Đề thi Văn: “Hay” nhưng chưa có sự “ăn khớp" giữa học và thi
(Dân trí) - Liên quan đến đề thi Ngữ văn THPT quốc gia mà các thí sinh vừa hoàn tất sáng nay, theo nhận định của nhà giáo Trần Hinh – giảng viên khoa Ngữ Văn – ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội: "cuối cùng chúng ta cũng đã có một đề thi Văn “vừa lòng” được rất nhiều người nhưng lại đặt ra nhiều điều suy nghĩ..."
Theo nhà giáo Trần Hinh, sau rất nhiều lo lắng và nỗ lực, cuối cùng chúng ta cũng đã có một đề thi Văn “vừa lòng” được rất nhiều người. Nhiều ý kiến phát biểu sau kì thi (của cả các thí sinh và các thầy cô giáo) đều thống nhất với nhau rằng “đề hay, nội dung kiến thức và kĩ năng trong đề phù hợp với tâm thế của học trò”; “ đề thi đã cập nhật những yêu cầu của cuộc sống và lịch sử-xã hội…”; tóm lại “đề có khả năng phân loại”. Nhưng bảo rằng có cần phải suy nghĩ gì không? Bản thân tôi xin khẳng định rằng, hay thì hay thật nhưng vẫn đặt ra cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ…
Từng nhiều năm theo dõi đề thi môn Văn, và cũng từng có năm tham gia làm đề thi, tôi biết đây là một công việc rất khó khăn, vì nó “đụng chạm” đến nhiều người, chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể sẽ gây những phản ứng to lớn.
Nhà giáo Trần Hinh đã đưa ra những góc nhìn đáng suy ngẫm về đề thi môn văn THPT 2015
Cuối cùng thì chúng ta cũng đã có được một kì thi an toàn, đáp ứng được mong mỏi của xã hội và đặc biệt của những người có trách nhiệm trong Bộ GDĐT, ít nhất là đến thời điểm hôm nay.
Nhưng bảo rằng, một đề thi môn Văn cuối cấp trung học như thế đã hay thật và trúng chưa? Tất cả các thầy cô dạy Văn và học sinh đã hài lòng chưa? Và cuối cùng, một đề thi môn văn như thế liệu có chọn được đúng học sinh “chuẩn văn” hay chưa, thì theo tôi vẫn còn có những điểm cần nên trao đổi.
Tôi biết vào thời điểm trước kì thi này, Bộ GDĐT đã công bố rộng rãi đề thi mẫu và đã nhận được được nhiều ý kiến phản hồi, có ý kiến ủng hộ, có ý kiến phản đối, Bộ cuối cùng (không thể khác) vẫn quyết và hứa có ít nhiều điều chỉnh cho phù hợp.
Nhưng chừng ấy điều chỉnh với một cải cách quá lớn xung quanh đề thi liệu đã hợp lí chưa, dựa vào đề thi cụ thể của năm nay, tôi muốn xin được góp thêm vài ý kiến. Dù sao thì cuộc cách mạng thi cử của chúng ta vẫn cứ còn dài dài. Bộ nên kêu gọi các thầy cô giáo hãy lên tiếng. Theo tôi như thế sẽ rất tốt.
Bản thân tôi xin được phép nói thẳng đôi diều suy nghĩ cá nhân về cấu trúc đề thi và cụ thể đề môn Văn năm nay như sau:
Thứ nhất, về cấu trúc, đề thi năm nay so với đề các năm trước, tưởng như chỉ có một thay đổi nhỏ (câu đọc hiểu), nhưng thực ra nó đã có thay đổi lớn.
Đó là thay đổi với khâu chấm điểm. Từ chỗ đề thi cũ (cũng 3 câu) chỉ có 3 thành phần điểm, nhưng nay với đề thi mới, trong quá trình chấm với mỗi bài thi các thầy cô sẽ phải cộng tất cả 10 thành phần điểm (khả năng trên tờ phiếu chấm sẽ còn nhiều hơn).
