“Học vẹt” do chương trình, sách giáo khoa quá nặng!
(Dân trí) - Giáo dục ở bậc phổ thông hiện nay nhìn chung còn lạc hậu, nặng về “thầy đọc - trò ghi”, “học để thuộc, để nhớ, để ghi”, mang nặng tính áp đặt, chưa chú trọng các phương pháp giáo dục sáng tạo.
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục khi nói về “học vẹt” của học sinh phổ thông hiện nay.
Dạy học còn mang tính áp đặt
Đánh giá về chương trình sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, nội dung các bài học trong SGK phù hợp với những tri thức có tính hệ thống và cập nhật của các ngành khoa học. Ví dụ môn Ngữ Văn, có một số tác phẩm trước đây chưa được đánh giá đúng, bây giờ đã có mặt trong SGK. Cách nhìn nhận, phân tích nhiều tác phẩm văn học đã cập nhật được quan điểm của thời đại, bớt đi lối phân tích xã hội học thô sơ trước đây.
GS.TS Phan Văn Kha - Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam nhận định: “Chương trình giáo dục xây dựng theo hướng coi trọng việc trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản cho học sinh. Mặc dù đã đề cập đến một số năng lực chung như giải quyết vấn đề, hợp tác, sáng tạo… nhưng thể hiện ở chương trình các môn học còn hạn chế, nhiều khi chỉ dừng lại ở mục tiêu môn học. Đối với SGK, còn có những thuật ngữ trừu tượng, những tình huống gượng ép và có những sự kiện, số liệu nhất quán giữa các lớp trong cùng môn học, giữa một số môn học; dung lượng ở một số bài quá nhiều so với thời lượng dạy học”.
Nhận xét về phương pháp dạy học ở giáo dục phổ thông hiện nay, PGS.TS Trần Quốc Toản cho biết, nhìn chung còn lạc hậu, nặng về “dạy bảo - truyền thụ”, “thầy đọc - trò ghi”, “học để thuộc, để nhớ, để ghi”, mang nặng tính áp đặt, chưa chú trọng các phương pháp giáo dục sáng tạo. Phương pháp giáo dục còn nặng về sách vở, lý thuyết ít gắn với đời sống thực tiễn.
Nhiều tác phẩm văn học không phù hợp với tâm lý học sinh?
Ông Nguyễn Văn Tuyến - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng: “Khối lượng kiến thức trong SGK hiện hành quá lớn, quá sức với đại bộ phận học sinh. Sự quá tải ở bậc giáo dục phổ thông hiện nay không chỉ nằm ở chương trình, SGK mà còn do việc đánh giá kết quả giáo dục, kiểm định và thi cử quá nặng nề và hình thức. Việc dạy và học đôi khi không phải để đáp ứng mục tiêu giáo dục mà đáp ứng mục tiêu trước mắt, đó là thi cử”.
Ông Tuyến cho hay, hầu hết tác phẩm dạy trong SGK, THCS, THPT tuy có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã qua đời từ gần nửa thế kỷ cho đến vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm trước, không phù hợp với tâm lý và xu thế đọc sách của học sinh hiện nay, do đó không khơi gợi được hứng thú học tập của các em.
“Việc đổi mới nội dung chương trình, SGK giáo dục phổ thông cần bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, khả thi, vừa sức với học sinh và cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách, các kỹ năng sống, kỹ năng vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn và kỹ năng thực hành của học sinh” - ông Tuyến đề nghị.
Giáo viên không đáp ứng yêu cầu đổi mới
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông mà PGS Trần Quốc Toản đưa ra là xây dựng nội dung chương trình theo hướng giảm tải, kết cấu đồng bộ hợp lý giữa giáo dục nhân cách, lối sống với giáo dục tri thức văn hóa - khoa học - công nghệ, giáo dục tư duy sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành…Đặc biệt phải xác định rõ mục tiêu giáo dục của mỗi môn học để từ đó xây dựng nội dung - chương trình môn học cho phù hợp với mục tiêu đặt ra cho từng cấp học, ví dụ, học Sử để làm gì?, học Văn để làm gì?, học Địa lý để làm gì?
GS Phan Văn Kha đề nghị: “Đổi mới mạnh mẽ các phương pháp giáo dục theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sang tạo của học sinh; chú trọng bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng hợp tác, năng lực vận dụng vào thực tiễn… Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng đơn giản, hiệu quả, kết hợp cả kết quả đánh giá các môn học với kết quả thi, cung cấp cơ sở tin cậy cho việc đổi mới thi và tuyển sinh ĐH, CĐ”.
GS Thuyết đã đưa ra những lý do làm cản trở đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay là ở thành thị, cơ sở trường học nhìn chung khang trang nhưng do thiếu lớp, thiếu giáo viên vì biên chế có hạn nên sĩ số trong lớp đông, khó có thể áp dụng phương pháp dạy học tích cực và đáp ứng yêu cầu thực nghiệm của các môn học khoa học tự nhiên... Ở nông thôn và vùng sâu vùng xa, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở và thu nhập. Bộ GD-ĐT đã đề xuất với Chính phủ triển khai đề án kiên cố hóa trường, lớp nhưng đề án chỉ được triển khai sau chương trình, SGK mới, tiến độ triển khai đề án cũng chậm.
Một nguyên nhân nữa mà GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra là do các trường Sư phạm hầu như không thay đổi chương trình và phương thức đào tạo, vì vậy giáo viên đào tạo ra nhìn chung không đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Thậm chí, điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng chương trình giáo dục ngay từ đầu. Ví dụ, yêu cầu tích hợp các môn học đã được đặt ra từ khi bắt tay xây dựng chương trình 2002 nhưng vì giáo sinh ở trường Sư phạm được đào tạo theo từng môn học nên chỉ có thể thực hiện dạy học tích hợp đối với môn Ngữ Văn.
Hồng Hạnh