Hà Nội:
Đề khảo sát môn Văn THPT quốc gia: Ít câu hỏi mở, khả năng phân loại chưa cao
(Dân trí) - “Đề thi thử môn Văn THPT quốc gia 2016 của TP Hà Nội sáng nay, theo tôi, chưa thực sự là một đề thi hay, nhất là ở câu nghị luận xã hội. Tính thời sự của đề thi cũng không cao- trừ câu hỏi 4 có một chút thời sự”, TS Phạm Hữu Cường, giáo viên luyện thi môn Văn của Hà Nội chia sẻ cùng PV Dân trí.
Nhiều học sinh "lệch tủ"
Sáng 21/4, toàn bộ học sinh lớp 12 của Hà Nội đã hoàn thành khảo sát chất lượng THPT môn Ngữ Văn. Nhiều học sinh cho biết đề khảo sát năm nay không quá khó. Tuy nhiên nhiều em “lệch tủ” vì không ngờ đề khảo sát ra đúng tác phẩm không mấy đặc biệt của chương trình.
Phương Thảo, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết, đề Văn khảo sát chất lượng năm nay bình thường. Mặc dù có một câu mang tính thời sự nhưng thực sự đề Văn không quá “mở”.
Em và nhiều bạn khác đều không ngờ tới bởi đề ra vào đúng tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Mặc dù em làm xong hết tất cả các câu nhưng xác định được khoảng điểm 7.
Đề khảo sát môn Văn THPT 2016 của Hà Nội
Cùng ý kiến này, Minh Hoàng- học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi nhận xét, em cùng nhiều bạn trong lớp bị “lệch tủ” bởi hầu hết đều chú trọng học các tác phẩm như: “Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt”…
“Không ngờ đề Văn lại rơi vào tác phẩm không mấy đặc biệt của chương trình. Tuy nhiên, do đề trích nguyên cả đoạn văn nên nhiều bạn học chưa kĩ vẫn có thể đọc đoạn văn và từ đó phân tích”, Hoàng cho biết.
Với gương mặt phấn khởi, Ngọc Nam- học sinh Trường THPT thực nghiệm cho biết, em làm được hai tờ giấy. Nhìn chung, đề Văn năm nay bình thường, không có nhiều vấn đề thời sự nổi bật. Em cũng không học kĩ tác phẩm này nhưng vẫn làm được khoảng 6-7 điểm. Đặc biệt, vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn mang tính thời sự năm nay đã được đưa vào đề thi khảo sát và chạm tới cảm nhận của nhiều người.
Đề không mới
Tiến sĩ văn học Phạm Hữu Cường nhận xét, đề khảo sát môn Văn sáng nay chưa thực sự là một đề hay, nhất là ở câu nghị luận xã hội.
"Câu nghị luận xã hội này quá cũ, lấy lại một câu đã từng xuất hiện trong đề thi tuyển sinh đại học vài năm trước đây, nên sẽ không thể sát với đề thi THPT Quốc gia chính thức sắp tới và cũng ít có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh.
"Đề Khảo sát chất lượng môn Văn THPT quốc gia 2016 của TP Hà Nội sáng nay, chưa thực sự là một đề hay, nhất là ở câu nghị luận xã hội. Câu nghị luận xã hội quá cũ, lấy lại một câu đã từng xuất hiện trong đề thi tuyển sinh đại học vài năm trước đây, nên sẽ không thể sát với đề thi THPT Quốc gia chính thức sắp tới và cũng ít có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh"
(TS văn học Phạm Hữu Cường)
Tính thời sự của đề thi cũng không cao - trừ câu hỏi số 4 có một chút thời sự - mà nghiêng về tính truyền thống, hầu như không đề cập đến các vấn đề thời sự hiện nay của dân tộc, của đất nước", TS Cường cho biết.
Phân tích về cấu trúc đề, TS Cường cho rằng, đề bám rất sát cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT, bám sát chương trình THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 12. Độ dài các câu tương đối hợp lý, có mức độ kiến thức và kĩ năng khá cơ bản, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá.
Các câu trong đề, nhìn chung được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
TS Cường nhận định, đề thi cũng ít câu hỏi mở, khả năng phân loại thí sinh chưa cao. Câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) là câu có nhiều “chất văn” hơn cả.
Ngoài ra, trong đề thi khảo sát môn Ngữ Văn THPT quốc gia 2016 của TP Hà Nội sáng nay, các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên".
Các em chỉ cần đọc kĩ văn bản, vận dụng các kĩ năng đọc hiểu thông thường là có thể hoàn thành tốt các câu hỏi này, Vì vậy, ở phần đọc hiểu, sẽ khá nhiều thí sinh đạt được từ 2 đến 2,5 điểm, thậm chí đạt điểm tối đa.
Câu nghị luận xã hội cũng không khó. Ở câu này, học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài, nên việc đạt được 2 điểm trở lên ở phần này cũng là trong tầm tay.
Là câu có nhiều “chất văn” hơn cả, câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) có thể khơi gợi được ít nhiều hứng thú làm bài của học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kĩ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành được phần lớn yêu cầu của đề.
Ở câu này, học sinh có thể sẽ quan tâm nhiều hơn đến vẻ đẹp của sông Hương mà ít chú ý làm nổi bật tình yêu thiết tha đối với quê hương xứ sở mà nhà văn gửi gắm trong đoạn văn, nên phổ điểm chủ yếu ở câu này sẽ là 3 điểm.
Vì vậy, tôi nghĩ với đề thi này, học sinh sẽ được khoảng 7-8 điểm là chủ yếu.
Ngược lại với ý kiến trên, trao đổi với PV Dân trí, cô Trịnh Thu Tuyết (nguyên GV Ngữ Văn Trường Chu Văn An, Hà Nội) cho biết, câu đọc hiểu đã chạm được tới những vấn đề thời sự vừa bức thiết, vừa nhân văn của cuộc sống hiện tại.
Cấu trúc đề đã bám sát mẫu đề mới nhất của Bộ GD& ĐT những năm gần đây. Tuy nhiên, các câu hỏi số 2,3,4 của bài đọc hiểu sẽ hướng tới những yêu cầu và đáp án gần giống nhau; đó cũng là vấn đề của hai câu số 7 và 8; điều đó sẽ hạn chế phần nào hứng thú tìm tòi sáng tạo của thí sinh.
Theo tôi, câu Nghị luận Văn học nên hướng tới yêu cầu "cảm nhận" hơn là " phân tích" để có thể phát huy cao độ năng lực cảm thụ, tiếp nhận chủ động sáng tạo của thí sinh.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)