Để học sinh tái hiện tác phẩm văn học có "cảnh nóng": Ngưỡng nào là đủ?
(Dân trí) - Sự việc giáo viên Văn bị đình chỉ dạy học do tổ chức hoạt động sâu khấu hóa văn học, để học sinh diễn kịch có "cảnh nóng" đã đặt vấn đề về hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học ở "ngưỡng" nào?
Mới đây, Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TPHCM ra quyết định kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ công tác dạy học 12 tháng đối với thầy giáo Phạm Quốc Đạt. Trong đó, có lý do thầy để học sinh diễn kịch"nhạy cảm" khi tái hiện lại một số tác phẩm văn học trong hoạt động ngoại khóa môn Văn gây phản ứng.
Khó đánh giá qua một "lát cắt"
Thầy Phạm Quốc Đạt khẳng định,vở kịch là cả một chuỗi diễn biến, câu chuyện, nếu chỉ đánh giá một "lát cắt" bằng một cảnh là không hợp lý.
Hơn nữa, các em dùng kỹ xảo (bằng chiếu bóng, màn che, diễn tả động tác), người xem ở sâu khấu sẽ cảm nhận khác. Còn thầy khi đứng xem các em diễn sau màn che thì thầy hoàn toàn bình thường, không có sự đụng chạm nam nữ.
Cảnh học sinh thầy Phạm Quốc Đạt tái hiện (Ảnh cắt từ Clip)
Sâu khấu hóa tác phẩm văn học là một hình thức dạy học được thực hiện phổ biến trong dạy học văn ở TPHCM nhiều năm qua. Không chỉ đọc, học tác phẩm rồi phân tích, bình luận theo cách truyền thống, học sinh sẽ trực tiếp thể hiện các tác phẩm qua các hình như như diễn kịch, múa, chèo...
Để làm được điều này, các em phải đọc, hiểu về tác phẩm phẩm. Tiếp đó phải làm quen với nhiều lĩnh vực khác như viết kịch bản, lời thoại, khả năng trình diễn, chuẩn bị trang phục, âm thanh, âm nhạc, tạo hình sâu khấu... Hay nói một cách khác, cách học này đòi hỏi học trò phải dấn thân và chủ động.
Sân khấu hóa tác phẩm văn học giúp HS có thêm nhiều cơ hội tiếp cận và cảm thụ văn bản theo nhiều cách khác nhau. Cách học này khơi dậy lòng yêu thích môn Văn, phát huy khả năng tổ chức, biên kịch, diễn xuất của các em.
“Hàng chục giờ dạy Văn một chiều của thầy cô ở trên bục giảng không bằng 2 giờ các em tự tìm tòi, thể hiện tác phẩm đó", cô Đỗ Thùy Linh, một GV dạy Văn ở TPHCM nói về hiệu ứng của hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học.
Cô Linh cho rằng, về vở kịch có cảnh "nhạy cảm" mà thầy giáo bị kỷ luật cô không được xem nguyên cả vở diễn nên không thể đánh giá mức độ, cách thể hiện, giá trị tác phẩm... Việc cắt ra một phân đoạn của vở kịch - phân đoạn đó có trong tác phẩm và là chi tiết đắt giá nói được thân phận con người trong tác - rồi "lên án" thầy trò là chưa công bằng.
"Về Văn học mỗi người có một góc nhìn, cảm thụ khác nhau. Phải xem suốt cả vở diễn, phải biết tác phẩm có bị đẩy đi xa theo hướng thô tục mà mất đi giá trị nhân văn hay không thì mới có thế lên tiếng", cô nói.
Tuy nhiên, cô Linh cho hay, khi thực hiện hoạt động sân khấu hóa, cô thường chọn những tác phẩm nhẹ nhàng, dễ tiếp cận, dễ thể hiện với lứa tuổi học sinh. Trong tác phẩm cũng cần chọn phân đoạn, phân cảnh phù hợp để tránh phản cảm.
Sáng tạo nhưng cần lắng nghe
Một cựu GV Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM cho hay, việc sâu khấu hóa tác phẩm phải có mục đích cụ thể. Và mục đích quan trọng nhất, theo ông, đó là việc hình thành nơi học sinh các năng lực sử dụng ngôn ngữ và năng lực cảm thụ tác phẩm.
Với mục tiêu đó, điều này đòi hỏi khi hướng dẫn HS sân khấu hoá một tác phẩm văn học, giáo viên cần hướng dẫn các em đọc sâu, đọc kĩ tác phẩm và sau đó chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Từ đó hình thành nơi học sinh kiến thức, kĩ năng, thái độ đối với môn học. Đích đến cho một giờ học Văn là môn học chứ không phải là một loại hình khác.
Ông cũng đánh giá, môn Văn là mảnh đất màu mỡ nhất để GV khơi nguồn sáng tạo nơi học trò. Sáng tạo thì vô bờ bến, mỗi người một góc nhìn nhưng ở vị trí một người thầy, GV cần khiêm tốn lắng nghe những ý kiến góp ý, suy xét để điều chỉnh sao cho hiệu quả giảng dạy cao nhất.
Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình cho hay, người thầy dạy Văn - là môn hướng dẫn học sinh đến với cái đẹp, cái hay, dạy các em về suy nghĩ, tình cảm, lối sống - rất cần sự nhạy cảm và cả lắng nghe.
Sâu khấu hóa tác phẩm văn học dù hiệu quả cao thế nào nhưng sân khấu hay văn học đều có tính ước lệ, hoàn toàn có thể tìm những cách thể hiện khác phải làm sao phù hợp với lứa tuổi, tâm lý các em. Giáo viên có thể hướng dẫn tìm tòi những hình ảnh, cách thể hiện, phương pháp khác để diễn tả mà không mất đi nội dung.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM tái hiệu tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
Một giáo viên khác ở TPHCM bày tỏ, việc lên án hay bênh vực thầy giáo về việc sân khấu hóa tác phẩm văn học trong trường hợp này chỉ là cảm xúc, cảm tính.
Có nhiều câu chính thầy giáo cần trả lời như mục tiêu bài học là gì? Vì sao mục tiêu đó, thầy chọn phương pháp này. Tổ chức cách thức "hơi khác" như vậy có tiềm ẩn nguy cơ gì không và có cách nào hiệu quả hơn nữa để đạt được mục tiêu này không.
Và một kế hoạch dạy học như vậy trong trường học, theo cô cần được tổ chuyên môn thông qua.
Hoài Nam