Đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2: Ý tưởng tuyệt vời nhưng phải cẩn trọng
(Dân trí) - Đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam là một ý tưởng tuyệt vời bởi tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chính trong mọi tiến trình đàm phán quốc tế; nhưng cũng không thể phủ nhận nguy cơ đe dọa đến nền văn hoá lâu đời nếu Việt Nam coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2.
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam. Nhiều ý kiến của giáo viên dạy tiếng Anh người nước ngoài và doanh nghiệp đã bày tỏ quan điểm về ý tưởng này.
Cô giáo Fritzie Caspe: Phá bỏ rào cản ngôn ngữ, mở ra vô vàn cơ hội cho người Việt
“Cô Fritzie Caspe, Trưởng bộ phận Học vụ tại Trung tâm Anh ngữ JOLO - Chi nhánh Nguyễn Thị Định”
Là một đất nước đang trải qua quá trình thay đổi toàn diện trong nhiều lĩnh vực và trong thời đại toàn cầu hoá, Việt Nam coi việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của đất nước là một lựa chọn cần thiết.
Bằng cách này, Việt Nam sẽ thực sự mở rộng cánh cửa với thế giới và đảm bảo rằng người dân của mình có thể giao tiếp, đối thoại quốc tế một cách đầy đủ và toàn diện. Cho dù mục đích của sự đối thoại, giao tiếp là để phục vụ kinh tế, giáo dục, du lịch hay văn hoá, thì cũng không thể phủ nhận khả năng nói tiếng Anh giờ đã trở thành một kỹ năng sống quan trọng.
Nhiều người Việt hiện nay được trang bị những kỹ năng và hiểu biết sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, và họ sẽ thực sự đóng góp cho sự phát triển vượt bậc đất nước nếu họ có thể thể hiện tài năng với thế giới. Để làm vậy, họ cần hợp tác với cộng đồng quốc tế, và chắc chắn tiếng Anh sẽ là phương tiện giao tiếp chính.
Hơn nữa, khi được học tiếng Anh từ sớm, học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế. Việc học và hành cần phải đi đôi với nhau. Vậy nên nếu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính, các em sẽ không còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một môi trường thực hành Anh ngữ thường xuyên và chuẩn quốc tế. Các em sẽ dễ dàng giao tiếp với người nước ngoài.
Thêm vào đó, ngành du lịch hiện có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của nhiều địa phương. Với một lực lượng lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo, ngành du lịch của Việt Nam có thể nâng tầm chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh đẹp về một quốc gia du lịch hấp dẫn và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của du khách.
Với tất cả những suy nghĩ trên, tôi tin việc đưa tiếng Anh trở thành ngoại ngữ chính sẽ giúp phá bỏ mọi rào cản ngôn ngữ và mở ra vô vàn cơ hội cho mọi người Việt.
Ông Bùi Quang Cường – CEO iViet: “Con đường nhanh nhất để học hỏi tri thức tiên tiến”
Ông Bùi Quang Cường cho biết, Việt Nam đang phát triển sau các nước lớn từ vài năm tới vài chục năm, thậm chí trong nhiều lĩnh vực chúng ta thua những nước lớn tới hàng trăm năm. Muốn biết tương lai chúng ta sẽ thế nào chỉ cần sang những nước phát triển và tìm hiểu.
Cách tốt nhất để các doanh nghiệp Việt Nam tiến nhanh hơn đó là sang các nước lớn học hỏi mô hình của họ. Nhiều cái chúng ta mất thời gian nghiên cứu, khám phá ra điều tưởng chừng mới lạ nhưng ở các nước phát triển họ đã đưa vào áp dụng từ lâu.
Đơn cử như những tri thức quản trị được đúc kết thành sách thì hầu hết đều có bằng tiếng Anh trước. Sau ít nhất vài năm, cuốn sách đó mới được Việt hoá cho đông đảo người Việt Nam. Khi các doanh nghiệp Việt tiếp cận được tri thức đó thì thế giới họ đã bắt đầu chuyển sang một mô hình quản trị khác.
Như vậy, để tiếp cận, học hỏi nhanh tri thức tiên tiến, con đường nhanh nhất là chúng ta phải hiểu ngôn ngữ phổ thông nhất thế giới.
Ông Bùi Quang Cường – CEO iViet
Ông Bùi Quang Cường cho rằng, thế giới của chúng ta bây giờ ngày càng phẳng. Chỉ cần ngồi tại Việt Nam với 1 chiếc máy tính được kết nối internet, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận những đối tác, khách hàng lớn trên toàn cầu.
