Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Băn khoăn trước “giờ G”

Với tầm quan trọng và ảnh hưởng đối với hàng chục triệu người, bao gồm giáo viên, học sinh và phụ huynh, đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa đang thu hút sự quan tâm của dư luận, dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 28/11. Theo ghi nhận, hiện vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về đề án này từ phía các chuyên gia, nhà giáo.

Gỡ mối lo "vừa đá bóng, vừa thổi còi"

Chủ trương của Bộ GD-ĐT về việc triển khai một chương trình (CT), nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) đã cơ bản nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học, nhà giáo, phụ huynh HS và dư luận xã hội. Do vị trí và tầm quan trọng của đề án, có rất nhiều câu hỏi lớn đang được đặt ra, trong đó vấn đề được quan tâm nhiều tại thời điểm này là ai sẽ viết SGK? Việc lựa chọn SGK sẽ như thế nào, ai là người quyết định?
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang thu hút sự quan tâm của dư luận. (Ảnh: Bá Hoạt)
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang thu hút sự quan tâm của dư luận. (Ảnh: Bá Hoạt)
 
Theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết SGK, song Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì việc biên soạn một bộ SGK. Điều này khiến dư luận băn khoăn về tính khách quan của việc biên soạn và lựa chọn sử dụng sách. Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Thường trực Ban Đổi mới CT và SGK (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết SGK. Bộ GD-ĐT chỉ đứng ra huy động các nhà khoa học, nhà giáo và tổ chức cho họ viết sách chứ cán bộ của Bộ GD-ĐT không viết. Bộ GD-ĐT đứng ra làm một bộ SGK nhằm phòng bất trắc có thể xảy ra, bởi nếu xã hội hóa mà không có ai chịu trách nhiệm thì đến thời điểm triển khai, HS lấy đâu ra sách để học?

Nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên tỏ ý e ngại rằng, nếu Bộ GD-ĐT vừa ban hành SGK, lại vừa nắm quyền chốt đề thi thì tất cả nhà trường sẽ dùng sách của Bộ GD-ĐT cho "an toàn" và như vậy thì chủ trương giao quyền chủ động lựa chọn SGK cho nhà trường sẽ bị ảnh hưởng. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng, về lý thuyết thì có thể đặt ra vấn đề trên, song thực tế, Bộ GD-ĐT chỉ đứng ra tổ chức viết sách. Bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn cũng phải chịu sự thẩm định của Hội đồng quốc gia như mọi bộ sách khác. Việc lựa chọn SGK do các nhà trường chủ động, thậm chí các trường có thể tham khảo ý kiến của phụ huynh để đưa ra quyết định, Bộ GD-ĐT không ép buộc hay chỉ định phải dùng bộ sách này hay bộ sách kia. Sau khi hoàn thành việc biên soạn SGK, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng quy chế và công khai các quy định về việc lựa chọn sách. Vì vậy, giáo viên, HS có thể yên tâm chủ động lựa chọn, miễn là sách đã được Hội đồng quốc gia thẩm định. Còn về đề thi thì từ trước đến nay luôn được xây dựng theo mục tiêu CT giáo dục phổ thông, không phụ thuộc vào cuốn sách nào. Do vậy, không có chuyện Bộ GD-ĐT lấy bài trong sách mà Bộ GD-ĐT biên soạn mà không lấy bài ở những cuốn sách khác để làm đề thi.

Viết sách giáo khoa hay viết chương trình trước?

Trong khi nhiều nhà quản lý, thầy, cô giáo băn khoăn về việc biên soạn, lựa chọn SGK thì các chuyên gia giáo dục, các nhà giáo lão thành lại dành sự quan tâm đối với việc xây dựng một CT chuẩn trước khi viết SGK. Tại diễn đàn về vấn đề này do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 11-2014, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dường như phía Bộ GD-ĐT đang quá chú ý tới SGK trong khi vấn đề quan trọng ở thời điểm này là định hình chuẩn CT của từng khối lớp, có được điều này rồi mới có thể biên soạn được một bộ SGK đạt yêu cầu đã đề ra.

Theo GS Nguyễn Khắc Phi (Trường ĐH Sư phạm), nhà giáo đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp "trồng người", nhiều năm qua, chúng ta quan tâm nhiều tới SGK nhưng chưa chú trọng đúng mức tới CT. Trong khi đó, CT như pháp lệnh, còn SGK chỉ là công cụ để triển khai định hướng mà pháp lệnh đã đặt ra. Việc xây dựng một CT chuẩn là đòi hỏi cấp bách. Để đáp ứng được các yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay, việc xây dựng CT lần này sẽ phức tạp gấp nhiều lần so với trước, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo và cách làm khoa học.

Cùng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam cho rằng, căn cứ vào đòi hỏi, yêu cầu của đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như nghị quyết của Đảng đã nêu, Bộ GD-ĐT nên tập trung công sức, huy động các nhà khoa học làm rõ chuẩn CT cho các lớp, các đối tượng. Một khi chưa làm rõ CT thì chưa thể nói đến chuyện tổ chức biên soạn SGK được.

Từ thực tế ấy, nên chăng Bộ GD-ĐT cần tổng kết, đánh giá nghiêm túc, khách quan về CT giáo dục và SGK hiện hành với sự tham gia của đầy đủ các lực lượng liên quan. Nếu như CT giáo dục hiện nay là tốt, SGK có hiệu quả cao trong giảng dạy thì chắc rằng giờ đây ngành giáo dục không phải bàn đến chuyện này. Rõ ràng, CT và SGK hiện hành là có vấn đề. Vậy vấn đề ở đây là gì? Xác định rõ điều này là cơ sở cho việc định hướng lộ trình xây dựng CT và SGK có chất lượng, đạt mục tiêu, tránh những hạn chế đã mắc phải.
 
Theo Thống Nhất
Hà Nội Mới