Dừng dạy văn hóa trong trường nghề: Sẽ nảy sinh nhiều rắc rối, phức tạp
(Dân trí) - Nhiều lãnh đạo trường nghề cảnh báo, nếu dừng dạy văn hóa trong trường nghề, chuyển giao cho các trung tâm GDTX đảm nhận, nếu đi vào thực tế sẽ không hề đơn giản mà nảy sinh nhiều rắc rối, phức tạp.
Trung tâm GDTX khó đủ nhân lực để dạy học sinh từ các trường nghề
Trao đổi với PV Dân trí, TS. Lê Văn Kỳ - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công thương Thanh Hóa cho biết, mới đây đại diện nhà trường đã tham gia họp trao đổi với các trường nghề trên địa bàn tỉnh và Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cũng có kiến nghị với Chủ tịch tỉnh về bất cập trong việc đào tạo hệ 9+ trong trường nghề khi Bộ GD&ĐT quy định từ năm 2021, Bộ không cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên hệ THPT.
Quy định này khiến nhiều giáo viên mất việc, học sinh gặp khó. Hiệp hội các trường nghề cũng đã "kêu cứu" Thủ tướng tháo gỡ vấn đề này.
TS Lê Văn Kỳ trình bày, cách đây khoảng 10 năm, Sở GD-ĐT tỉnh đã cho phép trường giảng dạy chương trình văn hóa trong nhà trường. Khoa có khoảng 15 người tham gia dạy văn hóa, có thâm niên giảng dạy lâu năm, nhiều người là thạc sĩ. Giáo viên mới nhất cũng tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm ra trường được một vài năm, người lâu nhất có thâm niên đến 30 năm đào tạo trong lĩnh vực này rồi.
Tuy nhiên bây giờ nếu trường không được giảng dạy nữa mà phải ký kết với trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) thì việc bố trí công việc cho bộ phận giáo viên này rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của các giáo viên…".
Mặt khác, ông Kỳ cho rằng nếu các trường nghề ký hợp đồng với TTGDTX cũng có thể nảy sinh nhiều phức tạp… Chẳng hạn, ai là người đứng ra thu học phí và thanh toán học phí? Theo quy định của từng tỉnh và HĐND tỉnh mà tỉnh quyết định mức thu học phí. Bây giờ giả sử TTGDTX thực hiện việc phối hợp giảng dạy thì đơn vị nào chịu trách nhiệm thu học phí này và thanh toán cho kho bạc?
"Trường tôi cũng đã lo trước, đi liên lạc với một số TTGDTX. Nếu họ thuê lại cơ sở vật chất của trường mình rồi bố trí giáo viên dạy văn hóa, ví dụ học phí thu mức 155.000/ tháng thì ai sẽ đứng ra chủ trì hạch toán. Nếu TTGDTX trả cho trường 70% và bên kia 30% thì ai đứng ra hạch toán rồi thanh toán cho kho bạc, ký hợp đồng có hợp lệ hay không. Hai bên chưa bên nào đàm phán với nhau được… Đó có thể là vướng mắc khó khăn về tài chính cần tính toán trước. Tài chính là vấn đề rất phức tạp".
Thứ hai, hệ thống TTGDTX thường đội ngũ biên chế không nhiều và mỏng, do đó nhiều khả năng họ không thể đủ sức để có thể "kham" dạy văn hóa cho học viên các trường trung cấp, trường cao đẳng được (số lượng học sinh học chương trình 9+ ở trường nghề khá nhiều).
Theo vị hiệu trưởng, khả năng cao các TTGDTX sẽ quá tải và không đủ sức làm việc này. Cuối cùng, họ lại bắt buộc phải đi thuê giáo viên của trường nghề dạng hợp đồng. Mà khi ký lại đòi hỏi phù hợp chuyên môn và hợp đồng. Đó là khó khăn thứ hai.
Thứ ba, quy định mới sẽ gây nên sự xáo trộn vì học sinh phải di chuyển nhiều. Tâm lý các em học ở trường nghề là muốn học tiếp hệ 9+ này để thi tốt nghiệp nhưng bây giờ lại thay đổi. Do đó, việc tuyển hệ 9+ của các trường nghề sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai. Học sinh các trường nghề đều trong tâm trạng lo lắng, xáo trộn dẫn đến khó khăn cho phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp.
Ông Kỳ lo lắng chia sẻ và đặt câu hỏi: "Ai đứng ra chủ trì, hạch toán học phí nếu như TTGDTX lại thuê lại giáo viên của trường nghề để giảng dạy các bộ môn văn hóa. TTGDTX muốn trường nghề thu rồi thanh toán cho họ… nhưng theo như Bộ GD-ĐT thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các TTGDTX và TTGDTX phải là đơn vị chủ trì hoạt động này. Đây là cả vấn đề.
Lúc đầu tôi tưởng đơn giản nhưng khi đụng đến học phí và thanh toán cho kho bạc theo luật thì khá rắc rối. Một năm có thể học phí thu là vài trăm triệu nhưng 2-3 năm nó có thể lên tới tiền tỷ, nếu không đúng về mặt tài chính thì rất khó khăn cho việc thanh tra kiểm toán".
Kiến nghị giữ nguyên mô hình cũ, tránh gây xáo trộn
Trước những phân tích trên, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Công thương Thanh Hóa kiến nghị: "Những đơn vị đủ tiêu chuẩn đã đào tạo có truyền thống lâu năm về văn hóa vẫn được giảng dạy văn hóa như bình thường.
Các em học đủ khối lượng mà Bộ GD-ĐT quy định cho hệ GDTX thì các em sẽ có quyền lợi thi tốt nghiệp THPT. Em nào đủ kiến thức thì các em có thể đỗ, còn không các em sẽ tiếp tục học nghề để lấy bằng nghề hoặc tiếp tục ôn luyện văn hóa".
"Chúng ta nên tôn trọng các trường, một trường nghề sẽ có đủ đội ngũ văn hóa, cơ sở vật chất thì hoàn toàn có khả năng làm như cũ chứ không cần phải thay đổi xáo trộn lớn gì. Còn một số trường nghề mới thành lập chưa có đội ngũ dạy văn hóa thì bắt buộc sẽ phải hợp tác hoặc thuê, hợp đồng với GDTX… từ trước đến nay họ vẫn phải làm như thế", TS Lê Văn Kỳ nêu quan điểm.
Ông Kỳ dẫn chứng: "Bây giờ thay đổi như vậy thì tôi chắc chắn các TTGDTX ở Thanh Hóa sẽ không đủ để dạy văn hóa tất cả học sinh của các trường nghề. Còn lại, các trường THPT họ đã nhận học sinh của họ đủ định mức rồi nên không tham gia đào tạo cái này. Giả sử TP Thanh Hóa có một TTGDTX thôi mà có tới 7-8 trường Cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì làm sao 1 trung tâm đó là có thể ký hợp tác đào tạo 9+ với 7-8 trường (khoảng mấy nghìn học sinh). Một TTGDTX chỉ có 20-30 người làm sao dạy được tất cho mấy nghìn người… nó khó lắm!".
Còn ông Lê Quang Hồng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) cho hay, trước kia, nhà trường được Sở GD-DT cho toàn quyền dạy chương trình 9+, còn bây giờ (kể từ khi có văn bản của Bộ GD-ĐT) thì nhà trường vẫn được dạy nhưng phải có một trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) phối hợp để quản lý.
Theo ông Hồng, việc chậm ban hành hướng dẫn bổ trợ văn hóa liên thông của Bộ GD-ĐT khiến nhiều trường nghề gặp khó.
Cụ thể, riêng trên tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan quản lý cũng không bắt nhà trường chúng tôi dừng hẳn mà phải phối hợp với TTGDTX để làm. Nhà trường đang thực hiện mô hình này và cảm thấy có hiệu quả.
Nhà trường vẫn tự chủ toàn bộ việc thu, chi học phí, tuy nhiên nhà trường phải phối hợp với một TTGDTX vào để quản lý với trường (ký học bạ, ký hồ sơ). Tất nhiên cũng hơi… phiền. Nếu trường được tự chủ 100% về vấn đề này như ngày xưa (được dạy, lập kế hoạch này khác…) thì chủ động hơn nhiều.
Ông Lê Quang Hồng cho rằng, các cơ quan chức năng nên cho phép các trường tiếp tục làm mô hình như cũ nhằm đảm bảo việc phân luồng và thuận lợi cho người học. "Nếu giờ học sinh vừa học nghề một bên rồi lại di chuyển đi học văn hóa một nơi thì rất vất vả, đặc biệt là các tỉnh vùng núi", đại diện này chia sẻ.