Đề Toán Khối D: Học sinh có lực học trung bình dễ dàng được điểm 5

(Dân trí) - Nhận định về đề thi môn Toán khối D, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: Đề sát với cấu trúc, kiến thức cơ bản, nằm trong chương trình. Đề Toán khối D không có câu lạ, các câu hỏi quen thuộc.

Đề có 1 câu phân hóa rõ ràng và khoảng 2 câu có sự phân hóa nhẹ nhàng. Đề cũng không đòi hỏi tính toán phức tạp và dễ hơn đề khối D năm trước khá nhiều. Điểm đại trà sẽ được nâng lên. Học sinh có lực học trung bình có thể được 5 điểm, khá giỏi có thể được 7, 8. Học sinh có kiến thức vững, kĩ năng tính toán tốt có thể được 9 điểm. Điểm 10 vẫn ít vì câu 6 phân hóa rõ ràng, khó với hầu hết học sinh.
 
Thí sinh cùng xem lại cách giải môn Toán khối D.
Thí sinh cùng xem lại cách giải môn Toán khối D. (Ảnh: Huỳnh Hải).

Cụ thể:

Câu 1:

a) Là câu khảo sát hàm số bậc 3 quen thuộc, là câu dễ nhất. Hầu hết học sinh có thể làm được. Câu này giống dạng của đề khối A.

b) Câu hỏi về sự tương giao đơn thuần, tương đương đề tốt nghiệp. Năm nay câu hỏi phụ phần hàm số dễ và ngắn hơn hẳn so với mọi năm. Học sinh không cẩn thận có thể thiếu điều kiện 2 nghiệm phân biệt khác 0

Câu 2: Giải phương trình lượng giác bằng việc sử dụng công thức nhân ba: sin3x hoặc công thức biến đổi tổng thành tích. Đây là câu đơn giản nhất của đề. Học sinh thuộc công thức chỉ cần 3 phút là dành được 1 điểm.

Câu 3: Giải phương trình logarit bằng cách đưa về cùng cơ số. Có phức tạp ở đoạn đặt điều kiện và kết hợp điều kiện song đơn giản hơn câu 3 của đề khối A rất nhiều.

Câu 4: Câu tích phân phân thức thuộc loại dễ, quen thuộc. Học sinh chỉ cần rút gọn rồi đặt x = tant. Học sinh có thể kiểm tra đáp số bằng cách sử dụng máy tính.

Câu 5: Câu hình chóp có cạnh bên vuông góc so với đáy. Phần tính thể tích đơn giản, không mấy khó khăn song phần tính khoảng cách có thể số học sinh bị vướng do chưa tìm được chân đường vuông góc. Tuy nhiên nếu tính khoảng cách bằng cách chuyển về chân đường cao A thì sẽ dễ dựng hơn. Phân thể tích cũng là một gợi ý cho phần dựng khoảng cách.

Câu 6: Là câu phân hóa, khó nhất của đề, có thể dùng phương pháp thể, rút 1 ẩn rồi đánh giá bằng phương pháp hàm số.

Phần riêng: Chuẩn

Câu 7a:

Đây là câu phân hóa thứ 2 của đề. Tuy nhiên, học sinh chỉ cần vẽ hình đúng có thể tìm được phương pháp bằng cách viết phương trình AB rồi sử dụng HB vuông góc với HA để tìm tọa độ A từ đó tìm được tọa độ C. Bởi vậy câu phân hóa này ở mức độ vừa phải.

Câu 8a:

Là bài toán tìm hình chiếu và lập phương trình mặt phẳng đơn gản. Câu này cũng tương đương câu hỏi trong đề thi Tốt nghiệp.

Câu 9a:

Câu sử dụng các phép toán cộng, trừ, nhân chia số phức. Câu này quen với hầu hết học sinh. Tuy nhiên nếu học sinh đặt z = a + bi thì bài làm sẽ rắc rối và dài. Học sinh cũng có thể dùng máy tính để kiểm tra các kết quả.

Phần riêng: Nâng cao

Câu 7b:

Câu phân hóa thứ 2 của đề. Khó hơn câu 7a. Câu hỏi liên quan đường tròn và đường thẳng. Học sinh cần dựa và tính chất trung điểm và tính chất của trực tâm.

Câu 8b:

Học sinh chỉ cần sử dụng công thức khoảng cách điểm đến mặt phẳng và lập phương trình mặt phẳng đơn giản. Giống như câu Câu 8a , câu này cũng rất dễ, tương đương câu hỏi thi Tốt nghiệp.

Câu 9b:

Hàm số bậc 2/ bậc 1 có vẻ dành cho học sinh học theo chương trình Nâng cao song câu hỏi tìm max, min trên một đoạn thì đơn giản và cách làm không phụ thuộc vào tính chất của hàm số trên, bởi vậy đa số học sinh sẽ làm được.

Phần Nâng cao có câu 7b khó hơn hẳn so với 7a nên nhiều học sinh sẽ chọn Phần Chuẩn để làm. Việc phân 2 phần như thế không hay vì không khác nhau về nội dung gắn với chương trình học sinh được học mà chỉ khác nhau về mức độ khó, dễ.

Đề khối D ít sự bất thường, các câu hỏi đều quen thuộc, không quá phức tạp. Đề phân hóa vừa phải nên lợi thế nghiêng về các học sinh có kĩ năng tính toán tốt. Như đề thi năm nay thì Bộ Giáo dục đang nghiêng về hướng ra đề cơ bản và đơn giản hơn. Phần phân hóa vẫn có, vẫn có thể khó song khoảng 7 hoặc 8 ý còn lại thì thật sự dễ và ngắn. Các em lớp dưới nên lưu ý điều này để có cách học chắc, hiểu kĩ nội dung cơ bản và rèn luyện kĩ năng làm toán cho tốt.

“Tôi dự đoán điểm chuẩn năm nay có thể nhích lên một chút” -  thầy giáo Trần Mạnh Tùng cho hay.  

Hồng Hạnh (ghi)