Để học sinh và phụ huynh tham gia đánh giá giáo viên

(Dân trí) - Để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên thì nên để học sinh và phụ huynh tham gia vào quá trình đánh giá giáo viên. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Hương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội.

Ông Hương cho biết: Các nước quản lý giáo viên rất đơn giản bằng cách cho sinh viên góp ý với thầy những không cần công khai danh tính. Việt Nam cũng nên thay đổi bằng cách để học sinh và phụ huynh được tham gia vào quá trình này. Tôi nghĩ đây là cách đánh giá chính xác nhất.

 

Tuy nhiên cách thực hiện tốt nhất là từng cơ sở cũng nên chủ động để đổi mới cách đánh giá, không nên áp đặt nhưng quan trọng là việc các trường lựa chọn giáo viên và quản lý họ thế nào. Nếu quản lý thiếu chặt chẽ, buông lỏng sẽ làm mất kỷ cương, nảy sinh gian dối, đánh giá không khách quan trong thi cử và các hoạt động liên quan đến dạy và học. 

 

Quản lý giáo dục là công cụ giữ vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Vậy theo ông việc nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và giáo viên thì cần phải như thế nào?

 

Ông Nguyễn Đình Hương: Để đào tạo được những giáo viên có trình độ chuyên môn, tư cách đạo đức là điều không hề dễ dàng gì. Tăng số lượng giáo viên cần phải có một loạt chính sách đồng bộ về: lương, chế độ chính sách... Cần tăng cường số giáo viên có khả năng đi học nước ngoài; lựa chọn những người giỏi cả chuyên môn, đạo đức để bồi dưỡng và có chính sách đãi ngộ phù hợp. Thu hút các nhà khoa học, chuyên gia có khả năng ở các Viện nghiên cứu tham gia vào quá trình giảng dạy...

 

Nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí cho các trường mời chuyên gia vào đào tạo bồi dưỡng giáo viên tại chỗ. Gắn liền với đó phải là chế độ hợp lý để giáo viên có thể tập trung hết mình cho học tập. Chế độ giữa giáo viên các vùng miền khác nhau cũng kéo theo khoảng cách về chất lượng, đây là vấn đề cần phải  bàn. 

 

Được biết, hiện nay quy mô giáo viên trên cả nước nơi thừa, nơi thiếu. Theo ông, nguyên nhân tại sao?

 

Đúng, đội ngũ giáo viên hiện nay vừa thiếu về số lượng, bất hợp lý về cơ cấu, không theo kịp với yêu cầu đào tạo nhân lực của xã hội, trong khi mình vừa gia nhập vào WTO. Đó là thách thức lớn đối với giáo dục, về mặt thương mại, con người. Con người ở đây kể cả về tầm vĩ mô, vi mô, năng lực và khả năng nghề nghiệp.

 

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sau chuyến đi khảo sát ở một số trường ĐH trọng điểm thì Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Phải khẳng định, con người là yếu tố then chốt trong quá trình đổi mới. Nhà nước chú trọng đến vấn đề tăng quy mô nhưng hiện nay quy mô và chất lượng là vấn đề cũng phải quan tâm. Giáo viên vùng sâu, vùng xa còn bất cập cả về khả năng lẫn phương pháp giảng dạy; một bộ phận giáo viên không đủ điều kiện giảng dạy vì trình độ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình - sách giáo khoa mới. 

 

Theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

 

Bây giờ nên đa dạng hoá các trường Sư phạm. Các trường Sư phạm nên đào tạo chuyên sâu kể cả đào tạo, nghiên cứu và phương pháp sư phạm. Nên có các trường Sư phạm đa cấp, đa ngành có thể đào tạo giáo viên phổ thông và mầm non, cấp chuyên... nếu làm được việc này thì chúng ta nhanh chóng có đội ngũ giáo viên, bù đắp thiếu hụt hiện nay.

 

Quy hoạch này phải đồng bộ cả về đất đai, ngành nghề đào tạo, đội ngũ giáo viên. Chứ bây giờ địa phương nào cũng có 1 trường sư phạm như thế rất tản mạn dẫn đến đầu tư tràn lan không hiệu quả.

 

Đội ngũ giáo viên cần được tập trung là giáo viên tiểu học, phổ thông. Bên cạnh đó, đội ngũ cho giáo viên ĐH,CĐ, THCN rất thiếu cả về số lượng, cơ cấu, trình độ. Cần phải có chiến lược đầu tư lớn và muốn làm như vậy thì phải có quy hoạch.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Nhóm PVGD