Đề thi đại học đợt 2: Học thuộc lòng sẽ bị điểm kém!

(Dân trí) -Nói về đề thi đại học đợt 2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Đề thi có tính phân loại cao, không đánh đố, tăng cường kiểm tra kiến thức thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc”.

Ngày mai 8/7, thí sinh thi đại học đợt 2 sẽ đến trường làm thủ tục. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thi đại học đợt 2 này, cả nước có 749.730 hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi ở 139 trường tổ chức thi với rất nhiều khối bao gồm B, C, D và các khối năng khiếu.

Nói về đề thi đại học đợt 2 này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Đề thi của đợt 2 sẽ tiếp cận hướng ra đề của đợt 1 cũng như đề thi ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hướng ra đề vẫn là để kiểm tra năng lực. Đề thi có tính phân loại cao, không đánh đố, tăng cường kiểm tra kiến thức thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc. Do đó việc mang tài liệu vào phòng thi vừa phạm quy bị xử lý nặng, vừa không hỗ trợ được gì trong việc làm bài với đề thi kiểu mới”.

Để đạt điểm cao trong bài thi, thí sinh phải đọc kỹ đề.

Để đạt điểm cao trong bài thi, thí sinh phải đọc kỹ đề.

Thí sinh có thể có ý kiến “phản biện” trong bài thi

Chia sẻ về cách làm bài thi đại học môn văn phần nghị luận, thầy Trần Hinh, Khoa Văn học, cho biết:Với bài nghị luận xã hội, năng lực dễ nhận thấy ở học sinh là họ thường viết không sai, chứng tỏ học sinh bây giờ đã hiểu biết hơn rất nhiều. Nhưng tôi vẫn tiếc một điều, là tuy học sinh viết không sai, nhưng bài làm của họ thường quá lệ thuộc vào sách vở, hô khẩu hiệu, nói giống nhau, chứ ít có những đột phá.

Đột phá có nghĩa là học sinh phải thể hiện được những suy nghĩ sắc sảo của mình, phải có những suy nghĩ táo bạo, thậm chí “phản biện”. Trong khi đó, đáp án chấm câu hỏi này, bao giờ cũng có ghi chú, học sinh có thể viết không giống đáp án, có thể viết theo suy nghĩ riêng của mình, không giống người khác, thậm chí có thể phản biện lại, nếu thuyết phục vẫn đạt điểm tối đa. Trong hướng dẫn chấm môn thi Ngữ văn của bài thi tuyển sinh đại học ở câu này của Bộ GD-ĐT vẫn có lưu ý rằng có thể chấm điểm với những bài làm có ý trả lời khác với đáp án nếu mà thuyết phục”.

Đối với môn sử, Tiến sĩ Trần Viết Nghĩa, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH QGHN) lưu ý với các thí sinh khi làm bài: “Khi trình bày bài chữ viết cần viết rõ ràng, bài viết sạch đẹp. Trước khi viết phần trả lời cho từng câu hỏi, em nên viết ra giấy nháp những ý chính, ý nhỏ cho từng câu hỏi để đảm bảo đủ ý. Các em nên lựa chọn những câu hỏi dễ làm trước, khó làm sau; câu hỏi có nội dung cụ thể trước, tổng hợp sau.

Với những câu hỏi tổng hợp em cần lựa chọn những nội dung tiêu biểu, sự kiện tiêu biểu và có tính khái quát cao, tránh sa đà vào mô tả chi tiết. Còn những câu lựa chọn những sự kiện tiêu biểu em nên lựa chọn những sự kiện lớn có ảnh hưởng đến chung cuộc không nên lựa chọn những sự kiện nhỏ không mang tính tiêu biểu”.

Chia sẻ về cách làm bài thi tốt đạt điểm cao môn Địa lý năm nay, PGS.TS Đinh Văn Thanh (Giảng viên Khoa Địa lí, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN) cho biết: “Khi làm bài Địa lí muốn đạt điểm cao, thí sinh cần phải chú ý nhớ và hiểu kĩ phần lí thuyết, biết cách nhận biết vấn đề cùng với kĩ năng làm phần thực hành chính xác. Trình bày bài làm phải đủ câu, đủ ý. Mỗi ý cần ngắn gọn và xúc tích, có dẫn chứng số liệu kèm theo.

Các thí sinh nên trình bày mỗi ý theo cách gạch đầu dòng để tránh bị sót ý và các thầy cô khi chấm bài cũng dễ đánh giá hơn. Thí sinh phải vẽ biểu đồ phải rõ ràng, chính xác vì nếu vẽ biểu đồ sai thì phần nhận xét, giải thích cũng sẽ sai theo. Thông thường, mỗi bài thi trong các kì thi đại học sẽ dài khoảng từ 8 đến 10 trang là hợp lí”.

Về câu thực hành trong đề, thầy Thanh cho rằng, để làm tốt câu thực hành thí sinh cần phải có kiến thức về kĩ năng tính toán nhanh, chính xác, nhất là tính cơ cấu quy ra phần trăm, tính quy mô, tính bán kính vòng tròn…Nắm bắt được mối quan hệ logic giữa các thành phần theo yêu cầu của đề bài như tổng số dân thì sẽ gồm dân thành thị cộng với dân nông thôn, diện tích lúa cả năm sẽ bằng diện tích lúa mùa cộng với diện tích lúa đông xuân và diện tích lúa hè thu,…

Đặc biệt, cần nhớ kĩ “cách nhận biết” khi vẽ từng dạng biểu đồ dựa vào cách hỏi và các số liệu đã cho của đề bài. Ví dụ: Đề bài hỏi vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện quy mô, cơ cấu thì chắc chắn là biểu đồ hình tròn; nhưng đề bài lại hỏi vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện sự thay đổi cơ cấu thì chắc chắn đó là biểu đồ miền,…Khi viết nhận xét, giải thích biểu đồ để được điểm cao tuyệt đối thì ngoài các kiến thức phân tích biểu đồ, dựa vào số liệu của đề bài thì cần có thêm kiến thức hiểu biết khác về thực tiễn xã hội có liên quan.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm