Đề nghị hoãn thi tốt nghiệp THPT ở những địa phương đang có dịch

Hồng Hạnh

(Dân trí) - "Tình hình dịch bệnh như hiện nay không thể thay đổi nhanh được trong những ngày tới, nên theo tôi Đà Nẵng và các địa phương  đang thực hiện cách ly xã hội hoãn tổ chức thi theo kế hoạch".

Đó là ý kiến của GS.TS Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) và GS.TS Nguyễn Hữu Đức (nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN) về vấn đề thi tốt nghiệp THPT trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Đề nghị hoãn thi tốt nghiệp THPT ở những địa phương đang có dịch - 1

Học sinh Đà Nẵng đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào trường

Còn hơn một tuần nữa là thí sinh bắt đầu dự thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch. Tuy nhiên những ngày qua, dịch Covid-19 đã lây lan lại ở một số địa phương, gây tâm lý lo lắng cho học sinh và phụ huynh.

Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT  nên báo cáo Thủ tướng để có quyết định nhanh chóng, nhằm ổn định tâm lý thí sinh khi mùa thi đã đến gần.

Phóng viên Dân trí đã trao đổi với GS Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) và GS Nguyễn Hữu Đức (nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN) về việc có nên hoãn thi tốt nghiệp THPT ở những vùng có dịch không?

Đà Nẵng không thể tổ chức thi được

Phóng viên: Thưa GS Bùi Văn Ga, từ trong vùng dịch Đà Nẵng, GS có ý kiến gì về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

GS.TS Bùi Văn Ga: Trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Bộ GD&ĐT luôn yêu cầu BCĐ các tỉnh có phương án sẵn sàng ứng  phó với thiên tai, dịch bệnh, trong đó có phương án ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Vì thế, hiện nay các địa phương đều đã có phương án dự phòng để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn.

Tuy nhiên, đối với các địa phương đến ngày thi vẫn đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ như ở Đà Nẵng thì rõ ràng không thể tổ chức thi được vì không thể thực hiện đầy đủ các qui định của qui chế thi trong lúc phải đảm bảo các qui định về phòng chống dịch..

Theo tôi, tình hình dịch bệnh như hiện nay không thể thay đổi nhanh được trong những ngày tới, nên trước hết chúng ta nên thống nhất rằng Đà Nẵng và các địa phương  đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng hoãn tổ chức thi theo kế hoạch.

Đề nghị hoãn thi tốt nghiệp THPT ở những địa phương đang có dịch - 2

GS.TS Bùi Văn Ga nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Phóng viên: Vậy phương án xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH phải như thế nào, thưa GS?

GS.TS Bùi Văn Ga: Những địa phương không có dịch, không phải thực hiện cách ly xã hội theo qui định thì các hoạt động vẫn diễn ra bình thường trong đó có cả hoạt động giáo dục. Vì thế những địa phương này vẫn tổ chức thi bình thường theo kế hoạch nhưng cần triệt để tuân thủ các chỉ đạo mới đây của Bộ GDĐT cũng như của ngành Y tế về đảm bảo an toàn và phòng chống dịch.

Như vậy theo tình hình hiện nay, thí sinh của phần lớn các tỉnh thành phố có thể dự thi, xét tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển vào các trường ĐH theo kế hoạch.

Đối với những thí sinh thuộc vùng đang thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng không thi trong đợt này, Bộ GDĐT có thể tổ chức cho thí sinh thi trong thời gian thích hợp nếu dịch bệnh qua nhanh.

Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, Bộ có thể xem xét áp dụng xét tốt nghiệp đặc cách cho những thí sinh này như là thí sinh gặp sự cố bất khả kháng đã qui định trong qui chế để thí sinh có đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào ĐH.

Đối với các trường ĐH, theo tôi Bộ nên có chỉ đạo về việc xét tuyển những thí sinh ở các địa phương không may rơi vào vùng dịch đợt này để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, đặc biệt đối với những ngành mà trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT.

Đảm bảo an toàn sức khỏe và bảo đảm sự công bằng cho phát triển bền vững

Phóng viên:  Ý kiến của GS Nguyễn Hữu Đức về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Tôi cũng đồng tình với quan điểm của GS Ga, không chỉ riêng gì với Đà Nẵng mà hiện nay đối với cả tỉnh Quảng Nam và một số địa phương khác, nếu rà soát, phát hiện phải giãn cách xã hội thì cũng đề nghị hoãn thi, toàn tỉnh hoặc cục bộ một số điểm thi.

Hơn thế, vấn đề thi tốt nghiệp THPT hay không thi chúng ta đã trao đổi nhiều rồi, bao giờ cũng rất sôi nổi với nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trong điều kiện bình thường. Bây giờ chúng ta không nên bàn nữa.

Không nên sử dụng hoàn cảnh hiện nay để bàn lại một vấn đề đã có chủ trương, của Trung ương và Nghị quyết của Chính phủ. Tránh liên hệ việc này với việc khác một cách chủ quan để làm nóng thêm xã hội. Chúng ta nên tập trung bàn để có giải pháp tổ chức kỳ thi an toàn nhất mà thôi.

