Tích hợp môn Lịch sử: Không thể ghép nối, chắp vá tùy tiện

Môn Lịch sử có nhiều nội dung khoa học khác nhau, nên không thể bị tích hợp, ghép nối chắp vá vào bất cứ môn học nào, mà chỉ có thể đứng độc lập.

Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” do Bộ GD-ĐT công bố có đề cập môn học mới là “Công dân với Tổ quốc”, dựa trên sự gộp, ghép cơ học của 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc phòng – An ninh. Vấn đề này ngay lập tức gây ra sự tranh luận, phản ứng nhiều chiều từ các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như nhiều nhà giáo với lo ngại, môn học này có thể bị “xé nát” hoặc nối ghép vụn vặt…

Liệu trong tương lai gần, môn Lịch sử sẽ đứng ở đâu? Việc dạy và học tập môn học này sẽ như thế nào? Đây là điều mà dư luận xã hội đang quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Điện tử VOV phỏng vấn PGS.TS Vũ Quang Hiển, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Thưa ông, dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể có đề cập việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc”. Ông có thể giải thích sự tích hợp đó như thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, môn Lịch sử được hết sức coi trọng, được tích hợp ở bậc Tiểu học và được phân hóa một cách rõ rệt ở các bậc THCS và THPT, với tư cách là môn học độc lập, bắt buộc, trong tất cả các nhà trường từ phổ thông đến đại học.

Mỗi môn khoa học đều có vai trò quan trọng riêng của nó. Môn Lịch sử với tư cách một môn khoa học cơ bản, mang tính đặc thù, giữ vị trí quyết định trong việc trang bị có hệ thống những tri thức nền tảng về lịch sử và văn hóa dân tộc, để từ đó tạo ra bản lĩnh và bản chất của con người Việt Nam có năng lực, sáng tạo và giàu lòng yêu nước.


PGS.TS Vũ Quang Hiển.

PGS.TS Vũ Quang Hiển.

Tích hợp là một nguyên tắc dạy học, là vấn đề rất quan trọng, nhưng không phải là sự gộp, ghép, làm một phép cộng đơn giản và tuỳ tiện nhiều môn học khác nhau để tạo ra một môn học mới.

Tích hợp liên môn trong dạy học Lịch sử là tích hợp những đơn vị kiến thức vốn thuộc về khoa học lịch sử nhưng lại cần cho các môn học khác, để bớt đi thời lượng của các môn khác, tạo điều kiện để các môn khác hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Bản thân môn Lịch sử với tư cách một môn khoa học độc lập có những nội dung góp phần giáo dục ý thức của công dân với Tổ quốc và rộng hơn là với nhân loại, nên có thể tích hợp vấn đề này vào môn Lịch sử. Tuy nhiên, môn lịch sử còn nhiều nội dung khoa học khác nhau, nên nó không thể bị tích hợp vào bất cứ môn học nào, mà chỉ có thể đứng độc lập. Đưa môn Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là không đúng nghĩa về “tích hợp” liên môn.

Sự chọn lựa một số kiến thức của một số môn (bao gồm cả Lịch sử) để gộp lại, tạo ra môn “Công dân với Tổ quốc” thực chất chỉ là một phép cộng máy móc, khập khiễng và không tưởng, là sự khai tử môn Lịch sử một cách cố ý, là sự xem thường những giá trị đặc thù của giáo dục lịch sử.

Nói tóm lại, tích hợp trong dạy học Lịch sử là sự tổng hợp kiến thức có liên quan đến nhiều môn học khác trong môn Lịch sử. Lấy môn Lịch sử làm trụ cột để giải quyết các vấn đề lịch sử mà các môn học khác cần tới, chứ không thể chia các nội dung lịch sử ra để giải quyết trong các môn học khác và giải thích một cách thiển cận rằng “giáo dục lịch sử được tích hợp trong nhiều môn học khác nhau”.

PV: Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra Dự thảo như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, môn Lịch sử phải là môn khoa học và môn học bắt buộc trong các bậc học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Chúng ta không thể nói rằng, lịch sử có trong môn Văn học, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng… Không thể “xé nát” môn Lịch sử ra để mỗi môn học giảng dạy một chút. Giáo dục Lịch sử có tính đặc thù, phải được tiến hành một cách hệ thống, được thực hiện bởi đội ngũ những nhà chuyên môn được đào tạo một cách chuyên nghiệp, với những phương pháp dạy học đặc trưng, chứ không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể giảng dạy được môn học này.

Giáo dục Lịch sử một cách có hệ thống trong nhà trường phổ thông là nhiệm vụ của chính môn Lịch sử, chứ không phải nhiệm vụ của bất kỳ môn học nào khác. Mặc dù một số môn học có thể góp phần giáo dục lịch sử trên một số chiều cạnh mà môn học đó cần khai thác bằng những phương pháp riêng, nhưng không thể làm chức năng giáo dục lịch sử một cách có hệ thống và đồng bộ.

Khi học sinh lên bậc học cao thì kiến thức về môn Lịch sử vẫn phải được giảng dạy một cách cơ bản, khoa học và hệ thống, khách quan và toàn diện, trên cơ sở cung cấp những tư liệu gốc để người học nhận thức đúng sự thật lịch sử.

Coi nhẹ môn Lịch sử là hết sức sai lầm. Trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông có hiện tượng ghép môn Lịch sử và một số môn khác để tạo ra môn “Công dân với Tổ quốc”, hoặc chia kiến thức môn Lịch sử ra để giải quyết trong những môn học khác nhau, thực hiện cái gọi là “tích hợp giáo dục lịch sử trong nhiều môn khác”. Cả hai cách làm đó đều không có cơ sở khoa học, chỉ là sản phẩm duy ý chí chủ quan. Hiện không có một quốc gia nào trên thế giới làm như vậy.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin toàn cầu, có nhiều sự kiện lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, đã và đang bị xuyên tạc có chủ đích xấu, làm lung lạc tinh thần của một bộ phận thanh thiếu niên và cả một số người lớn. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng, nếu coi nhẹ vai trò môn Lịch sử, và nuôi ảo tưởng dùng những môn học khác thay thế môn Lịch sử giải quyết các vấn đề đó.

Ở hầu hết các nước trên thế giới, nhất là các nước có nền giáo dục tiên tiến, môn Lịch sử được coi là môn phải học và thi bắt buộc từ bậc phổ thông cho đến đại học. Có những nước từng coi nhẹ môn Lịch sử (như Canada) nhưng rồi lại phải trở lại giáo dục bắt buộc môn học này với tư cách một môn độc lập cho học sinh ở bậc phổ thông. Một người nước ngoài muốn nhập quốc tịch vào Canada thì phải thi môn Lịch sử Canada.

Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đề cập đến tích hợp nội dung lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là một việc làm không đúng, cần phải kiên quyết loại bỏ. Phải nghiên cứu lại một cách nghiêm túc với sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, và phải trình Hội đồng Giáo dục quốc gia quyết định và thông qua.

PV: Thưa ông, nếu coi môn Lịch sử là môn học bắt buộc. Vậy chúng ta phải làm gì để  môn Lịch sử thực sự hấp dẫn đối với học sinh trong chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể?

PGS.TS Vũ Quang Hiển: Tôi nghĩ rằng, việc dạy và học lịch sử hiện nay còn nhiều bất cấp, từ quan niệm, nội dung chương trình, sách giáo khoa đến đội ngũ thầy, cô giáo; từ phương pháp dạy học đến phương thức kiểm tra đánh giá.

Lịch sử chỉ được giáo dục có hiệu quả khi nó là một môn khoa học. Khung chương trình môn Lịch sử phải được xây dựng lại một cách khoa học, phù hợp với từng độ tuổi, đảm bảo tính vừa sức của mỗi bậc học, cấp học. Để thực hiện điều này, ngành Giáo dục cần tập hợp, chắt lọc ý kiến của giới sử học, các nhà khoa học giáo dục, nhất là các nhà sư phạm…

Trên nền tảng của chương trình mới, chúng ta có thể tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thực sự khoa học. Hiện nay, sách giáo khoa của chúng ta còn phiến diện, nặng tính hàn lâm, nghiêng về các sự kiện chính trị, quân sự, nhưng lại ít các thông tin, sự kiện liên quan đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, đối ngoại...

Để môn Lịch sử thực sự hấp dẫn đối với học sinh, từ chương trình và sách giáo khoa môn học này phải có sự đổi mới căn bản và toàn diện. Triết lý dạy học môn Lịch sử không phải là tạo ra những người học theo lối thuộc lòng máy móc các sự kiện lịch sử, từ ngày tháng đến chi tiết diễn biến, mà ngay các nhà sử học nổi tiếng trên thế giới cũng không thể thuộc hết được.

Điều quan trọng trong dạy và học Lịch sử là giúp học sinh có được tinh thần, khí phách của lịch sử; giúp con người có khả năng nhìn nhận, đánh giá mọi sự kiện, hiện tượng lịch sử dựa trên những cứ liệu xác thực và tự liên hệ với thực tiễn để rút ra được bài học cho hiện tại và tương lai. Từ đó hình thành nên năng lực và phẩm chất con người, tạo ra bản lĩnh, bản sắc con người. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà các nhà trường, đội ngũ thầy, cô và các nhà sử học cần phải nhận thức một cách nghiêm túc. Ngoài ra, xã hội cũng cần phải thay đổi quan niệm môn Lịch sử là môn học phụ, môn học thuộc lòng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp có thẩm quyền, cần hình thành những trung tâm hỗ trợ giáo dục lịch sử ở cấp quốc gia và trong từng địa phương nhằm hỗ trợ thường xuyên để nâng cao trình độ và tay nghề cho đội ngũ giáo viên, cũng như tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh trong học tập môn Lịch sử.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS!

Theo Bích Lan

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm