“Dẹp” dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Nói và làm!

(Dân trí) - Việc TPHCM tuyên bố “dẹp” học thêm trong nhà trường gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt là phía đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, đây là việc cần phải ngay nhằm trả lại uy tín cho nhà giáo cũng như giá trị thực của giáo dục dù chắc chắn sẽ gặp nhiều vướng mắc.

Mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tuyên bố, năm học tới TPHCM sẽ quyết liệt xóa dạy thêm học thêm trong nhà trường bởi dạy thêm, học thêm không phù hợp với xu thế hội nhập và làm ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục thành phố. Đồng thời, ông nhấn mạnh, bên ngoài có các trung tâm văn hóa, ai thích học thêm, dạy thêm… ra đó đăng ký chứ không để tình trạng này diễn ra trong trường học.

Theo nhiều giáo viên, nhu cầu cho con đi học thêm ngay trong trường học và với ngay chính giáo viên đang dạy học trò tại lớp là nhu cầu có thật của phụ huynh. Ngoài học sinh kém học phụ đạo thì nhiều phụ huynh muốn con học để thi vào những ngôi trường tốt. Bậc THCS thì tập trung thi vào lớp 10, THPT để thi vào đại học, cao đẳng.


Học thêm là một nhu cầu có thực của phụ huynh và học sinh. (Trong ảnh: Phụ huynh đón con học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa)

Học thêm là một nhu cầu có thực của phụ huynh và học sinh. (Trong ảnh: Phụ huynh đón con học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa)

Chọn giáo viên trong trường để theo học nhiều học sinh cũng yên tâm hơn khi các em phần nào biết được năng lực, khả năng của thầy cô. Giáo viên dạy học sinh trên lớp cũng nắm được khả năng của từng em để có cách ôn luyện phù hợp. Và một lý do quan trọng để phụ huynh cho con học thêm trong trường là họ không phải thêm một khâu để đưa đón con trẻ.

Có tình trạng o ép từ giáo viên gây áp lực cho phụ huynh và học sinh phải đi học thêm nhưng đó là thiểu số. Một khi phụ huynh không muốn, không có nhu cầu thì giáo viên có làm cách nào cũng không thể thay bố mẹ quyết định việc cho con đi học thêm.

Xét về nhu cầu dạy thêm của giáo viên, dạy để tăng thu nhập là một nhu cầu chính đáng. Chưa nói đến lương giáo viên bèo bọt, kể cả lương giáo viên cao hơn 5 - 7 lần hay chục lần hiện tại đi chăng nữa thì họ vẫn có quyền làm thêm một cách chính đáng. Trừ một vài trường hợp giáo viên phải dùng đủ chiêu để “dụ” học sinh thì xin thưa, rất nhiều giáo viên có chuyên môn phải từ chối người học.

Một thực tế đáng buồn, nhiều gia đình tự nguyện cho con đi học, học để theo được chương trình, học để thi cử và có thể học vì cho rằng để “lấy lòng” cô giáo nhưng họ vẫn mang tâm lý và dễ phàn nàn mình bị “ép”. Điều này gây ảnh hưởng tệ hại đến uy tín của nhà giáo. Và có lẽ không một giáo viên tâm huyết, dạy thêm một cách chính trực nào chỉ vì đồng tiền lại muốn mang điều tiếng như vậy.

Thiết nghĩ, quyết định xóa dạy thêm trong trường học là việc lẽ ra phải làm từ lâu để bảo vệ uy tín nhà giáo và trả lại thanh danh cho ngành giáo dục.

Ông Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh, đã đến lúc phải chấp nhận giáo dục theo kinh tế thị trường. TPHCM không cấm dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm hoạt động này tổ chức trong trường học. Ai có nhu cầu dạy và học cứ thoải mái ra các trung tâm bồi dưỡng văn hóa đăng ký.

Ở đó, giáo viên hoàn toàn có thể dạy thêm để tăng thu nhập, học sinh học thêm với mong muốn để thi vào trường này trường nọ, không ai cấm.

Học sinh phải căng mình học chính khóa, học thêm để chạy theo áp lực từ chương trình
Học sinh phải căng mình học chính khóa, học thêm để chạy theo áp lực từ chương trình

Học thêm không phải là một hoạt động giáo dục đáng được khuyến khích, thậm chí cần xóa bỏ vì đã có nhiều lời cảnh báo về hậu quả của việc học thêm: trẻ bị tước đi thời gian để vui chơi, để học hỏi, trải nghiệm thực tế; mất cơ hội tự học; cơ hội để tự mình tư duy độc lập… Nhà trường với trọng trách giáo dục trước hết phải là nơi đi đầu trong việc xóa bỏ dạy thêm học thêm để trả lại giá trị thực của giáo dục là giúp người học kích hoạt trí não của mình bằng suy nghĩ, tư duy độc lập.

Nói là vậy nhưng không phải cứ cấm là xong. Ngành Giáo dục có trách nhiệm trả lời là tại sao rất nhiều học sinh phải đi học thêm, dù bên trong hay bên ngoài trường học? Chương trình học của chúng ta còn nặng, nếu đơn thuần học chính khóa thì chỉ trừ những học sinh có thực lực thì phần lớn các em không theo kịp, buộc phải bổ sung bằng việc học thêm để đáp ứng việc thi cử còn rất áp lực. Với mục tiêu lớn nhất là học để thi, giáo dục cũng trở nên bó buộc, thiếu những cánh cửa khác để học sinh phát huy năng lực cá nhân và có nhiều lựa chọn khác cho cuộc đời.

Đó là cái gốc của vấn đề mà giáo dục cần phải giải quyết nếu không, việc cấm dạy thêm học thêm cũng chỉ mới là hớt phần ngọn.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Dạy thêm, học thêm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm