Đề tham khảo môn Hóa học vào 10 Hà Nội: Bao phủ kiến thức lớp 8 và lớp 9

(Dân trí) - “Đề thi tham khảo vào lớp 10 tại Hà Nội vừa công bố bao quát cả kiến thức lớp 8 và lớp 9. Đề thi không khó và đánh đố nhưng cũng yêu cầu nắm chắc bản chất kiến thức. Đặc biệt, để có cả câu hỏi thực tiễn và sơ đồ thí nghiệm yêu cầu học sinh phải liên hệ thực tế, tư duy sâu hơn để làm bài” – Cô Phạm Thúy Ngọc nhận định.

Từ kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 – 2020, học sinh Hà Nội sẽ làm 4 bài thi thay vì 2 bài thi như trước đây. Cụ thể, học sinh sẽ làm 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thứ 4 được sở Giáo dục Hà Nội lựa chọn từ các môn: Hóa học, Vật lí, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân; công bố vào tháng 3/2019. Vừa qua, sở Giáo dục Hà Nội đã công bố đề thi minh họa để học sinh, phụ huynh và giáo viên có định hướng ôn tập tốt nhất.

Theo cô Phạm Thúy Ngọc – Phó hiệu trưởng trường THCS Trung Tú (Hà Nội), giáo viên Hóa học tại HOCMAI phân tích: Với đề thi môn Hóa học, đề gồm 40 câu trắc nghiệm lựa chọn 1 đáp án đúng nhất trong 4 đáp án, thời gian làm bài 60 phút, trung bình mỗi câu học sinh có 1,5 phút làm bài.

Đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa, không có câu hỏi vận dụng cao. Có tới 70% câu hỏi lý thuyết (28 câu), 12 câu hỏi về bài tập. Đặc biệt, đề thi bao quát kiến thức của lớp 8 và lớp 9, trong đó chủ yếu là lớp 9, nhưng với dạng thức câu hỏi trắc nghiệm, số lượng câu nhiều, bao quát mọi vấn chuyên đề kiến thức thì học sinh vẫn cần nắm vững cả kiến thức lớp 8 và lớp 9.

Đề tham khảo môn Hóa học vào 10 Hà Nội: Bao phủ kiến thức lớp 8 và lớp 9 - 1

Với đề thi này, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nhớ và hiểu bản chất của Hóa học là có thể làm tốt được bài thi. Trong đề cũng có xuất hiện 1 câu hỏi thực tiễn là câu 14 nhưng chỉ ở mức độ nhận biết và đã có nhắc đến trong sách giáo khoa nên không khó để giành điểm.

Câu khó là câu hỏi về sơ đồ thí nghiệm, yêu cầu học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phải tư duy sâu để làm bài – Cô Phạm Thúy Ngọc nhận định.

Chia sẻ cảm nhận về đề thi Hóa học mà sở GD Hà Nội vừa công bố, bạn Hoàng Anh (Học sinh lớp 9, Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: Đề thi không khó nhưng để làm 40 câu trắc nghiệm trong thời gian 60 phút là dài. Hơn nữa các câu hỏi có mặt ở tất cả các chuyên đề kiến thức từng học khiến em thấy khó khăn khi ôn tập, đặc biệt là phải ôn cùng lúc nhiều môn học. Cùng lo lắng, bạn Nguyễn Hồng (Hoàng Mai) cũng chia sẻ “Em hoang mang trong quá trình sắp xếp thời gian ôn tập cho nhiều môn, đặc biệt là với lượng kiến thức lớn như vậy”.


Cô Phạm Thúy Ngọc (Giữa) - Phó hiệu trưởng trường THCS Trung Tú

Cô Phạm Thúy Ngọc (Giữa) - Phó hiệu trưởng trường THCS Trung Tú

Để giúp học sinh có định hướng và kế hoạch học tập các môn tốt nhất, tránh việc học thêm tràn lan, cô Ngọc đưa ra 3 lời khuyên như sau:

Thứ nhất, học chắc kiến thức ngay từ trên lớp, chú ý nghe giảng, xem bài và làm bài tập trước và sau mỗi tiết học để nhớ, hiểu kiến thức ngay sau mỗi bài học. Điều này nhằm giúp học sinh sắp xếp và tiết kiệm thời gian cho mỗi môn học.

Thứ hai, sử dụng sơ đồ tư duy trong học tập, mỗi bài, mỗi chương học xong, hãy vẽ sơ đồ tư duy để ghi nhớ dễ hơn, tiện tra cứu về sau, tránh việc học trước quên sau.

Thứ ba, rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm, tìm các phương pháp làm bài nhanh, cách nhận biết các dạng bài, phân bổ thời gian cho bài thi trắc nghiệm… Học sinh có thể luyện tập qua các bài tập, bài kiểm tra, đề thi trắc nghiệm Hóa học.

Bên cạnh việc thay đổi cách học của học sinh, giáo viên dạy trên lớp cũng cần thay đổi dần hình thức dạy, hướng dẫn học sinh các phương pháp học phù hợp, chuyển dần bài tập, bài kiểm tra sang trắc nghiệm để giúp học sinh làm quen và rèn luyện cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sắp tới.

Mỹ Hảo

Đáp án tham khảo đề minh họa vào 10 môn Hóa - Hà Nội:

Đề tham khảo môn Hóa học vào 10 Hà Nội: Bao phủ kiến thức lớp 8 và lớp 9 - 3