Nếu chúng ta để ý có thể thấy ở Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ 8x, 9x ngồi tại Việt Nam đã tự đặt hàng từ Trung Quốc bán sang Mỹ, Châu Âu và trở thành triệu phú đô la.
Người Việt Nam với trí tuệ và thêm sự thông thạo về ngôn ngữ sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tự tin hơn và hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhiều dân tộc khác trên thế giới.
Ông Cường cho hay, đi lên những vùng núi cao phía bắc tổ quốc hay vào những nơi nhiều khách du lịch như phố cổ Hội An, tôi nhận thấy rất nhiều trẻ em, người già bán hàng rong mà “bắn” tiếng Anh như súng liên thanh. Trong khi đó, nhiều sinh viên đại học, thậm chí thạc sỹ được đào tạo bài bản mà khi gặp “khách tây” là “bó tay” chẳng nói lên lời.
Câu chuyện ở đây, ông Cường cho hay, ngoài việc đào tạo trong trường lớp, nhà nước cần có những chương trình tạo môi trường để toàn dân sử dụng tiếng Anh. Đơn cử như có thêm kênh truyền hình Việt bằng Tiếng Anh, có thể biến một số những nội dung thông dụng ngoài đường ở những thành phố lớn chuyển dần sang tiếng Anh, các thông tin công bố ra bên ngoài đều song ngữ… Khi có môi trường như vậy, bản năng con người sẽ tự học hỏi và thích nghi.
"Tôi tin rằng, nếu tạo được môi trường như vậy thì chỉ một thời gian nữa giao tiếp tiếng Anh và tiếp thu tri thức thế giới sẽ là chuyện nhỏ đối với các doanh nghiệp và công dân Việt Nam".
Thầy giáo tiếng Anh Juver Buencamino: "Sẽ mai một các giá trị văn hóa"
(Thầy Juver Buencamino, giáo viên với kinh nghiệm 10 năm giảng dạy tiếng Anh và Anh văn tại nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản)
Đề xuất đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của quốc gia là một ý tưởng tuyệt vời. Tuy nhiên, Việt Nam nên cân nhắc kỹ các lợi ích và tác hại của dự luật này đối với sự phát triển kinh tế quốc gia. Cá nhân tôi tin rằng, điều này mang đến lợi ích nhiều hơn.
Tiếng Anh được coi là ngôn ngữ chính trong mọi tiến trình đàm phán quốc tế, nhưng cũng không thể phủ nhận nguy cơ đe dọa đến nền văn hoá lâu đời của Việt Nam.
Thầy Juver Buencamino
Việc sử dụng tiếng Anh như một công cụ phát triển tài chính có thể dẫn đến sự mai một của các giá trị và tập tục truyền thống từ thời xa xưa.
Thêm vào đó, điều này cũng khiến người Việt dễ dàng lãng quên những dấu mốc lịch sử vĩ đại của đất nước mình. Ví dụ, nếu học sinh, sinh viên quá chú trọng vào tiếng Anh, họ sẽ dành ít thời gian và sự quan tâm cho văn hoá truyền thống. Dần dần, các thế hệ sau này sẽ không còn cảm nhận rõ rệt về tính dân tộc và giá trị quê hương trong con người mình như hiện nay nữa.
Nói cách khác, nếu đứa trẻ được sinh ra và lớn lên với suy nghĩ “tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ", đứa trẻ sẽ khó có thể tự nhận thức rằng “mình là công dân Việt Nam".
Tuy nhiên, việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức mang đến những ích lợi không thể chối cãi đối với an ninh kinh tế của quốc gia.
Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể dễ dàng trao đổi, chia sẻ những ý tưởng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế tiềm năng.
Thứ hai, người Việt sẽ không còn phải đi du học và dành nhiều tiền của chỉ để có được một tấm bằng cử nhân từ một đất nước nói tiếng Anh nữa. Thay vào đó, họ có thể đầu tư phát triển hệ thống giáo dục trong nước.
Và trên hết, Việt Nam cũng sẽ có thể giảm bớt chi phí cho các quỹ học bổng chính phủ. Hãy lấy Philippines làm ví dụ. Chính phủ Philippines hỗ trợ kinh phí cho các trường học của nước mình hơn là khuyến khích học sinh, sinh viên du học nước ngoài.
Có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết cử nhân của các trường này đều được đào tạo chuyên môn bài bản và có trình độ được quốc tế công nhận.
Vì vậy, tôi mạnh mẽ tin rằng đề xuất trên tại Việt Nam sẽ mang đến rất nhiều lợi ích to lớn.
Nhật Hồng - Hoàng Thủy (ghi)