếu theo lộ trình thách thức, sinh viên có thể vào học các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam hoặc học tiếp ở một đại học nước ngoài.  

PV Dân trí đã trao đổi với bà Trân Phượng để tìm hiểu kỹ hơn về chương trình thách thức này:

Nếu sinh viên đăng kí học môn thách thức thì học phí, thời gian đào tạo có tăng lên hay không?

 

Học phí và thời gian học sẽ không có gì thay đổi. Môn thách thức sẽ tồn tại song song với môn học bình thường. Môn thách thức đòi hỏi nhiều nỗ lực của sinh viên chứ không phải là nhồi thêm kiến thức.

 

Văn bằng tốt nghiệp của sinh viên sẽ được ghi rõ tính thách thức, nâng cao của chương trình học?

 

Chúng tôi đang suy nghĩ và đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép. Văn bằng sẽ có thêm chữ chương trình thách thức hoặc chương trình ưu tú. Chúng tôi hy vọng quyền tự chủ của các trường đại học sẽ được mở rộng hơn, trong đó có quyền phân loại văn bằng kiểu này kiểu khác

 

Nếu có quá ít sinh viên đăng kí môn học thách thức thì chương trình có tồn tại không?

 

Tôi không nghĩ là ít quá mà sẽ có nhiều sinh viên tham gia chương trình thách thức. Nếu tuổi trẻ mà mà không tham gia thách thức thì khi nào sẽ tham gia?

 

Nếu sinh viên không theo nổi chương trình thách thức thì sẽ như thế nào?

ĐH Hoa Sen áp dụng học chế tín chỉ nên sẽ giảm bớt rủi ro cho các em. Nhưng nếu không tích lũy đủ số tín chỉ để có được văn bằng thách thức thì các em đã được rèn luyện về kiến thức, kỹ năng, được chọn môn học yêu thích và theo sở trường. Quan trọng là văn bằng thể hiện được năng lực của các em. Chúng tôi đánh giá 5 điểm ở môn thách thức bằng 7 điểm môn bình thường. Còn những vấn đề kỹ thuật mà chúng tôi sẽ phải giải quyết.

Với một tên gọi mới như vậy, liệu xã hội có dễ dàng chấp nhận chương trình học này không?

 

Đại học là để khai phá những cái mới. Có thể mới với mình nhưng với thế giới đã là cũ. Chương trình này của chúng tôi giống chương trình Honour program của Anh, Mỹ.

 

Chương trình thách thức cao hơn chuẩn vì thế người học và nhà tuyển dụng cũng sẽ yên tâm. Còn tên gọi thì chúng tôi đang suy nghĩ chọn lựa. Chúng tôi không thích tên gọi kỹ sư hay cử nhân tài năng.

Hiếu Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm