Đề Văn thi vào lớp 10 ở TPHCM: Nhiều đổi mới và khơi gợi cảm hứng sáng tạo
(Dân trí) - Nhiều giáo viên đánh giá cao đề Văn thi vào lớp 10 của TPHCM. Theo đó, cấu trúc và cơ cấu điểm của đề hợp lí, đảm bảo kiểm tra toàn diện các kĩ năng và kiến thức (văn học - đời sống).
Theo thầy giáo Nguyễn Phi Hùng (Hệ thống Giáo dục HOCMAI) nhìn tổng thể, cấu trúc đề thi môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 của TPHCM năm nay vẫn theo cấu trúc quen thuộc của đề các năm trước. Vẫn gồm 3 câu hỏi: đọc hiểu văn bản (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm), nghị luận văn học (4 điểm) nhưng đề thi năm nay có nhiều điểm mới, cả hình thức câu hỏi lẫn nội dung kiến thức, kĩ năng được hỏi.
Đề Văn thi vào lớp 10 ở TPHCM năm 2017.
Câu 1 (đọc hiểu văn bản) đề cập đến cách ứng xử của các bạn trẻ với thần tượng của mình. Điểm mới là đề thi yêu cầu học sinh đọc hiểu hai văn bản (chứ không phải một văn bản như các đề năm trước) và trong mỗi văn bản, bên cạnh kênh chữ, còn có các bức ảnh nhân vật thực tế để tăng tính trực quan, sinh động và tạo cảm hứng làm bài cho thí sinh.
Câu 2 (nghị luận xã hội) đặt vấn đề "Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?". Vấn đề nghị luận vừa gần gũi với giới trẻ đồng thời cũng là vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa trong việc định hình suy nghĩ, lối sống của các bạn tuổi teen. Nhiều học sinh sẽ rất tâm đắc với vấn đề này. Cách nêu vấn đề dưới dạng câu hỏi tạo độ mở, cho phép thí sinh được tự do tỏ bày quan điểm cá nhân. Bên cạnh đó, đề thi còn có thêm hình minh hoạ để khơi gợi những suy nghĩ, những hướng triển khai bài làm cho học sinh.
Câu 3 (nghị luận văn học) năm nay cho phép thí sinh chọn một trong hai đề:
Đề 1 là dạng bài nghị luận về một đoạn thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. Qua đó, khẳng định tình yêu thiết tha của mỗi người Việt Nam với biển quê hương và nhắc nhớ ta về trách nhiệm với chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đây là dạng đề quen thuộc, dành cho những bạn muốn chọn "giải pháp an toàn".
Đề 2 là đề mang tính lí luận, đề cập đến bản chất của quá trình tiếp nhận (đọc) tác phẩm văn chương và ý nghĩa của văn học với cuộc sống.
“Muốn làm tốt đề này, thí sinh phải có phông kiến thức rộng, chắc về các tác phẩm văn học, nắm chắc kĩ năng trình bày bài văn nghị luận về một vấn đề văn học, đồng thời cũng phải nêu được những rung cảm sâu xa trong quá trình tiếp nhận, khám phá vẻ đẹp của tác phẩm. Có như vậy bài viết mới đảm bảo sự phong phú về nội dung, chặt chẽ trong lập luận và có cảm xúc”, thầy Nguyễn Phi Hùng nhận định.
Đánh giá chung của thầy Hùng là đề thi đã thể hiện những nỗ lực làm mới để gần gũi hơn với cuộc sống, khơi gợi cảm hứng làm bài của học sinh. Các bạn ôn tập kĩ càng và có kiến thức chắc chắn sẽ có thể đạt điểm 7 với đề thi này.
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy môn Văn cấp 2 tại Hà Nội, thầy giáo Đặng Ngọc Khương cũng đánh giá cao đề Văn vào lớp 10 của TPHCM. Thầy Khương cho rằng, cấu trúc và cơ cấu điểm của đề hợp lí, đảm bảo kiểm tra toàn diện các kĩ năng và kiến thức (văn học - đời sống).
Câu 1- Đọc hiểu: Chọn ngữ liệu rất hay. Bản thân ngữ liệu đã có tính thẩm mĩ và ý nghĩa giáo dục. Các câu hỏi đưa ra ở mức độ vừa phải chia theo 4 cấp độ: Nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao, không gây khó cho học sinh.
Câu 2: Vấn đề nghị luận mới mẻ, độc đáo, mang tính thời sự và rất cần thiết với giới trẻ hiện nay. Cách đặt vấn đề bằng hình ảnh vừa không gây nhàm chán vừa mang có tính cụ thể.
Câu 3: Cả 2 câu đều là đề mở nhưng mức độ "mở" khác nhau phù hợp với từng đối tượng học sinh ở 2 mức độ khá - giỏi. Yêu cầu của đề vừa phải, không đánh đố nhưng vẫn có khả năng chọn được học sinh giỏi
“Đề Văn hay, luôn có đổi mới, sáng tạo”, thầy Đặng Ngọc Khương kết luận.
Lệ Thu