1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Để thể dục không còn là môn phụ

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, các trường phổ thông cần thay đổi cách dạy và học thể dục hiện nay để xóa bỏ ý niệm "môn phụ" ở hoạt động giáo dục này.

Giáo viên giáo dục thể chất "đau đầu" mỗi kỳ đánh giá học sinh

Thầy N.V.S., giáo viên giáo dục thể chất tại một trường tiểu học, tâm sự: "Cứ đến đợt đánh giá định kỳ, tôi lại muốn nghỉ việc".

Thầy S. cho hay, đánh giá học sinh của giáo viên dạy thể dục hiếm khi khách quan do luôn bị tác động bởi giáo viên chủ nhiệm. Đôi khi, sự tác động còn đến từ phụ huynh học sinh.

"Tôi thường xuyên bị giáo viên chủ nhiệm đề nghị nâng kết quả cho học sinh từ mức hoàn thành lên hoàn thành tốt chỉ vì em đó rất giỏi ở các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Hoặc đôi khi vì lớp đang thiếu chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc. Có lúc, tôi nhận trực tiếp cuộc gọi từ phụ huynh xin nâng kết quả cho con vì con cần một học bạ đẹp để nộp hồ sơ vào trường điểm.

Nếu từ chối, đồng nghiệp và phụ huynh đều nghĩ mình gây khó dễ. Bởi họ cho rằng, chỉ là môn thể dục thôi, muốn đánh giá thế nào mà chẳng được. Thậm chí, họ còn nghĩ mình có "thù" gì với học sinh nên mới không cho "hoàn thành tốt".

Nếu đồng ý, tôi thấy nghề của mình rẻ rúng. Học sinh của mình cũng không còn ý thức học tập, rèn luyện nữa vì các con tưởng các con đã làm rất tốt rồi", thầy S. chia sẻ.

Để thể dục không còn là môn phụ - 1

Một giờ học bóng đá của học sinh tại Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Hơn 10 năm dạy học, thầy S. cho hay ý niệm môn chính, môn phụ chủ yếu đến từ phụ huynh. Thầy S. từng nhận tin nhắn của phụ huynh xin cho con không tham gia các tiết học thể dục ngoài trời với lý do "bác sĩ khuyên". Khi thầy yêu cầu cung cấp kết quả khám bệnh, gia đình nói bác sĩ chỉ tư vấn chứ không ghi trong sổ khám. 

Thầy S. trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về trường hợp này thì mới biết học sinh đó là người mẫu nhí. Bố mẹ không muốn cho con ra nắng vì sợ hỏng da. 

"Nhiều phụ huynh hiện nay rất tiến bộ, tìm mọi cách thúc đẩy con hoạt động thể chất. Song một bộ phận không nhỏ phụ huynh vẫn đặt hoạt động thể chất xuống sau cùng, chỉ làm khi có thời gian trống giữa các ca học thêm triền miên. 

Bên cạnh đó, một số phụ huynh chú trọng phát triển thể chất cho con như cho con đi học bóng rổ, học bơi song lại không coi trọng môn giáo dục thể chất ở trường với tâm lý đây chỉ là môn phụ, dù học thế nào thì kết quả vẫn là "hoàn thành tốt". Điều này dẫn tới việc học sinh thiếu nghiêm túc trong giờ học, không tuân thủ kỷ luật", thầy S. nói.

Muốn con trẻ phát triển toàn diện, hãy giúp trẻ học giỏi thể dục

Qua quan sát hàng ngàn học sinh trong nhiều năm công tác, thầy S. khẳng định, các học sinh có sự hứng thú cao trong giờ giáo dục thể chất, thể hiện khả năng chơi thể thao nổi trội, đều có kết quả học tập tốt ở các môn học khác. 

"Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trẻ được vận động nhiều, thường xuyên chơi thể thao có sức khỏe tinh thần tốt hơn, khả năng tập trung cao hơn, ý chí mạnh mẽ hơn. Nhờ đó, trẻ sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ học tập khác. 

Do đó, tôi mong muốn các gia đình và cả nhà trường hỗ trợ cho học sinh học tốt thể dục", thầy S. nêu quan điểm.

Thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc) - cũng cho rằng, phụ huynh cần khuyến khích và tạo điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động thể chất. 

Để thể dục không còn là môn phụ - 2

Học sinh Trường tiểu học Hội Hợp B Vĩnh Phúc trong giờ thể dục (Ảnh: Trường Hội Hợp B).

"Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, con trẻ bị thu hút vào các thiết bị công nghệ và mạng xã hội. Cách tốt nhất để cha mẹ có thể "cai nghiện" truyền thông cho con là lôi kéo con vào các hoạt động thể chất. Muốn vậy cha mẹ phải dành thời gian cho con, vận động cùng con", thầy Mạnh chia sẻ.

Về phía nhà trường, giáo viên, thầy Mạnh cho rằng cần sự nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của môn giáo dục thể chất và hành động hướng về các con, làm tốt nhất với những gì đang có thay vì chờ đợi sự thay đổi của chính sách hay sự nâng cấp của cơ sở vật chất.

"Học sinh không thể chờ nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất rồi mới học thể dục. Thời gian vàng phát triển cơ xương của các con rất ngắn ngủi. Các trường học có thể tùy vào điều kiện hoàn cảnh để tạo ra sân chơi thể chất phù hợp. Ví dụ, chỉ cần một phòng học 40-50m2 cũng có thể bố trí cho các con học khiêu vũ, yoga, thể dục nhịp điệu… Không gian như thế trường nào cũng có thể đáp ứng được", thầy Mạnh nói.

Thầy Bùi Văn Tú - giáo viên giáo dục thể chất Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn - chia sẻ thêm, để giờ học giáo dục thể chất hiệu quả, việc thiết kế chương trình và nội dung giảng dạy rất quan trọng. Ở khía cạnh này, giáo viên phụ trách bộ môn cần yêu nghề, sáng tạo, không ngừng phát triển chuyên môn. Đồng thời, nhà trường cần tạo điều kiện cho giáo viên triển khai các ý tưởng mới mẻ, hiệu quả. 

"Ngoài việc dạy, giáo viên nên tổ chức trò chơi và đa dạng hóa các môn thể thao tự chọn để giúp các con hứng thú hơn với giờ học. 

Tôi cũng mong các nhà trường dành sự quan tâm nhiều hơn về tinh thần và vật chất cho thầy và trò trong công tác ôn luyện và thi đấu các giải thể thao. Bởi chính các hoạt động thể thao phong trào sẽ góp phần quan trọng tạo nên sự hứng khởi với hoạt động thể chất của học sinh toàn trường", thầy Tú nêu ý kiến.

Cần cơ chế mở trong chính sách tuyển dụng giáo viên giáo dục thể chất

Thầy Đào Chí Mạnh cho biết, chính sách tuyển dụng giáo viên giáo dục thể chất hiện nay khiến nhiều sinh viên ngành sư phạm giáo dục thể chất ra trường không có việc làm trong khi các trường không tuyển được nhân sự. 

Thầy Mạnh nêu dẫn chứng ở địa phương ông, chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên giáo dục thể chất là 10 người, số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển 20-30 người nhưng trúng tuyển chỉ 1-2 người. Lý do nằm ở điều kiện tuyển dụng, yêu cầu giáo viên cần đạt tiêu chí về tiếng Anh và tin học. 

Thầy Mạnh cho rằng, nên xem xét lại điều kiện tuyển dụng để không lãng phí nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về giáo dục thể chất này. Các địa phương cần một cơ chế mở để tuyển dụng được nhân sự, đồng thời nâng cao chất lượng chuyên môn nhà giáo giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông hiện nay.