Đề Văn “mở” triệt tiêu cách “học vẹt”

(Dân trí) - Vài năm trở lại đây, nhằm tránh “học vẹt”, “học tủ”, Bộ GD-ĐT và nhiều địa phương đã ra đề Văn mở nhằm khuyến khích sự sáng tạo của học sinh. Chính điều này đã giúp triệt tiêu cách “học vẹt”.

Điển hình nhất là đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm nay, đề ra về hành động dũng cảm của học sinh Nguyễn Văn Nam quên mình cứu 5 em nhỏ đã gây xúc động mạnh đối với xã hội. Đây chính là cú “hích” về cách ra đề thi hàn lâm, khuôn mẫu trước đây.

Đề thi vào lớp 10 tại Đà Nẵng năm nay, với câu hỏi yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về câu tục ngữ của Nga: “Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học”, học sinh đã rất thích thú với câu hỏi này. Hay như đề thi Văn vào lớp 10 của TPHCM có câu hỏi khá lạ và hay yêu cầu học sinh phải có sự sáng tạo và tư duy mới làm được bài: từ hình một người con sử dụng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ teen nói chuyện với bố yêu cầu thí sinh trả lời; từ câu chuyện “Ôm ước mơ đi về phía biển”, yêu cầu các em trình bày suy nghĩ của mình...

Nhiều ý kiến nhận xét: “Dù đây chỉ là chi tiết nhỏ, nhưng cũng là một thay đổi khá lớn trong giáo dục Việt Nam. Vì chương trình giáo dục đã bắt đầu gắn liền với thực tiễn”.
 
Học sinh tan thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn.
Học sinh tan thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn.

Chính những đề văn mở này đã làm triệt tiêu đề văn mẫu, PGS.TS Lê Quang Hưng - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 cho biết: “Dạy Văn, học Văn cũng cần những đoạn mẫu, sự phân tích mẫu, cũng cần có những chỗ phải thuộc. Nhưng cái thuộc ấy phải là kết quả của sự hiểu, phải gắn liền với sự đồng cảm, đồng thuận của mình”.

PGS Lê Quang Hưng cho hay, dạy luyện thi Văn có khi cũng đành chấp nhận “thầy đọc trò chép” vì mục đích thực dụng rõ ràng của người học, vì qui luật cung - cầu. Nhưng nếu giáo viên nào, học sinh nào không ý thức đầy đủ cách ra đề cải tiến vài năm trở lại đây thì cứ “vui lòng” với đọc chép, với bài mẫu. Thậm chí, không ít em còn thích bài mẫu càng dài, càng kỹ thì càng tốt. Chẳng cần suy nghĩ gì, đầu tư thêm gì, cứ thế mà học cho thuộc. Học Văn như thế chỉ bị dốt đi nhiều hơn là được khá lên.

Theo PGS Hưng, để học sinh hứng thú học Văn, để có một buổi dạy Văn hay, có hiệu quả, cần nhiều điều kiện, cần nhiều yếu tố. Phải tùy đối tượng học, mục đích học... Dạy Văn cũng phải đảm bảo các yêu cầu chung như dạy các môn khác song cũng có đặc thù của bộ môn.

Theo đó, trước hết, cần để học sinh tiếp xúc với tác phẩm, thâm nhập sâu vào tác phẩm, dạy các em biết sống với nhân vật... Nếu có cung cấp bài mẫu đi nữa cũng phải cho các em hiểu, các em tán thành tại sao lại tổ chức bài làm như thế, tại sao lại cần viết, cần phân tích như thế. Nghĩa là dạy cho các em biết tư duy, biết lập luận, hình dung con đường tất yếu, hợp lý đi đến những điều mình viết ra. Bài mẫu chỉ thực sự có hiệu quả, được tiêu hóa đối với người học khi gắn cùng sự hiểu, sự cảm thụ.

“Tôi thấy một số thầy cô giáo dạy Văn hay “kịch hóa” tác phẩm, tổ chức cho các em phân vai, diễn kịch theo tác phẩm. Cách làm đó chỉ có hiệu quả với loại tác phẩm nào, vào lúc nào chứ không thể lạm dụng. Hơn nữa, dạy Văn còn là dạy cảm thụ ngôn từ, dạy cảm thụ giọng điệu, tâm hồn nhà văn gắn cùng văn bản, ẩn đằng sau văn bản. Chẳng hạn, cứ kịch hóa để cho Mị diễn, A Phủ diễn, cứ để cho Tràng, bà cụ Tứ diễn thì làm sao thấy được hết sự tinh tế, tài hoa của ngòi bút Tô Hoài, của Kim Lân khi miêu tả tâm lý, hành động các nhân vật.

Dạy Văn là dạy cách cảm thụ, cách thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Dạy Văn cũng là dạy cách lập luận, cách trình bày thuyết phục, hấp dẫn về một vấn đề. Các em học sinh nên nắm vững hệ thống luận điểm, luận cứ, nắm vững các dẫn chứng sinh động khi giải quyết vấn đề ấy chứ không nên (và cũng không thể) học thuộc lòng một cách máy móc, thụ động cả bài mẫu, cả lời văn cho sẵn” - PGS Hưng chia sẻ.
 

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng - giáo viên môn Văn trường THPT Đào Duy Từ - Hà Nội cho rằng: “Đối với học sinh, nghị luận xã hội là dạng bài vừa dễ vừa khó. Dễ vì các em có thể trình bày những suy nghĩ riêng của chính bản thân. Khó vì không phải em nào cũng có thể nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc để viết đúng và hay. Câu Nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đăng tải một thông tin cập nhật trên báo chí thời gian qua về hành động dũng cảm đáng khâm phục của học sinh Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An. Vấn đề này cũng được học sinh quan tâm và chia sẻ nhiều trên mạng nên các em sẽ có được bài viết chân thực, xúc động”.

Cô Hằng nhận định: “Cái hay của đề nghị luận xã hội là vừa mang tính thời sự vừa mang tính giáo dục, nhân văn. Những suy nghĩ về hành động dũng cảm của học sinh trong bài viết sẽ giúp các em trưởng thành trên con đường hoàn thiện nhân cách”.

Hồng Hạnh