Chúng ta hãy tưởng tượng, một bài chấm văn mà có tới 10 thành phần điểm thì có khác gì một bài chấm toán không? Vấn đề tính toàn vẹn của một bài văn liệu có còn không? Kiểu chấm Văn cấp 3 như thế này thì đâu có khác nhiều với việc chấm văn ở cấp trung học cơ sở? Vậy thì tính nâng cao trong việc dạy và học Văn của học sinh từ cấp Tiểu học đến Trung học cơ sở và Trung học phổ thông được thể hiện ở điểm nào? Quả thật, nếu xét ở riêng góc độ triết lí giáo dục, tôi thấy vẫn chưa có sự “ăn khớp" giữa học và thi, nếu căn cứ vào đề thi Văn năm nay.
Thứ hai, trong khi quá đề cao văn chương phải gắn nhiều hơn với cuộc sống (tôi không phản đối điều này, nhưng đừng biến học sinh thành những nhà “chính trị học” hay “xã hội học”), bằng cứ là cách đây khoảng dăm bảy năm, đề thi Văn đã đưa thêm vào câu hỏi nghị luận xã hội (mà chúng ta quen gọi là câu hỏi mở). Năm nay đề thi còn “mở rộng hơn”.
Cụ thể, có thể thấy gần như có tới 60% câu hỏi đề thi (câu đọc hiểu và nghị luận xã hội) đều hoặc là “mở theo hướng cuộc sống (vấn đề Hoàng Sa, trường Sa; vấn đề vô cảm, bạo lực, thiện ác; vấn đề kĩ năng, kiến thức trong cuộc sống, tôi có cảm giác đề thi như “một nồi lẩu”)… Mặc dù xen kẽ trong câu hỏi đọc hiểu, đề thi vẫn gắn với kĩ năng và kiến thức văn chương, nhưng theo tôi, nó thực sự “tủn mủn”, “vụn vặt”, đó chỉ là những vấn đề của cấp 2; nó vẫn kiểm tra người ta theo kiểu tính “đốt ngón tay”; một học sinh cấp 3 cần phải được kiểm tra kiến thức văn học ở cấp độ khái quát, ở khả năng cảm thụ và diễn đạt văn chương theo hướng tổng hợp hơn (chẳng hạn phân tích và so sánh hai vấn đề, hai đoạn thơ, hai tác phẩm, tất nhiên phải bớt đi những câu hỏi vụ vặt).
Chúng ta hãy nhớ lại rằng cách đây khoảng vài chục năm, một đề thi văn dài nhất là 2 câu, xa hơn nữa, khoảng 30 năm, chỉ 1 câu, và gần đây tôi thấy người ta cho biết tại Pháp, Trung Quốc, đề thi chủ yếu cũng chỉ có 1 câu. Một bài văn dài lắm cũng chỉ nên 4 đến 5 trang. Chỉ như thế khi chấm, người thầy mới chọn ra được những học sinh có năng lực thực sự (chứ đọc một bài văn dài tới hàng chục trang, dù người thầy có minh mẫn đến mấy, vẫn không thể đảm bảo là chấm chính xác được)
Cuối cùng, trong khi tiến dần tới một kì thi đích thực, tránh việc “học gì thi nấy”, giờ chúng ta lại lệch hẳn sang một hướng cực đoan khác “học một đằng, thi một nẻo” (đề thi năm nay chỉ có duy nhất câu hỏi 4 điểm về “Chiếc thuyền ngoài xa” là thuộc chương trình học). Điều này sẽ thực sự gây khó khó khăn cho cả người dạy và người học những năm sau này. Qua việc rút kinh nghiệm kì thi năm nay, các năm tới đây, học sinh sẽ học ra sao? Rồi thầy cô giáo nữa? họ sẽ dạy cho học sinh mình trong hay ngoài chương trình? Quả là rất khó tìm ra được một lời giải đáp chính xác.
Tôi nghĩ, rồi sắp tới đây, với kiểu thi “ngoài chương trình” này, sẽ lại có những thầy cô tìm cách “mở lò luyện” mới đáp ứng nhu cầu xã hội (trong khi chúng ta đang muốn dẹp hẳn lò luyện thi). Và cuộc cách mạng giáo dục mà chúng ta nói đến rất nhiều thời gian vừa qua lại vẫn cứ trong một “vòng luẩn quẩn” theo đúng kiểu kết thúc của tác phẩm Chí Phèo. Tôi nghĩ, chắc các thầy cô dạy văn không muốn thế!
Lê Tú (ghi)