Hải Phòng:

Để “lọt” cán bộ thiếu tiêu chuẩn tham gia in sao đề thi

(Dân trí) - Không phối hợp chặt chẽ dẫn đến việc để “lọt” một nhân viên không đủ tiêu chuẩn vào tham gia công tác in sao đề thi. Mặc dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng một lần cho thấy sự “lỏng lẻo” của Hải Phòng trong việc bảo mật đề thi cấp quốc gia.

Trong buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu sáng nay 2/6, giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Đỗ Thế Hùng giải thích: “Danh sách 17 cán bộ phụ trách công tác in sao đề thi đã được chốt, tuy nhiên vào phút cuối do có một đồng chí có mẹ bị ốm nặng nên xin rút lui. Trước sự thiếu hụtt này, lãnh đạo Sở đã thay thế một đồng chí là giáo viên của một trường THPT. Theo thẩm định của ngành thì đây là một cán bộ có đạo đức tốt và có nhiều kinh nghiệm trong công tác in sao đề thi. Tuy nhiên đến ngày 28/5 thì phòng PA83 - Công an thành phố Hải Phòng gửi công văn thông báo về trường hợp cán bộ này không đủ điều kiện để tham gia công tác in sao đề thi.

Trước thông tin đó Ban chỉ đạo thi đã làm việc với các bên liên quan để tìm hướng giải quyết. Do vào thời điểm đó công tác in sao đã xong, các túi đề thi đã được niêm phong nên để đảm bảo tính bảo mật các bên đã thống nhất tiếp tục cho cán bộ này ở vòng 1, đồng thời có chế độ giám sát nghiêm ngặt.”
 
Để “lọt” cán bộ thiếu tiêu chuẩn tham gia in sao đề thi  - 1

Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Đỗ Thế Hùng giải thích sự việc

Ông Hùng cũng cho biết, trước kì thi Sở GD-ĐT cũng đã làm việc với Công an thành phố Hải Phòng để phối hợp nhằm đảm bảo kì thi an toàn, nghiêm túc. Trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị tham gia.

Theo Thượng tá Vũ Việt Thắng, phó phòng PA83 thì sự phối hợp giữa ngành giáo dục với đơn vị là chưa chặt chẽ. Đáng lẽ ra cần phải gửi danh sách các cán bộ tham gia in sao đề thi để công an thẩm định thì Sở GD-ĐT Hải Phòng lại không thực hiện với lý do danh sách này cần phải được bảo mật.

Bên cạnh đó lỗi sơ suất của giáo dục Hải Phòng là đã không phối hợp với công an để đi khảo sát địa điểm in sao đề để từ đó có phương án bảo vệ an toàn. Ở đây ngành giáo dục chỉ có công văn sang xin một đồng chí PA83 và một đồng chí PC65.

“Mặc dù địa điểm in sao đề so với năm trước không thay đổi nhưng dù sao cũng cần phải khảo sát lại để đảm bảo độ an toàn cao nhất” – ông Thắng chia sẻ.

Cũng theo ông Thắng thì kết quả điều tra cho thấy, nhân viên nhận trọng trách in sao đề được thay thế không phải là một cán bộ viên chức. Cũng không phải là giáo viên biên chế. Đây chỉ là một nhân viên tin học làm hợp đồng với trường được 4 năm và thường có nhiệm vụ quét bài, chấm bài thi bằng máy. Nhân viên này hiện đang học tại chức lớp tin học trường ĐH Hải Phòng. Theo quy định thì nhân viên không đủ tiêu chuẩn để in sao đề thi.

“Việc in sao đề thi phải tuyệt mật. Việc đưa những người không đủ điều kiện vào làm ở khâu này sẽ rất nguy hiểm. Rất may là chưa có vấn đề gì nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận để rút kinh nghiệm ở các kì thi tiếp theo” – thượng tá Thắng nhấn mạnh.

Trước vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Qua báo cáo cho thấy sự phối hợp công an tỉnh và ngành giáo dục còn quá lỏng lẻo. Mặc dù sai sót này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng ngay sau kì thi này hai bên cần phải ngồi lại với nhau để đánh giá lại vấn đề để làm công tác bảo mật đề thi chặt chẽ và an toàn hơn”.
 
Để “lọt” cán bộ thiếu tiêu chuẩn tham gia in sao đề thi  - 2

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu ngành giáo dục Hải Phòng cần phải đánh giá lại vụ việc để rút kinh nghiệm

Sau buổi làm việc, trao đổi với Dân trí thượng tá Vũ Việt Thắng chia sẻ thêm: “Ở đây ngoài yếu tố chủ quan thì ngành giáo dục Hải Phòng cũng cần phải chấp hành quy định về bảo mật đề thi tốt hơn. Cũng từ việc phối hợp không chặt chẽ như thế này mà đề thi tuyển sinh lớp 10 năm 2010 ở Hải Phòng đã lọt ra ngoài trước khi kì thi diễn ra”.

Nguyễn Hùng