Đề thi tham khảo môn Địa lí: Nâng số lượng câu hỏi thực hành kỹ năng
(Dân trí) - Nhận xét về đề thi thử nghiệm môn Địa lí, các giáo viên cho rằng, đề thi đã hạn chế tối đa việc yêu cầu, sử dụng các số liệu và tránh những những nội dung không còn phù hợp giữa sách giáo khoa và thực tiễn.
Cô giáo Nguyễn Lệ Phương, giáo viên Trường THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội: Đề thi đảm bảo yêu cầu, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH,CĐ
Về nội dung, đề thi tham khảo môn Địa lí đã đảm bảo việc kiểm tra đánh giá kiến thức của học sinh theo đặc thù môn Địa lí với hai phần kiến thức lí thuyết (25 câu) và kiến thức thực hành 15 câu (với các kĩ năng đọc, hiểu át lát và kĩ năng nhận xét bảng số liệu, biểu đồ)
Đề thi đảm bảo yêu cầu, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT (ở phần kiến thức nhận biết, thông hiểu) và phục vụ cho việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2018.
Để tránh sự lạc hậu từ việc cập nhật các thông tin mới nhất về kinh tế, xã hội và những biến động về kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, đề thi đã hạn chế tối đa việc yêu cầu, sử dụng các số liệu và tránh những những nội dung không còn phù hợp giữa sách giáo khoa và thực tiễn.
So với đề thi năm 2017, phần thực hành các kĩ năng Địa lí đã nâng lên số lượng câu hỏi (15 câu). Cấu trúc nội dung các phần thực hành không thay đổi gồm: Kĩ năng đọc át lát Địa lí Việt Nam, kĩ năng xử lí, tính toán số liệu, nhận xét bảng số liệu và biểu đồ.
Các loại biểu đồ đưa vào đề thi, đảm bảo sự đa dạng (biểu đồ miền, kết hợp, cột, đường) giúp học sinh không nhàm chán trong việc quan sát và nhận xét.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Năng, Giáo viên Trường THPT Thuận Thành, Bắc Ninh: Không có câu hỏi nào nằm trong chương trình nâng cao
Các câu hỏi của đề thi tham khảo đều nằm trong chương trình Địa lí lớp 11 và lớp 12. Nội dung đề thi đều nằm trong chương trình, không có câu hỏi nào nằm trong phần giảm tải. Không có câu hỏi nào chỉ nằm trong chương trình nâng cao.
Phần lí thuyết có 25 câu (chiếm 62,5 %), phần thực hành về biểu đồ, bảng số liệu và Atlat có 15 câu (chiếm 37,5 %). Các câu hỏi phần biểu đồ cách hỏi được đa dạng hóa: xác định nội dung, nhận xét và xác định dạng biểu đồ. Các câu hỏi Atlat cũng trải rộng khắp các trang: Atlat hành chính, tự nhiên, dân cư đến các trang Atlat kinh tế. Bảng số liệu có đầy đủ cả số liệu về Việt Nam (chương trình lớp 12) và số liệu của thế giới (chương trình lớp 11).
Các câu hỏi được diễn đạt ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng. Các biểu đồ, bảng số liệu được trình bày khoa học, dễ đọc. Các bảng số liệu và biểu đồ đều sử dụng các số liệu cập nhật theo Niên giám thống kê Việt Nam 2016, do NXB Thống kê phát hành năm 2017 và được trích nguồn rõ ràng.
Đề thi đảm bảo có các câu hỏi từ khó đến dễ, tương ứng với các cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.
Thầy giáo Trần Văn Thành, Trường THPT Nam Phù Cừ, Hưng Yên: Đề thi việc ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, tăng hứng thú đối với người học.
Các câu hỏi liên quan đến sử dụng biểu đồ và bảng số liệu ở đề tham khảo môn Địa lí kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đa dạng và nâng cao hơn so với đề chính thức năm 2017. Theo đó có 2 câu thuộc chương trình Địa lí lớp 11 (1 câu nhận xét bảng số liệu - câu 60, 1 câu đặt tên biểu đồ - câu 68,). Chương trình Địa lí lớp 12 có các câu: câu 56 (nhận xét bảng số liệu); câu 58 (nhận xét biểu đồ), câu 80 (lựa chọn biểu đồ thích hợp nhất).
Các số liệu sử dụng trong đề thi chính xác, được lấy từ Niên giám thống kê Việt Nam 2016, do NXB Thống kê phát hành năm 2017. Tất cả các biểu đồ và bảng số liệu đều có ghi nguồn gốc của số liệu. Điều này đã tăng tính chính xác của các số liệu và tạo ra sự thống nhất cho cả đề thi.
So với đề thi năm 2017, đề thi tham khảo năm 2018 tăng tỉ lệ các câu hỏi liên quan đến rèn luyện kĩ năng cho học sinh (từ 25% lên 37,5%), giảm các câu hỏi lý thuyết. Điều này sẽ tăng cường việc rèn luyện các kĩ năng Địa lí cho học sinh, tránh việc ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, tăng hứng thú đối với người học.
Dũng Thu