ĐH Giao thông vận tải đầu tư vào nghiên cứu khoa học để đạt chuẩn quốc tế

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Trường ĐH Giao thông vận tải xác định mục tiêu: "xây dựng trường trở thành trường đại học nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế, đông thời đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao".

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, hiệu trưởng nhà trường tại Hội nghị Khoa học - Công nghệ lần thứ 22 nhằm đánh giá kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, lao động sản xuất và giới thiệu những công trình nghiên cứu tiêu biểu; đồng thời xác định những nhiệm vụ trọng tâm của công tác này trong giai đoạn phát triển mới ngày 12/11.

ĐH Giao thông vận tải đầu tư vào nghiên cứu khoa học để đạt chuẩn quốc tế - 1

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng trao bằng khen chúc mừng các cá nhân có thành tích cao trong hoạt động KHCN giai đoạn 2018-2020.

Giao quyền tự chủ cho các đơn vị

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long cho biết, trường ĐH Giao thông vận tải đã luôn gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển ngành Giao thông vận tải và đất nước. Trong giai đoạn 2018- 2020, hoạt động khoa học - công nghệ, lao động sản xuất của Nhà trường tiếp tục có bước phát triển vượt bậc.

Cụ thể, công tác quản lý hoạt động khoa học công nghệ có nhiều đổi mới theo hướng phân cấp và giao quyền tự chủ cao cho các đơn vị; Nhà trường đã ban hành hệ thống văn bản quản lý hoạt động KHCN, rà soát và thực hiện các biện pháp thống nhất liên quan đến các cơ sở dữ liệu học thuật, quy chế khen thưởng KHCN.

Các cán bộ khoa học của Trường đã thực hiện nhiều nhiệm vụ KHCN các cấp, công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí khoa học ở trong nước và quốc tế thuộc danh mục Web of Science và Scopus; tạp chí khoa học của Trường đã có sự phát triển vượt bậc tiếp cận với tiêu chuẩn ACI; phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên ngày càng phát triển...

Những thành tích đó đã góp phần rất lớn vào việc Trường Đại học GTVT được xếp hạng thứ 19 trong các cơ sở giáo dục đại học có công bố tốt nhất Việt Nam năm 2019 và vinh dự nhận được đánh giá 4 sao trên mức tối đã 5 sao về tổng thể các mặt hoạt động của Nhà trường theo bảng xếp hạng đối sánh chất lượng – UPM.

ĐH Giao thông vận tải đầu tư vào nghiên cứu khoa học để đạt chuẩn quốc tế - 2

Tuy nhiên, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cũng thừa nhận hoạt động khoa học của Nhà trường còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ các nhà khoa học của Trường, chưa có sản phẩm KHCN mang tính đặc thù, tiêu biểu của Trường Đại học GTVT.

Nguyên nhân là do chưa tập hợp các nhà khoa học thành một tập thể mạnh, cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Áp lực công tác giảng dạy của GV còn cao, chưa có nhiều thời gian dành cho NCKH. Hiệu quả của hợp tác quốc tế trong NCKH còn thấp, số lượng Cán bộ khoa học có thể tham gia các đề tài Nghị định thư chưa nhiều, hạn chế là do trình độ ngoại ngữ và thông tin.

Tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động KH-CN còn rất khiêm tốn do chưa đưa được các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; thiếu sự gắn kết giữa Nhà trường, các nhà khoa học với doanh nghiệp.

Một số đơn vị KH-CN của Trường còn thụ động trước tác động xấu của suy thoái kinh tế. Việc khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị của Nhà trường phục vụ NCKH, CGCN còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh tầm khu vực

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long cho rằng, Nhà trường xác định mục tiêu tổng quát là “Xây dựng Trường trở thành trường đại học nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế; đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và trong khu vực”. Để thực hiện được mục tiêu đó, nhà trường tập trung 4 vấn đề chính trong thời gian tới.

Thứ nhất, lựa chọn và tập trung  đầu tư vào một số định hướng nghiên cứu khoa học chính, có thế mạnh để phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được ít nhất ba nhóm nghiên cứu khoa học mạnh đạt tầm khu vực, có khả năng giải quyết các vấn đề khoa học kĩ thuật phức tạp, có tính liên ngành.

Thứ hai, xây dựng Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học để làm công tác “gieo mầm” các hạt nhân khoa học công nghệ cho nhà trường; nghiên cứu cơ chế cho phép phát triển từ các nhóm NCKH có triển vọng lên thành các Trung tâm KHCN có khả năng độc lập, chủ động thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ; đem lại lợi ích cho nhà trường.

Thứ ba, phối hợp nghiên cứu với các Viện, các công ty, tổ chức kinh tế - xã hội để tạo ra một số sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng đột phá, tạo thương hiệu cho nhà trường; từ đó mở rộng thị trường khoa học công nghệ của nhà trường ra toàn quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Thứ tư, tranh thủ các nguồn kinh phí từ vốn đầu tư nước ngoài, kinh phí của nhà nước từ Bộ KHCN, Bộ GD-ĐT, Bộ GTVT, các sở KHCN địa phương, các nguồn xã hội hóa và trích một phần kinh phí xứng đáng hơn trong doanh thu của nhà trường để đầu tư cho hoạt động KHCN.

Bên cạnh việc đầu tư cho nghiên cứu, cần phải phân bổ kinh phí hợp lý hơn cho các hoạt động như quảng bá sản phẩm, đăng kí sở hữu trí tuệ, thương mại hóa và tìm đầu ra cho sản phẩm khoa học.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm