Đến trường sau mùa lũ quét

(Dân trí) - Rốn lũ Thạch Thành, Thanh Hoá gần 10 ngày đã trôi qua nhưng những con đường liên huyện vẫn ngập trong bùn đất, cây cối hoang tàn trong đổ nát. Dù vậy, loáng thoáng trong đâu đó của những ngôi trường đã vang lên những tiếng nói cười...

Trường THCS Phạm Văn Hinh ở thị trấn Kim Tân 10 ngày trước đây gần như chìm ngập trong biển nước khi toàn bộ ngôi trường này chỉ còn nhìn thấy mỗi nóc. Khi nước rút, những lớp bùn dày khiến việc đi lại của thầy trò hết sức khó khăn.

Hiệu trưởng trường THCS Phạm Văn Hinh, cô Nguyễn Thị Thành cho biết: Gần 2 ngày qua, thầy trò và 150 thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn đã cùng nhau nạo vét, cọ rửa bàn ghế và đem sách vở ra phơi. Chưa bao giờ, ngành giáo dục lại thấy thấm thía về sự giúp đỡ của toàn xã hội đối với sự học như lúc này.

Đầy xúc động, cô Thành còn kể: Hôm nay, khi đến trường, học trò vẫn còn thất thần, lo lắng nhưng khi được cùng các thầy cô giáo và các anh chị thanh niên tình nguyện dọn dẹp trường thì tất thảy đều hào hứng trở lại. Gương mặt, tiếng nói tiếng cười của mọi người đã khiến cho ngôi trường như ấm áp hơn.

Đến trường sau mùa lũ quét - 1

Thầy trò dọn sân trường còn ngập đầy bùn - (Ảnh: Việt Hưng)

Anh Tú, nhà ở thôn Liên Sơn, xã Thành Kim ngậm ngùi kể: “Rứa là thóc trong nhà còn tí mô là nảy mầm hết. Đồ đạc cũng trôi nói gì đến sách vở của con. Nhưng hai hôm nay các cháu đã đến trường rồi. Cố gắng cho các cháu đi học chứ để ở nhà, chúng càng thêm tủi”.

Trường THPT Thạch Thành đến thời điểm này vẫn còn rất nhiều học sinh phải bỏ học vì đường sá đi lại khó khăn cộng với nhiều nhà cửa vẫn còn ngập trong bùn và nước. Nhiều thôn xóm còn phải đi thuyền.

Hai anh em nhà Tuấn Tú mấy hôm nay loay hoay dọn dẹp nhà cửa nên không đến trường. Nhà có 6 sào ruộng vừa thu hoạch, nay nước lũ đã cuốn trôi hết. May mắn nhờ nhận được mì và gạo cứu trợ nên cả nhà cũng không ai bị đói.

Tú kể: “Mấy hôm trước, các thầy cô của trường THPT Thuận Thành đến vận động bố mẹ để đưa các em trở lại trường. Các thầy cô đều là người trong xã, nhà cửa cũng tan hoang nhưng vẫn nhanh chóng lập tức đến bục giảng để cố gắng không làm cho chương trình giảng dạy bị gián đoạn”.

Chắc chắn, trong ký ức của người dân Thạch Thành sẽ không bao giờ quên được sự bất ngờ và dữ dội của cái đêm con đê sông Bưởi vỡ và cơn lũ đã tràn qua thôn xóm như một hung thần. Giờ đây không khí u ám vẫn còn bao trùm nhiều mái nhà nhưng trong các ngôi trường còn “ướt sũng” nước, những tiếng cười tiếng nói của trẻ dù chỉ thoảng nhặt nhưng cũng đã ấm áp những niềm vui.

Theo thống kê đến ngày 14/10 của huyện Thạch Thành, cơn lũ đã làm 4 người chết, huyện có 22 xã, thị trấn/28 xã, thị trấn bị ngập hoàn toàn, khiến hơn 13.183 hộ, 56.120 khẩu bị ngập lụt, gần 380 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ, hư hỏng hoàn toàn.

 

Do lũ lớn, nước chảy xiết lại xảy ra bất ngờ vào đêm, nên toàn bộ tài sản, lương thực của nhân dân trong vùng bị ngập lụt đã bị cuốn trôi theo dòng nước. Nhiều gia đình không còn nhà ở, phải dựng lều sống tạm tại các khu đất, triền núi cao, công trình công cộng hoặc tá túc ở nhờ gia đình người quen... Đời sống của nhân dân đang phải đối mặt với thiếu lương thực, nước sạch, ô nhiễm môi trường, giao thông bị đình trệ, thông tin liên lạc bị gián đoạn...

 

Đặc biệt, nguy cơ bị thiếu đói là có thể xảy ra bởi huyện còn 1.450 ha lúa chưa thu hoạch,  thì đã có 1.100 ha bị mất trắng; hơn 700 ha diện tích các cây màu vụ đông bị mất hoàn toàn và hơn 1.200 tấn sản phẩm nuôi trồng thủy sản cũng bị lũ cuốn trôi.

 

Hiện tại nước đã rút, song nhiều trường vẫn còn ngập sâu trong bùn đất. Các tuyến đê tả, hữu sông Bưởi và nhiều công trình hồ đập, kênh mương bị hư hỏng nặng..., ước thiệt hại lên tới gần 500 tỷ đồng.

 

Các đoàn thể, tổ chức xã hội cộng đồng trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nước ngoài đã hỗ trợ hơn 255 triệu đồng tiền mặt, hơn 58 tấn gạo, hơn 325.480 gói mì tôm, 1.500 cuốn vở, 407 thùng nước khoáng... cho huyện Thạch Thành.

Lê Châu