Theo đó, đối với địa phương, các vùng chưa phải thực hiện giãn cách xã hội, chưa phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng thì các hoạt động vẫn nên duy trì bình thường, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức theo kế hoạch với lưu ý đặc biệt đến các yếu tố tập trung đông người và phải chủ động phòng ngừa lây nhiễm...

Mặc dù phải đưa vấn đề đảm bảo an toàn sức khỏe lên hàng đầu, nhưng việc đánh giá chất lượng giáo dục và bảo đảm sự công bằng cũng là một yếu tố rất cần thiết cho sự phát triển bền vững. Cho nên chừng nào còn có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp này, chúng ta nên duy trì.

Đây vừa quy định của pháp luật vừa là trách nhiệm và quyền lợi của học sinh. Đồng thời là giải pháp cơ bản, có tính nguyên tắc để thực hiện mục đích đó. Thực tế có rất nhiều học sinh quan tâm kết quả kỳ thi để được vào đại học theo nguyện vọng.

Xem xét đặc cách cho các học sinh chỉ có nguyện vọng có bằng tốt nghiệp THPT

Phóng viên: Đối với các vùng dịch, ngoài việc được hoãn để chờ kỳ thi bổ sung, GS thấy có thể áp dụng thêm giải pháp nào cho đối tượng này không?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Thực tế đã có một số khá đông học sinh chỉ cần chứng nhận học hết chương trình phổ thông đã không tham gia kỳ thi này rồi.

Trong hoàn cảnh của các vùng dịch như hiện nay, theo tôi có thể xem xét áp dụng xét tốt nghiệp đặc cách cho các học sinh chỉ có nguyện vọng có bằng tốt nghiệp THPT, thậm chí cả các đối tượng học sinh đã đủ điều kiện xét tuyển thẳng vào đại học, chỉ còn chờ có bằng tốt nghiệp.

Nếu giới hạn được như thế thì nếu có tổ chức kỳ thi bổ sung qui mô cũng giảm được nhiều.

Phóng viên: GS đề cập đến vấn đề công bằng trong toàn xã hội mà sẽ có thêm kỳ thi dự bị ở địa điểm khác nhau và thời gian khác nhau thì có đảm bảo được công bằng về độ khó dễ của đề thi giữa hai kỳ không, thưa GS?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Một số người đã đặt ra câu hỏi đó. Tuy nhiên, điều này có thể xử lý được bởi vì để xây dựng được đề thi đáp ứng mục đích của kỳ thi thì trước hết người ta thường  có ma trận đề thi.

Từ ma trận đề thi, sử dụng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa để xây dựng được các đề thi khác nhau có tương đồng về độ khó ở mức độ chấp nhận được.

Trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã xây dựng được ngân hàng câu hỏi khá phong phú nên tôi tin là khả thi. Trên thực tế, khi xây dựng đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT thì ngoài đề chính thức thì luôn có thêm đề dự bị đáp ứng các yêu cầu của kỳ thi để sẵn sàng sử dụng khi cần.

Sự mất công bằng còn có thể liên quan đến yếu tố khác như học sinh thi sau được ôn thi nhiều hơn… Nếu có thế thì cũng coi đó là những sự ưu tiên rất nhân văn cho học sinh trong vùng dịch.

Đề nghị hoãn thi tốt nghiệp THPT ở những địa phương đang có dịch - 3

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐH QGHN

Các trường đại học có thể bổ sung chỉ tiêu tuyển thí sinh vùng dịch Covid-19

Phóng viên: Việc tổ chức kỳ thi bổ sung có thể còn ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh đại học. Vậy phải giải quyết thế nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Đức: Các trường đại học đều có cơ sở dữ liệu, có thể phân tích và dự báo số lượng thí sinh trúng tuyển cho từng địa phương. Dựa trên số liệu đó, các trường có thể tuyển sinh và để lại cơ số dự phòng. Mọi chuyện sẽ ổn. Trong trường hợp dự báo không sát, có thể bổ sung chỉ tiêu.

Tuy nhiên, chúng tôi có ý kiến như trên là với dự báo tình hình dịch vẫn diễn biến như hiện nay, chỉ ở một số vùng và nỗ lực chặn dịch của các địa phương sẽ có kết quả trong những ngày tới, tháng tới. Trường hợp có đột biến, chúng ta vẫn còn thời gian để đưa ra quyết định cuối cùng đối với bộ phận phải hoãn thi lần này.

Nhìn xa hơn, chúng ta cũng có thể không loại trừ được khả năng không chỉ năm nay, mà có thể còn nhiều năm sau, chủng covid - 19 này sẽ còn tồn tại và luôn song hành với thế giới chúng ta như một số vi rút khác.

Việc cố gắng tổ chức thành công được kỳ thi tốt nghiệp năm nay, dù có vất vả và tốn kém, nhưng sẽ giúp chuẩn bị được sự thích nghi, đảm bảo cho các hoạt động sản xuất, học tập của chúng ta phát triển liên tục và bền vững trong điều kiện mới.

Xin cảm ơn hai giáo sư!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm