Dạy tích hợp: Giáo viên sẽ vất vả hơn!
(Dân trí) - Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Chính vì vậy, giáo viên dạy theo phương pháp này nếu không có chuyên môn vững sẽ gặp nhiều khó khăn.
Giáo viên vất vả và gặp khó khăn
Dạy học tích hợp, liên môn không phải nội dung hoàn toàn mới trong giáo dục. Thực tế ở trường phổ thông trong chương trình hiện hành, ở cấp tiểu học đã xây dựng một số môn học có tính tích hợp thể hiện khá rõ như môn Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội ; Khoa học, Lịch sử và Địa lý.
Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông đã có sự tích hợp các nội dung trong từng môn học (Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế - xã hội trong môn Địa lý; Tiếng Việt, Văn học và Tập làm văn trong môn Ngữ văn...); đồng thời, tích hợp các nội dung giáo dục về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, kỹ năng sống, sức khoẻ sinh sản… vào nhiều môn học khác nhau.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết, khi nhà trường triển khai dạy tích hợp thấy học sinh sáng tạo hơn, hứng thú hơn trong học tập vì được vận dụng tổng hợp các kiến thức để giải quyết các vấn đề ngoài thực tiễn, không phải ghi nhớ kiến thức một cách máy móc...Giáo viên các tổ chuyên môn gắn bó hơn, đoàn kết hơn vì luôn cùng nhau trao đổi để nâng cao hiệu quả dạy học.
Thầy Trần Văn Huy, giáo viên Vật lý Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho hay, một trong mục tiêu dạy học tích hợp là tránh chồng chéo nội dung, giảm tải cho học sinh so với chương trình hiện hành. Hiện nay, để thực hiện hiệu quả mà không gây quá tải cho học sinh tôi thường áp dụng mô hình lớp học đảo ngược, học sinh sẽ phải tự học nhiều hơn qua mạng trường học kết nối, qua e-mail, qua nhóm trên facebook, edmono. Sau đó, trên lớp tập trung thảo luận vào các vấn đề học sinh chưa rõ.
Tuy nhiên, bà Thu Anh cho rằng, thực tế cho thấy HS “lạ lẫm”, “thấy khó”, không “hứng thú” hay có cảm hứng với kiến thức môn học tùy thuộc vào việc giáo viên lựa chọn mục tiêu dạy học có phù hợp với đối tượng học sinh không? Cách thức tổ chức các hoạt động dạy học có hiệu quả không? Giáo viên có đánh giá được hiệu quả dạy học tích hợp không?... Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là Ban giám hiệu phải hiểu sâu sắc cơ sở lí luận, hiệu quả của dạy tích hợp liên môn và nắm được năng lực nghề nghiệp, điểm mạnh, điểm yếu, sở trưởng, sở đoản của từng giáo viên. Chúng tôi tạo cơ hội để từng GV được tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức; tham gia các hội thảo liên trường…
Theo thầy Trần Văn Huy, khi soạn theo hướng dạy học phát triển năng lực học sinh thì GV phải vất vả hơn. Khó khăn là giáo viên cần tìm hiểu rộng hơn kiến thức của các môn học khác. Tuy nhiên, với việc vận dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực thì giáo viên có thể mở rộng hiểu biết từ việc tự học, tự bồi dưỡng, học hỏi đồng nghiệp và có thể ngay từ chính học sinh. Quan trọng nhất là giáo viên cần có tư duy và hiểu biết về cách thức đổi mới phương pháp theo hướng phát triển năng lực học sinh. Cụ thể, người làm thầy luôn đặt cho mình câu hỏi trước khi soạn bài, trước khi vào lớp: Bài này sẽ áp dụng liên môn nào, kết hợp kiến thức ra sao, gắn với thực tiễn thế nào… để giờ dạy thêm sinh động, hấp dẫn, học sinh dễ hiểu.
Chia sẻ về tổ chức dạy tích hợp, giáo viên Trần Văn Huy cho biết, ngay từ đầu năm học, khi xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học, các giáo viên chủ chốt đã lựa chọn các nội dung cần và có thể tích hợp hiệu quả. Từ đó xác định môn chính và liên môn hỗ trợ. Việc thực hiện bắt đầu bằng tổ chức các nhóm trao đổi, lên phương án khả thi nhất để bài dạy có thể thành công. Đặc biệt, tránh bị trùng lặp phần nội dung đã liên môn để học sinh không phải học lại kiến thức.
Sau khi các tổ nhóm lên kế hoạch, Ban Giám hiệu sẽ phê duyệt và tạo đều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực … (Ví dụ, cần đưa học sinh tham quan học tập tại bảo tàng, nhà máy, trường đại học,.. thì cần được hỗ trợ về nhân lực – các giáo viên liên quan, kinh phí, thời gian)…
Nhầm lẫn khái niệm tích hợp
Theo một kết quả khảo sát đối với hơn 250 giáo viên bậc THCS ở Đà Nẵng, có 91% giáo viên với cơ sở lý thuyết liên quan đến dạy học tích hợp nhưng chỉ có hơn 44% giáo viên định nghĩa đúng khái niệm tích hợp liên môn và đến 40% giáo viên nhầm lẫn khái niệm tích hợp liên môn và tích hợp đa môn.
TS Dương Thị Hồng Hiếu, ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, nhiều giáo viên chưa hiểu rõ tích hợp, phân hóa là gì. Việc áp dụng dạy học tích hợp mới chỉ dừng ở mức độ lồng ghép, lồng vào nhiều liên hệ với nguy cơ làm loãng kiến thức trọng tâm và thừa thãi các kiến thức không phù hợp.
Giải đáp những thắc mắc trên, PGS TS Đinh Thị Kim Thoa, ủy viên Ban xây dựng CT GDPT tổng thể cho biết, tích hợp môn học có những mức độ khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao và theo các hình thức khác nhau. Nhưng tựu trung lại, có bốn mức độ tích hợp: Tích hợp trong nội bộ môn học; Tích hợp liên môn; Tích hợp xuyên môn; Tích hợp đa môn và theo hai hình thức, đó là: Tích hợp không tạo môn học mới và tích hợp tạo nên môn học mới.
Tích hợp trong dạy học cũng có thể được đề cập theo hai cách tiếp cận sau: tiếp cận nội dung và tiếp cận phương pháp. Trong tiếp cận nội dung có tích hợp toàn phần, tích hợp bộ phận và tích hợp liên hệ. Tích hợp liên hệ là đơn giản nhất, tích hợp toàn phần là tích hợp sâu nhất. Nếu dựa theo phân loại này thì dạy học của chúng ta cũng đã thực hiện việc tích hợp nào đó nhưng chưa triệt để mà thôi.
Bà Thoa cho rằng, chương trình hiện hành chưa quán triệt tốt quan điểm tích hợp nên có nhiều môn học và các môn học khó tránh khỏi trùng lặp về nội dung. Theo quan điểm tích hợp, các kiến thức liên quan với nhau sẽ được lồng ghép vào cùng một môn học nên tránh được sự trùng lặp không cần thiết về nội dung giữa các môn học và vì vậy số lượng môn học và thời lượng học tập sẽ giảm bớt…
Do quá trình phát triển của thực tiễn nên nhiều kiến thức, kĩ năng chưa có trong các môn học, nhưng lại rất cần chuẩn bị cho học sinh để có thể đối mặt với những thách thức của cuộc sống; do đó cần tích hợp giáo dục các kiến thức và kĩ năng đó thông qua các môn học.
Theo bà Thoa, chủ trương dạy học tích hợp trong chương trình mới có một số điểm khác so với chương trình hiện hành là tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở các cấp học, tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp và thi, kiểm tra, đánh giá giáo dục.
Hồng Hạnh
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)