Dạy văn hóa - các trường nghề đang làm tốt, tại sao không để cho họ làm?!
(Dân trí) - PGS.TS Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội Việt Nam cho rằng, việc không cho các trường nghề dạy văn hóa hệ 7 môn là sự lãng phí nguồn lực của xã hội.
Mục đích để học sinh được liên thông lên đại học
Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội Việt Nam là một trong hai đơn vị (cùng với Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật) đã ký công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc "kêu cứu" về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang thực sự gặp nhiều khó khăn, bất cập do Bộ GD-ĐT chậm ban hành thông tư quy định liên quan.
Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội và cũng là người ký công văn "kêu cứu", PGS.TS Dương Đức Lân cho biết, trong những năm qua việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Hệ thống các quy định pháp luật về Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từng bước được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở GDNN phát triển, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng); quy mô tuyển sinh ngày càng tăng, bước đầu tạo được phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào GDNN (theo mô hình 9+).
Báo cáo Chính trị của BCH TƯ Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định thời gian qua "giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến".
Tuy nhiên thời gian gần đây, Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội Việt Nam nhận được nhiều thông tin hoang mang, lo lắng, phản ánh những khó khăn bất cập về việc tổ chức giảng dạy văn hóa THPT cho người học từ các cơ sở GDNN. Cụ thể, Bộ GD&ĐT quy định, từ năm học 2021 - 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ không được tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT.
Nhiều trường nghề đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để dạy chương trình GDTX bậc THPT theo Luật Giáo dục sắp tới có nguy cơ phải đóng cửa, giáo viên sẽ mất việc.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Dương Đức Lân phân tích: Bây giờ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có dạy văn hóa THPT cho học sinh. Dạy văn hóa THPT có hai loại, một là dạy văn hóa THPT 4 môn phục vụ cho dạy nghề thì từ trước đến nay vẫn dạy. Nhưng học trung cấp mà học xong văn hóa THPT 4 môn thì chỉ có thể liên thông lên Cao đẳng.
"Cái mà chúng tôi kiến nghị ở đây chính là chương trình văn hóa THPT 7 môn, để học sinh sau này có thể được liên thông lên đại học. Cái này theo quy định mới của Bộ GD-ĐT sẽ giao các TTGDTX chứ trường nghề không được dạy nữa", ông nói rõ.
Gây khó khăn cho các trường dạy nghề
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lân, từ trước đến nay, lực lượng giáo viên giảng dạy văn hóa THPT ở các trường nghề rất đông đảo và có thể 700-800 trường nghề (cả cao đẳng, trung cấp) dạy chương trình này. Cơ sở vật chất và điều kiện để dạy hệ 9+ này ở các trường nghề là rất tốt, nếu bây giờ bảo họ không dạy nữa mà chuyển cho TTGDTX thì rất lãng phí nguồn lực, khiến nhiều thầy cô giáo không còn việc.
"Đặc biệt, chất lượng dạy ở các TTGDTX chưa chắc đã bằng các trường nghề", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội Việt Nam, các TTGDTX đội ngũ rất mỏng trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã sẵn sàng đội ngũ, sẵn sàng cơ sở vật chất và các điều kiện để giảng dạy văn hóa. Nếu xét về mặt xã hội như thế là gây khó khăn cho các trường cao đẳng và trung cấp trong hệ thống GDNN.
Trong vai trò Chủ tịch, ông đã lắng nghe và ký trình Thủ tướng công văn "kêu cứu", mong mỏi Thủ tướng có giải pháp tháo gỡ, Bộ GD-ĐT sớm ban hành hướng dẫn quy định khối lượng đào tạo văn hóa trong các trường THPT.
"Học nghề và văn hóa trong cơ sở GDNN từ trước đến nay đã có sự kết hợp rất thuần thục rồi, bây giờ không cho làm nữa thì làm xáo trộn các trường nghề. Mặt khác, khi mà biết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể dạy văn hóa THPT 7 môn với chất lượng tốt, tại sao lại không để cho người ta làm?!", Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội Việt Nam bày tỏ trăn trở.
Khi PV hỏi, liệu có nên có một thước đo, công cụ tiêu chuẩn nào để đánh giá việc dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng khiến các bên liên quan đều yên tâm, PGS.TS Nguyễn Đức Lân đáp: "Cái này chính là quay lại vấn đề Bộ GD-ĐT phải ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa và quy trình kiểm tra, đánh giá nó như thế nào trong trường nghề…
Học sinh học trường nghề hệ 9+ ra thi tốt nghiệp THPT là thi cùng các em học sinh khác, đó cũng là cách kiểm tra chất lượng đầu ra đấy chứ! Các em đâu có ngồi thi riêng…".