Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

"Bộ không sợ sức ép nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp!"

(Dân trí) - Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 kết thúc, chiều 4/6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo về kỳ thi. Nhiều vấn đề liên quan đến các thông tin lộ đề thi, chất lượng đề thi… đã được lãnh đạo Bộ trực tiếp trả lời cho dù chưa thực sự thuyết phục.

Không thể có chuyện lộ đề

Trước tin đồn lộ đề thi ở Thanh Hóa ở ngày thi đầu tiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Không thể có chuyện lộ đề”. Tuy nhiên trước sự trùng lập ngẫu nhiền là vài năm trở lại Thanh Hóa luôn là điểm tung tin lộ đề, báo giới lại một lần nữa đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ.

"Bộ không sợ sức ép nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp!" - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trả lời các câu hỏi của giới báo chí.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh lại: “Năm nào cũng có thông tin lộ đề, nhưng thực tiễn những năm qua cho thấy quy trình làm đề cách ly và có 3 vòng. Từng vòng đều có các đồng chí lực lượng an ninh giám sát nên tôi tin không có chuyện lộ đề. Quy trình này giúp cho việc thực hiện quy chế được tốt hơn đảm bảo bí mật đề thi. Về môn Văn thì dễ có tin đồn hơn bởi có thể dựa vào vấn đề thời sự để đoán đề Văn - năm nào cũng thế và năm nay cũng thế. Tôi khẳng định đến thời điểm nay không có thông tin lộ đề. Nếu để lộ đề thi thì không phải mức độ vi phạm quy chế đơn thuần đâu. Để lộ đề thi là vi phạm pháp luật và xử lí theo pháp luật nên phải có cơ quan điều tra. Bộ GD-ĐT không điều tra được".

Cũng liên quan đến đề thi, sự kiện một cán bộ in sao đề thi ở Hải Phòng không đủ điều kiện tiêu chuẩn cũng được báo giới quan tâm.“Việc phối hợp giữa ngành Công an với ngành giáo dục thuộc trách nhiệm của địa phương. Khi có thông tin ở Hải Phòng bố trí cán bộ in sao đề thi không đúng quy định, chúng tôi đã có làm việc và yêu cầu địa phương đứng ra kiểm điểm” - Thứ trưởng Hiển nói

Sẽ quan tâm đến các trường hợp đặc cách

Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, số thí sinh bị tai nạn giao thông không thể dự thi là 103, số thí sinh ốm không thể dự thi là 1.203 thí sinh. Đây là các trường hợp sẽ được các Sở GD-ĐT cân nhắc trình với Bộ GD-ĐT để cho các em được đặc cách. Ngoài có hai trường hợp đặc biệt đang được địa phương đề xuất đặc cách như thí sinh không thể dự thi vì liên tục bị “nhập đồng”, thí sinh dự thi viết bằng chân.

Chia sẻ với Dân trí về hai trường hợp này, Thứ trưởng Hiển cho biết: “Việc thí sinh có được đặc cách hay không phải tuân thủ theo quy chế thi. Kể cả những thí sinh bị ốm, hay bị tai nạn giao thông không thể dự thi thì cũng phải đáp ứng được các tiêu chí theo quy định mới được đặc cách. Trường hợp thí sinh liên tục bị “nhập đồng” không được liệt vào danh sách các trường hợp được đặc cách, chính vì thế địa phương có đề xuất thì Bộ GD-ĐT cũng sẽ không đồng ý”.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, đối với những em thí sinh khuyết tật dự thi tốt nghiệp thì Bộ cũng có những quy định riêng để ưu tiên. Ví dụ những em không thể viết được thì có thể xét điểm để đặc cách cho các em, còn những em có thể viết được thì vẫn tham gia làm bài thi. Trong giáo dục khuyết tật, Bộ sẽ cố gắng có nhiều giải pháp tốt hơn. Kể cả việc dạy học và kiểm tra đánh giá.

“Bộ đang tăng cường khả năng giáo dục khuyết tật, cũng như giáo dục hòa nhập. Trong đó sẽ có những quy định mới về thi đánh giá đối với những đối tượng này. Bộ đang hoàn thiện những chủ trương này” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Không chịu sức ép nếu tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp!

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đề thi không lấy chuyện dễ hay khó làm chuẩn mà đề thi lấy theo yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng phù hợp với mục tiêu tiêu giáo dục. Đề thi năm nay được thí sinh và giáo viên nhận xét vừa sức với học sinh, có độ phân hóa cao. Theo phản ánh thì với đề thi các môn năm nay nhìn chung với sức học trung bình có thể đạt 5, 6, 7 điểm, còn thí sinh học lực khá, giỏi có thể đạt 8, 9,10 điểm. Với đề thi như vậy, vừa sức học trò cùng là vừa chuẩn: chuẩn kiến thức kỹ năng, chuẩn mục tiêu giáo dục. Năm nay đề thi có tăng phần thông hiểu kiến thức của học sinh và được dư luận đánh giá cao.

“Qua phản ánh kết quả bài làm của thí sinh thì chắc chắn tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm nay sẽ cao. Cá nhân tôi cũng muốn tỷ lệ tốt nghiệp cao nhưng tỷ lệ cao đó phải đi đôi với chất lượng thật. Trong năm học này ngành đã có nhiều chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”.

Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên môn, với việc đề thi ra theo hướng thông hiểu vận dụng kiến thức tăng lên nên tránh được việc gian lận. Chính vì thế phổ điểm của thí sinh ở các môn thi sẽ không cao và dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước có thể giảm xuống. Rất có thể Bộ sẽ chịu một sức ép khá lớn nếu điều này trở thành hiện thực bởi lẽ sau 4 năm thực hiện “hai không”, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước luôn có chiều hướng tăng mạnh.

Trước sự băn khoăn này, Thứ trưởng Hiển chia sẻ: “Nếu tỷ lệ đỗ có thấp, Bộ GD-ĐT cũng sợ sức ép từ phía xã hội. Thông số tỷ lệ đỗ không phản ánh hết chất lượng giáo dục vì nó còn phụ thuộc vào đề dễ hay đề khó, thi cử có nghiêm túc hay không... Mình chỉ cố gắng làm thể nào để học sinh đỗ tốt nghiệp cao, nhưng chất lượng phải thật và thi cử phải nghiêm túc”.

Thứ trưởng Hiển cũng cho biết, Bộ đang xây dựng Thông tư để có đánh giá định kỳ chất lượng giáo dục phổ thông bao gồm cả tiểu học, THCS và THPT. Nội dung này sẽ được triển khai trong năm học tới. Và tới đây nếu Thông tư chưa ban hành thì cũng sẽ có khảo sát đánh giá chất lượng học sinh lớp 11.

Sẽ giao quyền tổ chức thi cho địa phương?

"Kể từ khi tổ chức thi cụm đến nay việc thí sinh, giám thị bị tai giao thông khá phổ biến. Vậy Bộ GD-ĐT có hướng đến việc bỏ thi cụm, giao quyền tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương hay không?" - trả lời câu hỏi mà Dân trí đặt ra, Thứ trưởng Hiển cho hay: “Việc có giao quyền cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm hay không thì Bộ GD-ĐT cũng đang suy nghĩ chưa thể nói ngay được. Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để có những đổi mới thi cử. Đổi mới thi cử phải đồng bộ với đổi mới phương pháp đánh giá dạy và học có kết hợp kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra cuối năm học...”.

Thứ trưởng Hiển cũng cho rằng: “Về vấn đề an toàn giao thông là vấn đề của toàn xã hội chứ không riêng gì ngành giáo dục. Không chỉ thi mới có tai nạn giao thông vì không thi tốt nghiệp vẫn có tai nạn giao thông. Việc hàng năm kì thi tốt nghiệp vẫn còn có thí sinh bị tai nạn giao thông sẽ là vấn đề mà ngành giáo dục đang xem xét để có cải tiến thi cử phù hợp. Vấn đề đổi mới thi còn đang trong quá trình xem xét đề xuất.
 

53 giám thị và thí sinh vi phạm quy chế thi

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay có 45 thí sinh và 8 giám thị vi phạm quy chế thi. Tất cả 45 trường hợp thí sinh vi phạm đều bị đình chỉ thi, không có thí sinh nào bị cảnh cáo. Trong 8 giám thị có người bị đình chỉ công tác coi thi và 4 trường hợp còn lại bị cảnh cáo.

Giải thích về số liệu giám thị vi phạm “lệch” so với báo cáo trước đó, ông Bùi Anh Tuấ n- Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: “Ngày 3/6, trong quá trình báo cáo dữ liệu về Bộ đã có đơn vị nhầm giữa số thí sinh vi phạm và giám thị vi phạm. Quá trình kiểm tra lại phát hiện sai sót này nên báo cáo đã được điều chỉnh” .

Cũng theo ông Tuấn, cả nước có 2 trường hợp thi hộ tốt nghiệp, 1 ở Quảng Ninh và 1 ở Phú Yên. Cả hai trường hợp này đều được giám thị phát hiện kịp thời.

Theo báo cáo của Bộ, một điều dễ thấy ở kì thi tốt nghiệp THPT năm này là số thí sinh vi phạm ở hệ GDTX cao gấp 3,5 lần so với hệ THPT. Số giám thị bị xử lý cũng phần lớn ở hệ GDTX.

 
Nguyễn Hùng